Trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, bên cạnh nguồn thu từ cây lúa, vườn cây ăn trái, rau màu thì nhiều nông dân ở huyện Vũng Liêm ổn định diện tích cây lác thích ứng điều kiện sản xuất hạn, mặn cũng như tận dụng tốt nguồn phụ phẩm rơm cuộn để nâng cao thu nhập.
Trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, bên cạnh nguồn thu từ cây lúa, vườn cây ăn trái, rau màu thì nhiều nông dân ở huyện Vũng Liêm ổn định diện tích cây lác thích ứng điều kiện sản xuất hạn, mặn cũng như tận dụng tốt nguồn phụ phẩm rơm cuộn để nâng cao thu nhập.
Từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, rơm nay lại cho thêm thu nhập đáng kể. |
Ổn định diện tích cây lác
Trong 4 năm trở lại đây, diện tích trồng lác của huyện Vũng Liêm ổn định trên 300ha mặc dù giá lác ở mức khá cao. Giá lác khô cũng ở mức khá cao, hiện tại giá lác loại I (có chiều cao 1,8m) dao động từ 14.000- 15.000 đ/kg.
Tổng diện tích đất trồng lác của huyện là 310ha, được trồng tập trung nhiều nhất là xã Trung Thành Đông, Thanh Bình, Trung Thành Tây, Trung Ngãi và thị trấn Vũng Liêm.
Do nhu cầu thị trường trong những năm gần đây tăng làm giá lác tăng theo nên người trồng tập trung chăm sóc từ đó năng suất cũng tăng lên.
Qua tìm hiểu một số hộ dân trồng lác ở xã Trung Thành Đông, bình quân 1 công lác thu hoạch 2,5 lần/ năm, năng suất trung bình 1,2- 1,4 tấn/công/vụ. Theo bà Ngô Thị Lẹ (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm), lác cho năng suất cao nhất là vụ Đông Xuân do thời tiết thuận lợi, có thể thu hoạch 1,6 tấn lác khô mỗi công (trong đó lác loại I có chiều cao 1,8- 2m là 1,2 tấn và 0,3 tấn lác loại II và loại III).
Chất lượng lác vụ Đông Xuân khá tốt, giá bán cao hơn các vụ thu hoạch vào mùa mưa năng suất thường thấp hơn khoảng 15%. Với giá bán hiện nay lác loại I từ 15.000- 16.000 đ/kg, lác loại II và loại III từ 9.000- 11.000 đ/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí, người trồng lợi nhuận 13 triệu đồng/công, mỗi năm cho lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/công, cao gấp 7 lần so với trồng lúa.
Ngoài việc bán lác khô loại I, loại II thu lợi nhuận trực tiếp cho người trồng lác còn giải quyết lao động ở nông thôn, bình quân 1 công lác thu hoạch khoảng 60 ngày công, giá mỗi ngày công là 80.000- 100.000 đ/ngày.
Nông dân còn tận dụng lác loại III để xe lõi tăng thu nhập cho gia đình, bình quân 1 lao động xe lõi cho thu nhập từ 60.000- 80.000 đ/ngày. Hiện các cơ sở ở xã Trung Thành Đông thu mua lõi lác và lác khô cho biết, hiện đang mua vào giá 13.000 đ/kg lõi để bán lại cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công trên địa bàn huyện và nơi khác giá 13.500 đ/kg.
Thống kê từ năm 2015 đến nay, giá lác nguyên liệu luôn ổn định ở mức có lợi cho người trồng, nhưng người trồng lác ở Vũng Liêm còn gặp một số khó khăn cần ngành chức năng hỗ trợ như việc thu hoạch lác vào các tháng mùa mưa thiếu nắng để phơi nên chất lượng lác giảm so với các tháng mùa nắng, dẫn đến giá cả giảm, còn các cơ sở thu mua cũng gặp khó khăn trong việc thu gom, bảo quản.
Năm 2019, huyện Vũng Liêm kết hợp Trung tâm Khuyến công tỉnh Vĩnh Long sẽ đầu tư hỗ trợ 20 máy phát lác và 20 máy xe lõi lác cho nông dân vùng trồng lác xã Trung Thành Đông và khảo sát để đầu tư chuyển giao công nghệ sấy lác nhằm giải quyết khó khăn cho người trồng lác trong các tháng mùa mưa.
Kế hoạch phát triển cây lác của huyện Vũng Liêm thì đến năm 2020 là 400ha. Đồng thời tạo điều kiện mở rộng, mời gọi các đơn vị liên kết hợp tác thu mua, chế biến, từng bước đưa tiểu thủ công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây lác của huyện phát triển bền vững hơn.
Rơm cuộn được mùa
Nếu như giá lúa Đông Xuân không như mong đợi thì giá rơm tại Vũng Liêm lại cao hơn so các năm trước do nhu cầu thu mua rơm rạ của các hộ dự trữ làm thức ăn nuôi bò rất lớn. Lúa thu hoạch đến đâu thì thương lái các nơi như Trà Vinh, Bến Tre và người nuôi bò ở địa phương tranh thủ thu mua rơm tại ruộng.
Anh Nguyễn Văn Phong- thương lái thu mua rơm ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm)- cho biết thời gian qua, giá rơm được nông dân bán từ 100.000- 120.000 đ/công. Sau đó rơm được phơi khô, thuê máy cuộn giá từ 6.000- 7.000 đ/cuộn, vận chuyển đến trục lộ giao thông từ 2.000- 4.000 đ/cuộn (tùy gần xa), được xe lớn thu gom vận chuyển đi các nơi, khi đem được cuộn rơm về đến nhà giá thành lên đến 16.000- 18.000 đ/cuộn. 1 công rơm cho từ 15- 20 cuộn rơm.
Hình thức thu rơm phổ biến nhất là máy cuộn các loại từ máy cuộn thả và máy cuộn gom (máy cuộn gom là loại máy có thùng chứa từ 15- 20 cuộn), thu rơm bằng máy có nhiều ưu điểm như cuộn nhanh, rơm cuộn xong được buộc chặt bằng dây bố rất thuận lợi cho việc vận chuyển đường xa với số lượng lớn.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, vụ Đông Xuân rồi, toàn huyện có khoảng 12.000ha rơm được thu gom, với gần 1,9 triệu cuộn.
Nếu tính giá bán từ 25.000- 28.000 đ/cuộn thì thu về tương đương 50 tỷ đồng. Đây là khoản thu khá lớn từ phụ phẩm nông nghiệp. Các vụ khác như Hè Thu và Thu Đông nếu thu hoạch được nắng thì cuộn làm thức ăn nuôi bò, nếu gặp mưa thì làm nấm rơm, giá bán rơm vào các vụ này thường thấp, từ 50.000- 60.000 đ/công.
Hiện trên địa bàn huyện Vũng Liêm có khoảng 60- 80 máy cuộn rơm các loại hoạt động chủ yếu là cuộn gia công hoặc máy cuộn của các chủ dựa hay người nuôi bò ở địa phương. Bình quân 1 máy cuộn rơm đạt công suất 500- 600 cuộn/ngày, thu về từ 3- 3,6 triệu đồng/ máy/ngày.
Thị trường mua, bán rơm cuộn đã hình thành từ năm 2015 đến nay đã đi vào hoạt động ổn định, lúc chính vụ giá bán dao động từ 22.000- 25.000 đ/cuộn 17kg, lúc nghịch vụ (tháng 9- 12âl) giá bán tăng lên 30.000 đ/cuộn. Dịch vụ mua, bán rơm xuất hiện giúp người nuôi bò chủ động được nguồn thức ăn thay thế vào các tháng thiếu cỏ, góp phần ổn định đàn bò của địa phương.
Bài, ảnh: THÀNH LONG- VĂN NHU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin