Hãy giữ lại "báu vật" của đồng bằng!

05:04, 16/04/2019

Đất là một tài nguyên thiên nhiên quý giá và theo các nhà khoa học, đất mặt là một trong những lớp đất quý nhất của tài nguyên đó. Do đó, việc khai thác đất mặt cũng cần được chú trọng để gìn giữ, bồi đắp sự màu mỡ và phì nhiêu cho đất- giữ lấy báu vật của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún ngày càng gia tăng…

 

 

Đất là một tài nguyên thiên nhiên quý giá và theo các nhà khoa học, đất mặt là một trong những lớp đất quý nhất của tài nguyên đó. Do đó, việc khai thác đất mặt cũng cần được chú trọng để gìn giữ, bồi đắp sự màu mỡ và phì nhiêu cho đất- giữ lấy báu vật của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún ngày càng gia tăng…

Kỳ 1: Ùn ùn lấy đi lớp đất mặt ruộng

Những năm gần đây, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, trên các cánh đồng xuất hiện nhiều máy cuốc, xe cơ giới, máy ủi,… hoạt động bất kể ngày đêm. Những máy móc này cùng nhau “hợp lực” lấy đi lớp đất mặt ruộng- bà con gọi đây là “cải tạo” đất gò. Không chỉ lấy đất để lấp mương, lên liếp nhà… như trước kia, đất mặt ruộng còn “leo lên xe tải” đi các nơi. Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương của vùng ĐBSCL.

Cải tạo đất là việc làm cần thiết của người trồng lúa từ xưa đến nay nhưng nếu như từ khi đê bao ngăn nước nổi làm lúa vụ 3, đồng nghĩa “từ chối” tiếp nhận phù sa màu mỡ- đất đã không được cải tạo tốt thì hiện còn đối mặt nguy cơ mất đi lớp đất quý giá tích tụ từ bao đời. Trao đổi với chúng tôi, ngành chuyên môn và các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, nhận định và khuyến cáo cho tình trạng chảy máu… lớp đất mặt này.

Ruộng đồng sau thu hoạch, máy móc thi nhau lấy đất mặt.
Ruộng đồng sau thu hoạch, máy móc thi nhau lấy đất mặt.

Ruộng đồng sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân (tháng Giêng, 2 âl) trở nên ồn ào, náo nhiệt. Tiếng máy cuốc, máy cày, xe cơ giới ầm ì khắp nơi lấy đi lớp đất mặt ruộng. Chính vì nhu cầu “cải tạo đất” của nông dân quá lớn nên chuyện xin đất dễ như chơi, có trường hợp chủ ruộng còn “phụ tiền” ngược lại cho người xin đất.

Ồ ạt bán rẻ, cho không đất mặt

Giữa trưa nắng nóng, chúng tôi gặp bác nông dân Lương Văn Đức ở ấp Thông Quang (xã Phú Đức- Long Hồ) khi bác vừa cho máy cuốc, xe tải chở đất mặt của ruộng mình. Bác Lương Văn Đức cho biết: “Mấy năm trước, tui cho 3 công thấy… đạt, nên năm nay cho tiếp 3 công nữa. Đây là cách cải tạo đất gò mà ở đây ai cũng làm”.

Ngồi kế bên, chú Nguyễn Văn Đàn chỉ tay về phía cánh đồng nói “nguyên khu này vài chục công đất mà gò muốn hết” và cho biết thêm chú đang xin đất về lên liếp cho hơn công đất ruộng.

“Người cần xin gặp kẻ muốn cho” nên chú Nguyễn Văn Đàn dễ dàng xin được lớp đất mặt từ 5- 10cm. Với xe cải tiến loại 2 tấn, giá thuê 70.000 đ/chuyến, chở 650 chuyến, vườn chú Đàn đã có hơn 1.300m3 đất. Tổng chi phí thuê lên liếp khoảng 45 triệu đồng. Tuy được cho nhưng chú cho hay có phụ tiền chan, trục đất cho chủ ruộng. “Chuyện cho đất mặt này xuất hiện ở các vùng lân cận đã lâu, nhưng vùng này mới có chừng 3 năm nay”- chú Đàn nói.

Tương tự, chú Thạch Sương ở ấp Mỹ Hòa (xã Hòa Lộc- Tam Bình) cũng đang xin đất ruộng. Hướng mắt ra cánh đồng rộng lớn, thấp thoáng các loại xe đang chạy ồn ào trên đồng, chú Thạch Sương xởi lởi: “Lúa làm không trúng hung nên tui chuyển qua trồng cây ăn trái. Mà biết đâu gần lộ mai mốt làm bán nền cũng có giá”.

Có thời gian ít ỏi vài ngày, chú Sương dự tính xin khoảng 700 xe đất nhưng kết quả “vượt mong đợi”: “Vùng này gò dữ lắm. Ruộng gò nhiều đến đỗi chỉ cần lựa lấy những ruộng gần, giá 75.000 đ/chuyến”.

Nhìn về phía dãy nhà hướng ra Đường tỉnh 904, chú nói thêm: “Hai dãy nhà cặp lộ không ai bơm cát mà toàn xin đất để san nền, lên liếp vườn không đó. Có người xin đổ 2-3 lớp, mỗi lớp chừng 1m, đất dẻ xuống, năm sau xin đổ tiếp lên. Vậy mà vùng này còn nhiều người có nhu cầu cho đất lắm. Mùa này tôi lấy đâu có hết nên mùa sau xin tiếp”.

“Ở đây ngoài bà con, quen biết thì ai lạ tới cần xin cũng cho, mình cần hạ đất mà”- một nông dân hào phóng nói. Chú Sương còn cho hay, những ruộng quá gò và xa đường giao thông, chủ ruộng cần “cải tạo” phải trả từ 20.000- 50.000 đ/chuyến để “phụ” người xin đất trả tiền thuê xe.

Theo tìm hiểu, do nhu cầu cải tạo đất gò rất nhiều, vì vậy không chỉ thương lái các tỉnh đến mua, mà nhiều người dân địa phương cũng trữ đất. “Có người làm vườn, trồng cây hễ xin được đất là mướn lấy liền. Đợt mùa khô nào cũng chở vài ngàn bao”- chú Lê Hữu Tâm ở ấp An Hòa (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết.

Chú Lê Văn Tám ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cho biết: “Khu đất trước nhà tôi thì không gò hung nhưng cũng hơi cao nên mùa này tôi hớt lớp mặt bớt đặng chất cái nền nhà cho thằng con ra riêng”.

Chỉ tay về phía đống đất to nằm cặp lộ, chú Tám nói thêm: “Cánh đồng bên đó gò dữ lắm, lối rằm thả nước cả tuần mà nước chưa vô giáp, nông dân phải bơm. Đống đất đó là người ta xin để san nền phân lô bán. Mới chở có một ngàn mấy xe mà thấm gì, cầu mấy ngàn xe mới hết khu gò đó”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ đến mùa khô, việc lấy đất mặt diễn ra trên khắp cánh đồng ở các địa phương trong, ngoài tỉnh. Đất mặt được lấy để lấp nền nhà, trồng cây, lấp ao hoặc bán với giá khoảng 1 triệu đồng/công.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chúng tôi gặp được là chủ ruộng cho không. Những xe đổ đất vun thành đống nằm dọc các tuyến đường giao thông, có nơi đất chất thành “đồi” cao 3- 5m hoặc trải rộng cả chục công đất. Thỉnh thoảng, xuất hiện những xe tải chở đất hướng về các đô thị, trên xe có dán bảng bán sỉ và lẻ “đất ruộng” trồng cây giá 20.000 đ/bao…

Gom gò: từ thủ công sang máy móc

Là nhà nông “cha truyền con nối”, chú Nguyễn Văn Hiểu năm nay gần 50 tuổi ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc-Tam Bình) nhớ lại: “Lúc tui còn nhỏ, làm 2 vụ lúa/năm, thu hoạch vụ lúa mùa xong (thường giữa tháng 6 âl) là cày xới. Nông dân nhắm chỗ nào gò thì hốt đất bằng tay hoặc lấy cuốc gom mô như trồng cam hoặc gom giồng như trồng khoai lang.

Tới mùa nước nổi (tháng 8, 9 âl) mới đưa ghe xuồng vô lấy đất, chở về lấp ao mương, nền nhà... Đất gò cao thì đào từ nửa đến một lưỡi “dá” kiểu “tầm đào tầm chừa” để chan qua lại cho bằng mặt ruộng”.

“Còn nhớ, cho nước vô ra thoải mái ngập lút bờ ranh, nhìn mênh mông. Bỏ vụ, bỏ nền luôn gần 4 tháng- tới đầu tháng 10 mới siết nước ra sạ lúa Đông Xuân. Phù sa vô nhiều, cách ly sâu bệnh nên sử dụng phân thuốc ít mà lúa trúng”- chú Hiểu nói vậy và cho biết thêm- “Khoảng năm 1997, bắt đầu dưỡng chét- làm lúa “tái sinh” chớ không cho đất nghỉ. Khoảng vài vụ sau, thấy năng suất không cao nên chuyển qua sạ luôn- làm 3 vụ/năm tới giờ”.

Khoảng năm 2013 trở lại đây, chuyện gom gò chuyển sang máy móc. Bây giờ, sau vụ Đông Xuân nước không như hồi xưa mà “như kiệt quệ”, vì bao hết, nước đâu có vô tới. Đất khai nước mà lên không đều thì làm lúa hay bị lúa lẫn, lúa lộn nên năng suất không cao, buộc phải dỡ bỏ một lớp cho thấp xuống, bằng phẳng cho dễ làm.

Theo đó, ông nào muốn hạ gò thì nhắm chừng cho máy múc xuống khoảng một tấc rồi đưa thẳng lên xe cải tiến chở đi khỏi ruộng. Đất mặt toàn phù sa thì tốt còn gì bằng nên tới mùa người tới ruộng hỏi xin, hỏi mua không ngớt.

Nhiều nông dân cho biết, chuyện gom gò để chan đất cho bằng hoặc hạ mặt ruộng đã diễn ra từ xưa đến nay theo hướng “có lợi chớ không gây ảnh hưởng gì”. Chỉ khác ở chỗ chuyển từ thủ công sang máy móc nên “lấy đất khỏe hơn”.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và các chuyên gia khẳng định: việc nông dân lấy đất mặt như hiện nay là đang cải tạo đất gò sai cách. Bà Huỳnh Cẩm Hằng- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ- cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo nông dân cách cải tạo gò, lấy đất đúng phương pháp nhưng nông dân không làm theo.

Theo ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, những vùng đất gò cao, không thể chủ động được nước, cỏ dại nhiều sẽ rất khó canh tác nên bà con lấy đất để hạ tầng độ cao như một giải pháp. Tuy nhiên, việc lấy đất mặt nhất định sẽ ảnh hưởng sản xuất.

Lấy đất mặt ảnh hưởng chất lượng đất

Chuyện nông dân lấy đất mặt đã xảy ra từ rất lâu tại những vùng trồng lúa, không chỉ ở Vĩnh Long mà còn ở các địa phương khác của ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng… Theo TS Dương Minh Viễn- Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- ĐH Cần Thơ): Bộ môn cũng đã có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về vấn đề này từ lâu. Mới đây nhất là dự án DELTA DAPT hợp tác với Trường ĐH BONN của Đức, triển khai trong 3 năm (2014- 2017), nghiên cứu sâu hơn về sự thay đổi chất lượng đất khi bán tầng đất mặt, sự phục hồi của đất và các biện pháp cải thiện… Dự án có nhiều đơn vị tham gia: bên Đức có nhiều giáo sư thuộc Trường ĐH Liên Hợp Quốc, viện nghiên cứu, phía ĐH Cần Thơ có các nghiên cứu sinh. Có cả mảng nghiên cứu ảnh hưởng về kinh tế xã hội của vấn đề này luôn. Tôi là một trong những thành viên tham gia dự án. Mất tầng đất mặt có ảnh hưởng chất lượng đất không? Chắc chắn là có.

 

>> Kỳ 2: Lấy đất mặt vì ruộng ngày càng gò?

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh