Để cây trồng sống khỏe qua mùa khô

01:04, 30/04/2019

Nắng nóng đang gây bất lợi cho vườn cây, ruộng lúa, đòi hỏi nông dân phải tích cực thực hiện các biện pháp tích trữ nước ngọt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nhằm giúp các loại cây trồng tăng sức chống chịu qua mùa khô.

Nắng nóng đang gây bất lợi cho vườn cây, ruộng lúa, đòi hỏi nông dân phải tích cực thực hiện các biện pháp tích trữ nước ngọt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nhằm giúp các loại cây trồng tăng sức chống chịu qua mùa khô.

Sầu riêng cần được quan tâm chăm sóc kỹ trong mùa khô.
Sầu riêng cần được quan tâm chăm sóc kỹ trong mùa khô.

Chăm sóc vườn cây ăn trái

Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, để quản lý dịch hại mùa khô, nhất là trên cây sầu riêng, ở giai đoạn đọt non mùa nắng thì hay bị rệp xanh, rầy phấn, bọ trĩ. Lá hơi cứng chút thì thường bị nhện đỏ.

Chúng ta cần phải phòng trị là chính. Nếu một cơi đọt không kịp phòng trị thì cần phải theo dõi sát sao ở cơi đọt thứ hai để phòng trị kịp thời, nếu không cây sẽ suy kiệt.

Còn theo GS.TS Trần Văn Hâu (ĐH Cần Thơ), vấn đề đậy cỏ, rơm quanh gốc cây ăn trái của nhiều bà con nông dân áp dụng trong mùa nóng sẽ giúp cây tránh bị ánh nắng táp vào gốc.

Nhiệt độ quanh gốc tăng lên sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, cây sẽ bị sựng không lớn. Hạn chế sự xói mòn đất, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng, suy thoái đất.

Chủ động giữ nước ở trong mương là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đến canh tác rải vụ hiện nay, nhất là trong vấn đề xử lý cây ra hoa, phòng chống hạn mặn.

Hầu hết các loại cây ăn trái đều có từng giai đoạn khác nhau. Để đạt năng suất và chất lượng cao cần chú ý đến giai đoạn đầu, giai đoạn làm đọt của cây chuẩn bị làm bông.

Làm tốt 2 giai đoạn này thì cây mới đạt năng suất. Các loại cây ăn trái có giá trị ở ĐBSCL như: xoài, nhãn, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa... hầu hết đều sinh trưởng gián đoạn. Mỗi một giai đoạn đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng và kỹ thuật chăm sóc khác nhau để đảm bảo năng suất, chất lượng.

Mới đây, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cũng đưa ra cảnh báo thời điểm hiện nay thời tiết nắng nóng nên bệnh chổi rồng trên nhãn, sâu đục trái cây có múi, bọ cánh cứng hại dừa có điều kiện phát sinh phát triển, gia tăng mật số và tỷ lệ hại.

Từ giữa tháng 5 đến tháng 7 là vào mùa mưa cần lưu ý bệnh thối nhũn trên rau màu, ghẻ loét trên cây có múi, đốm nâu trên thanh long.

Bảo vệ lúa Hè Thu

Nắng nóng, có vài nơi xuất hiện mưa trái mùa sẽ là điều kiện để sâu bệnh gây hại lúa Hè Thu.
Nắng nóng, có vài nơi xuất hiện mưa trái mùa sẽ là điều kiện để sâu bệnh gây hại lúa Hè Thu.

Theo ghi nhận từ Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, lúa Hè Thu của khu vực phía Nam đã xuất hiện bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá trên 200ha, chủ yếu là nhiễm nhẹ, tỷ lệ nhiễm 5-7% trên lúa Hè Thu sớm.

Bệnh xuất hiện trên các giống lúa IR50404, Nàng Hoa 9 và Đài Thơm 8 giai đoạn đẻ nhánh- làm đòng trổ.

Mặc dù mức độ nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá giảm hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn là bệnh hại cần được quan tâm vì hiện nay rầy nâu còn mang mầm bệnh.

Vì vậy, các huyện không nên chủ quan, theo dõi sát rầy nâu di trú vào đèn cũng như trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý kịp thời, hạn chế rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá lan truyền cho lúa Hè Thu chính vụ.

Trong tháng 5/2019, dự báo các tỉnh phía Nam sẽ có đợt rầy di trú từ 18- 25/5 (14- 21/4 âl). Tháng 4- 5/2019, lúa tập trung giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ nên cần lưu ý bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông- đặc biệt trên những ruộng mật độ sạ dày, bón thừa phân đạm.

Bên cạnh đó, chuột cũng là đối tượng nguy hiểm thường xuyên xuất hiện và gây hại ở hầu hết các mùa vụ, các giai đoạn sinh trưởng của lúa.

Đặc biệt trong giai đoạn lúa làm đòng, nếu chuột gây hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa. Ngoài các vấn đề trên, cần lưu ý sự xuất hiện của ốc bươu vàng, bệnh bạc lá, đốm vằn.

Để chăm sóc tốt lúa Hè Thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) khuyến cáo nông dân theo dõi kiểm tra thường xuyên mật số rầy nâu ngoài đồng, chỉ can thiệp thuốc đặc trị khi rầy cám nở rộ tuổi 2- 3 và mật số trên 3.000 con/m2.

Hiện tại ngoài đồng chủ yếu là rầy nâu tuổi 3- 5, nhiễm phổ biến với mật số 1.000- 1.500 con/m2. Trà lúa trổ- chín về sau không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid, Triflumezopyrim, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá, nông dân cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu cuốn lá. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch vì giai đoạn này khi sâu gây hại ở mật độ thấp, sự thiệt hại không đáng kể do cây lúa có khả năng tự bù đắp.

Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30- 40 con/m2. Trong giai đoạn đòng- trổ mật độ khoảng 15-20 con/m2 phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1- 2 thì tiến hành phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn.

Điều kiện thời tiết nắng nóng, có vài nơi xuất hiện mưa như hiện nay, nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng.

Khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá, đồng thời phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều.

Bai, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh