Hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, hạn mặn diễn biến phức tạp, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn biện pháp canh tác để giảm tối đa ảnh hưởng hạn mặn, đảm bảo năng suất lúa?
Hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, hạn mặn diễn biến phức tạp, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn biện pháp canh tác để giảm tối đa ảnh hưởng hạn mặn, đảm bảo năng suất lúa?
Nguyễn Văn Thái (Tích Thiện- Trà Ôn)
Anh Thái mến! Trong điều kiện hạn mặn, anh cần quản lý nước theo quy trình “1 phải, 5 giảm”. Ruộng chỉ cần ngập nước trong giai đoạn lúa non để ém cỏ và trong giai đoạn lúa trổ để kết hạt tốt. Vào các giai đoạn khác, anh có thể áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ.
Để ứng phó trường hợp ruộng lúa bị khô hạn giữa vụ, anh cần tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới vào giai đoạn mẫn cảm của lúa, đặc biệt từ 7- 10 ngày, 18- 20 ngày và 38- 42 ngày sau sạ và có thể áp dụng kỹ thuật tưới khô, ướt xen kẽ.
Sau khi gieo sạ anh cần để ruộng thật ráo, tránh các vũng nước đọng làm chết lúa. Sau sạ từ 3- 5 ngày, nên đưa nước vào ruộng 1- 3cm và tiếp tục giữ đến 20 ngày sau sạ, cho mực nước lên 3- 5cm. Giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển và hạn chế sự mọc mầm của cỏ dại.
Từ 25- 40 ngày sau sạ là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ nên chỉ cần nước ở mức vừa đủ, giữ nước trong ruộng từ bằng mặt đất cho đến thấp hơn mặt đất 15cm. Khi mực nước xuống thấp hơn mặt đất 15cm thì mới lấy nước vào ngập tối đa là 5cm, tiếp tục để nước hạ xuống dưới 15cm thì mới lấy nước vào tiếp.
Đây là biện pháp giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, bộ rễ hô hấp tốt, giảm bớt các chất độc trong môi trường ngập nước.
Giai đoạn 40- 45 ngày sau sạ, cho nước vào 1- 3cm để bón phân đón đòng. Khi lúa trổ lấy nước tối đa không quá 5cm và giữ nước trong vòng khoảng 10 ngày sau trổ. Tiếp tục điều tiết ngập khô xen kẽ tương tự giai đoạn 20- 40 ngày sau sạ. Tháo nước trước thu hoạch 5- 7 ngày để thúc đẩy quá trình chín và dễ ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch.
Anh cần đặc biệt chú ý bón phân hữu cơ trên đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng. Sản xuất lúa trên đất phèn, mặn anh nên dùng nước ngọt để ém, rửa phèn và đẩy mặn ra khỏi ruộng lúa. Để tăng tác dụng rửa phèn, ngoài vôi và lân, anh cần bổ sung thêm phân bón để tăng tác dụng cải tạo đất.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin