Mới đây nhất, giới chuyên gia dự báo khả năng ĐBSCL sẽ "biến mất" vào năm 2100 bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý nhất là bởi tốc độ sụt lún đất nhanh như hiện nay. Trong khi đó, trên những cánh đồng lúa, nông dân ồ ạt "cải tạo" đất mặt vì cho rằng đất ruộng ngày càng gò. Chúng tôi tìm hiểu thực hư của vấn đề này?
>> Kỳ 1: Ùn ùn lấy đi lớp đất mặt ruộng
Mới đây nhất, giới chuyên gia dự báo khả năng ĐBSCL sẽ “biến mất” vào năm 2100 bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý nhất là bởi tốc độ sụt lún đất nhanh như hiện nay. Trong khi đó, trên những cánh đồng lúa, nông dân ồ ạt “cải tạo” đất mặt vì cho rằng đất ruộng ngày càng gò. Chúng tôi tìm hiểu thực hư của vấn đề này?
Đất mặt được san lấp nền nhà, lấp ao, lên vườn, trồng cây,... |
ĐBSCL đang lún
Số liệu của Ủy hội sông Mekong, sau khi Trung Quốc xây 7 đập ở thượng nguồn, lượng phù sa mịn sông Mekong đã giảm 50% (160 triệu tấn/năm giảm còn 85 triệu tấn/năm). Con số này chưa tính đến cát, sỏi di chuyển ở đáy sông.
Dự báo sau này, khi có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia, phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa, tức còn 1/4 lượng cũ. Còn theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ mới đây, ĐH tại Utrecht (Hà Lan) dự báo gần như toàn bộ vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước vào khoảng năm 2100 theo tốc độ “sụt lún” hiện tại.
Theo TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- ĐH Cần Thơ), nói về phù sa cần phân biệt làm 2 loại: nhóm phù sa mịn (như thịt, sét…) và phù sa thô (gồm cát, sỏi, sạn…).
Nhóm phù sa thô đi dưới đáy sông, nhóm phù sa mịn thường đi trên mặt. Năm 2004, tất cả các nhóm khảo sát đều khẳng định phù sa về đồng bằng giảm. Trong khi phù sa mịn giảm đáng kể thì phù sa thô không thể về được nữa.
Chuyện này có liên quan rất chặt chẽ với chuyện các đập thủy điện của Trung Quốc khi đưa vô vận hành- nguồn phù sa thô chính của dòng sông Mekong hình thành ở Trung Quốc bị lắng xuống lòng đập. Tuy nhiên, nguồn phù sa mịn còn lại cũng không thể vô đồng ruộng do đê bao làm lúa 3 vụ.
Thành thử, ngoài chuyện làm cho đất đai bạc màu, kiệt quệ… mà chuyện đơn giản nhất là không có phù sa bù vô thì đất càng ngày càng sụp xuống. “Đất đồng bằng là đất không chân, để khô tự nhiên đất càng ngày nhót lại, lún từ từ xuống. Tôi có hệ thống đo sụt lún trước cửa văn phòng làm việc, từ 2011 tới giờ lún 2,5 cm/năm thì con số 100 năm là rất lớn”- TS Dương Văn Ni cho biết.
Đất gò là lớp đất quý giá, nếu cải tạo đúng cách thì mới giữ được lớp đất màu mỡ này. |
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh: ĐBSCL hình thành do lũ mang phù sa bồi đắp từ từ. Đất đồng bằng mềm lắm, để tự nhiên thì cũng lún- đất nó dẻ lại.
Phù sa hàng năm đắp trên mặt, bù lại cho cái lún đó, giúp đồng bằng nâng cao lên. Tuy nhiên, bây giờ phù sa giảm đi thì hiện tượng bù lún giảm. Ông cho hay, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, ĐBSCL đang lún với cấp độ 2- 4 cm/năm. Tất nhiên lún không đồng đều, có chỗ lún nhiều có chỗ lún ít do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, do mật độ xây dựng ngày càng gia tăng. Bên cạnh, do khai thác nước ngầm quá cao: “Ngày xưa, khai thác nước ngầm chủ yếu ở vùng ven biển không có nước ngọt nhưng hiện nay ngay cả những vùng lũ vẫn thiếu nước ngọt, đặc biệt là mùa khô. Nguyên nhân là do làm lúa 3 vụ liên tục trong đê bao- nước bị “nhốt” lại như vùng nước tù- phân bón, thuốc trừ sâu, rác rến “tụ” lại.
Ô nhiễm tới mức người dân không dám sử dụng nước từ sông rạch, phải khoan nước ngầm. Những người đi khảo sát chứng minh rằng, mực nước ngầm ở ĐBSCL giảm đi rất nhanh. Một khi nước ngầm mất đi thì lún xuống nhiều hơn.
Làm ruộng ngày càng gò?
Cả đời gắn bó với ruộng đồng, bác Năm ở ấp Hồi Thành (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) nay gần 70 tuổi nhận định: “Tôi thấy làm ruộng ngày càng gò” và cho biết thêm, mấy năm nay, khu đất xung quanh đã được nông dân “cải tạo” gần hết.
Theo kinh nghiệm mấy mươi năm, bác Năm nhận định: “Thiệt ra, những miếng đất bị gò hiện nay chủ yếu do nước. Nếu bà con thả nước vô ruộng đầy đủ thì không đến đỗi gò. Mùa Đông Xuân còn làm được, chứ Hè Thu thì thôi rồi, chịu chết!” “Vì sao nông dân không cho đủ nước vào đồng?”
Nông dân cho biết gặp khó khăn trong điều tiết nước nên buộc phải hạ gò. |
Chúng tôi thắc mắc thì được bác giải thích: Do làm lúa liên tục 3 vụ/năm. Sau thu hoạch, dọn đất trong vòng khoảng 20 ngày để làm vụ kế, phải thả nước vừa đủ chớ nhiều quá nước rút ra không kịp- sạ bị chậm trễ. Trong thời gian làm lúa, thả cống để lấy nước nhưng thiệt ra nước ngoài kinh rạch không nhiều nên ruộng thấp sớm có đủ nước, còn ruộng cao thì có khi mấy ngày nước chưa giáp hết mặt.
Còn chú Nguyễn Văn Đàn ở ấp Thông Quang (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết “Lúc còn làm lúa 2 vụ/năm thì dùng phản phát gốc rạ, phát cỏ rồi gom lên bờ. Giờ làm 3 vụ/năm, cắt lúa xong là cho nước vô, xới để sạ vụ tiếp theo liền. Rơm rạ đổ xuống, độn thêm là rất nhiều, đất không gò… mới lạ”.
Trong khi đó, chú Võ Văn Rùm Em ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình-Trà Ôn) cho hay: Trong bờ bao bây giờ không chỉ có trồng lúa mà nhiều người chuyển sang trồng cam, trồng màu, xây nhà cửa… “Nếu cho nước vô quá nhiều sẽ gây ngập, hư vườn… người ta đâu có chịu”.
Nhớ lại lúc còn làm lúa 2 vụ- chú Rùm Em cho biết- cánh đồng này và của Trà Côn giáp bên là gò dữ lắm, tới mùa nước nổi là “ai ai cũng đẩy ghe, xuồng gom gò”. Nhiều ruộng bên Trà Côn gò cao đến đỗi phải đào đất ruộng bỏ lên bờ, riết rồi cái bờ ranh có nơi rộng cả mét, cao qua người. Qua nhiều năm, đất gò lấy hết, bờ ranh cũng bị… đào luôn.
“Bờ ranh hiện đại” bây giờ ngang và cao chỉ một gang tay, có nơi chỉ còn là những… trụ đá nên không còn chức năng giữ nước hoặc giữ nước kém “bơm bữa nay, mai rịn qua ruộng kế bên hết”.
Bởi vậy, ruộng xung quanh thấp, ruộng của mình cao hơn thì làm lúa khó vô cùng. “Mặt ruộng tôi hơi cao so với các ruộng kế bên chớ chưa đến đỗi gò nhưng thấy người ta hạ gò êm quá, năm tới tôi cũng kêu máy vô hạ xuống bớt”- chú Rùm Em dự tính.
Nhà cặp Đường tỉnh 909- trong đê bao, bác nông dân Lê Hữu Tâm ở ấp An Hòa (xã Phú Đức- Long Hồ) bộc bạch: “Sở dĩ tui mướn máy hạ gò vì những năm gần đây, mùa Đông Xuân đủ nước, nhưng Hè Thu thường xuyên thiếu nước. Xưa nước vô đồng thả ga, làm gì cũng đi ghe, giờ nói thẳng là chết khô luôn, ghe nằm tại chỗ”.
Theo chú Tâm, kinh, rạch ngày càng hẹp và cạn, thậm chí không ít người lấn chiếm kinh gạch làm nhà ở, làm vườn,… Từ con kinh nước mênh mông, thông thoáng đủ nước tưới cho cả cánh đồng thì sau khi bị lấn nó hẹp nhỏ xíu, có nơi chỉ còn là ống bộng ngầm dưới đất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh hệ thống thủy lợi nội đồng đã “khác xưa” thì còn nhiều nguyên nhân khác khiến nông dân làm lúa gặp khó trong điều tiết nước canh tác. Điều đó lý giải vì sao nhiều nơi nông dân lại “cải tạo đất” để hạ độ cao. Tuy vậy, việc hạ độ cao bằng cách lấy đi lớp mặt sẽ làm đất trở nên xấu đi, đặc biệt trong bối cảnh ĐBSCL đang lún là việc làm này cần cân nhắc, xem xét thật cẩn trọng.
TS Dương Minh Viễn- Phó Trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- ĐH Cần Thơ) khẳng định: Rơm, rạ đều phân hủy. Đất ĐBSCL là do bồi đắp của phù sa, phù sa không vô ruộng được thì với địa chất ĐBSCL không có chuyện đất trồi lên. Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ), nông dân thường coi đất với nước để nói ruộng cao hay thấp chớ không đo. Làm lúa 3 vụ cần rất nhiều nước, gặp mùa khô hạn nước “vực” xuống thấp- lấy nước tưới khó khăn hơn nên… cảm giác ruộng cao lên chớ thật ra đâu có cái gì làm cho đất cao lên? |
Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN
>> Kỳ 3: Bỏ lớp đất mặt-lợi bất cập hại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin