Cần phải có lộ trình

01:04, 30/04/2019

Bộ Nông nghiệp- PTNT chính thức ký quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất Glyphosate khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Theo đó, mức độ độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người thường xuyên tiếp xúc.

Bộ Nông nghiệp- PTNT chính thức ký quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất Glyphosate khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Theo đó, mức độ độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người thường xuyên tiếp xúc.

Người dân cần tuân thủ các quy tắc bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân cần tuân thủ các quy tắc bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Còn 5 triệu lít trên thị trường!

Mới đây, 10/4/2019, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã ban hành quyết định cấm không cho sử dụng chất diệt cỏ Glyphosate trong thuốc BVTV ở Việt Nam vì có nguy cơ gây các bệnh ung thư.

Tại Vĩnh Long, thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate có nhiều tên thương hiệu được lưu hành và được người dân sử dụng khá nhiều bởi đặc tính diệt cỏ mạnh. Trước thông tin loại thuốc có chứa hoạt chất này gây ung thư đã khiến nhiều nông dân và chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp lo lắng.

Làm nghề xịt thuốc mướn hơn 20 năm, chú Nguyễn Văn Hưng ở xã Chánh Hội (Mang Thít) cho biết: “Từ trước đến nay hầu như thuốc diệt cỏ nào cũng có chứa chất này, tui đâu biết độc hại đến vậy. Nông dân ở đây lại rất chuộng loại này vì có hiệu quả cao.

Giờ biết độc, ngành chức năng cấm nhưng đã sử dụng rất lâu rồi, giờ tui lo sức khỏe bị ảnh hưởng. Với lại không biết có thuốc khác thay thế hay không, có hiệu quả như loại này hay không?”

Trong khi đó, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cũng bày tỏ lo lắng: “Tôi cũng có nghe thông tin các loại thuốc diệt cỏ có chất Glyphosate bị cấm sử dụng.

Trong cửa hàng tôi cũng còn tồn khá nhiều. Giờ bán thì lo độc hại cho nông dân, không bán thì sẽ lỗ, không biết xử lý như thế nào? Rồi đến khi nào mới có thuốc diệt cỏ mới không độc hại”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề này với ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT thì ông Liêm cho biết: Không chỉ có Glyphosate bị cấm sử dụng mà trước đây có rất nhiều chất mà chúng ta đã sử dụng đến một giai đoạn nào đó mới phát hiện độc hại, ảnh hưởng môi trường sức khỏe nên cũng đã bị cấm.

Ví dụ, trước đây có hoạt chất Gamma BHC, hoạt chất thuộc nhóm Clo, sau đó đã cấm đến các chất thuộc nhóm lân hữu cơ. Gần đây nữa là một số của nhóm Carbamate và cấm theo nguyên tắc phải có lộ trình.

Riêng đối với Glyphosate, ngày 1/4/2019, Bộ Nông nghiệp- PTNT sau khi nhận được phản hồi từ phía Mỹ, hội đồng kết luận là Glyphosate gây ung thư thì đã ban hành hẳn quyết định loại khỏi danh mục được phép sử dụng nhưng vẫn cho thời hạn quyết định này có hiệu lực là 60 ngày từ khi ký và cho phép sử dụng thêm 1 năm.

Vì hiện nay, theo số lượng Cục BVTV đã báo cáo còn tồn khoảng 5 triệu lít hoạt chất Glyphosate với trên 100 tên thương mại khác nhau.

Dù biết độc nhưng cấm có lộ trình

Thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate.
Thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, mặc dù biết đó là chất độc nhưng cấm ngang sẽ có nhiều hạn chế không phù hợp với chiến lược chung phát triển. Ông Nguyễn Văn Liêm giải thích: Nếu cấm ngang thì chưa có sản phẩm thay thế, doanh nghiệp khó khăn vì hàng tồn, do đó cần có lộ trình.

Chúng ta đã làm điều này với nhiều sản phẩm trước đây như việc cấm đối với hoạt chất 2.4 D và Paraquat, quyết định cấm có hiệu lực sau 2 năm. Năm đầu cấm nhập nhưng cho sản xuất, kinh doanh, sử dụng và 1 năm sau cấm sản xuất, sử dụng đối với 2 hoạt chất này.

“Về nguyên tắc, các loại thuốc độc hại thì việc quy định theo vấn đề bảo vệ môi trường bảo vệ sức khỏe là cần thiết.

Cho nên, khi phát hiện một sản phẩm gây ung thư ảnh hưởng đến tính mạng con người thì chủ trương của Bộ Nông nghiệp- PTNT ban hành cấm sản phẩm không được lưu hành thị trường là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn.

Là công dân, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, nhất là bà con nông dân phải tuân thủ chấp hành quy định này”- ông Nguyễn Văn Liêm cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay ngành chức năng chưa thống kê được lượng thuốc có chứa hoạt chất Glyphosate còn tồn ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Nhưng hiện tất cả các địa phương đều có CLB người bán thuốc BVTV đang hoạt động.

Trước mắt, lực lượng thanh tra BVTV sẽ làm việc với các CLB để thông báo quyết định cấm sử dụng Glyphosate cho các cửa hàng, đại lý biết.

Sau đó, lực lượng khuyến nông BVTV sẽ hướng dẫn cho người dân hiểu rõ và thông báo rộng rãi để người dân cân nhắc khi sử dụng và phải tuân thủ các nguyên tắc về bảo hộ lao động, để tránh nhiễm độc, tránh tâm lý chủ quan.

Khi biết thông tin thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate gây ung thư, một số người dân đã tìm biện pháp thay thế. Chú Lê Văn Tín (ấp Quang Trạch, xã Trung Chánh- Vũng Liêm) cho hay:

“Tui nghe tin này cũng lo do cũng từng sử dụng nhưng giờ ở đây ít xài thuốc diệt cỏ mà chủ yếu là dùng các biện pháp thay thế như phát cỏ bằng máy, hoặc cho người nuôi bò cắt cỏ. Dùng thuốc diệt cỏ lâu dài không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, chất lượng đất”.

“Trong thời gian tới, nhiều khả năng Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp- PTNT) sẽ có khuyến khích cho các doanh nghiệp đăng ký vào danh mục được phép sử dụng những sản phẩm thay thế.

Trên thế giới nhiều nước đã cấm thì cũng có giải pháp này, nếu cấm hết thì người dân không có gì để sử dụng. Khi đó người dân có thể sử dụng lén lút khi có nhu cầu.

Song song đó, có thể cho các doanh nghiệp nghiên cứu tìm ra sản phẩm mới thay thế trong thời hạn 1 năm nên sẽ có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường trong khoảng thời gian này. Hoặc các doanh nghiệp, công ty khi nghe thông tin này sẽ tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm ít độc hại hơn”- ông Nguyễn Văn Liêm cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, từ trước đến nay trong nhóm thuốc trừ cỏ không chọn lọc không có nhiều, chỉ có 2 nhóm hoạt chất chính là Paraquat và Glyphosate, chiếm khoảng hơn 80%. Nhưng thuốc trừ cỏ Paraquat thì đến 8/2/2019 đã chính thức cấm, còn Glyphosate thì đến 1/4/2020 sẽ chính thức cấm tuyệt đối. Còn lại là các nhóm khác thì có 5- 7 loại, ít độc hại hơn nhưng không thông dụng bằng Paraquat và Glyphosate.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh