Chủ động phòng chống, khẩn cấp ứng phó

07:03, 01/03/2019

Tuy bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa xâm nhiễm vào Vĩnh Long nhưng theo nhận định của ngành chức năng, nguy cơ xảy ra là rất cao. Trong lúc này, việc chủ động phòng chống dịch của cơ quan chức năng cũng như ý thức của các hộ chăn nuôi heo là vấn đề cấp thiết, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

 

 

Người tiêu dùng không nên hoang mang, không tẩy chay thịt heo bởi bệnh không lây sang người.
Người tiêu dùng không nên hoang mang, không tẩy chay thịt heo bởi bệnh không lây sang người.

Tuy bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa xâm nhiễm vào Vĩnh Long nhưng theo nhận định của ngành chức năng, nguy cơ xảy ra là rất cao. Trong lúc này, việc chủ động phòng chống dịch của cơ quan chức năng cũng như ý thức của các hộ chăn nuôi heo là vấn đề cấp thiết, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguy cơ lây lan cao

Theo Cục Thú y, trong những năm qua bệnh dịch tả heo Châu Phi đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác. Tại Việt Nam đã xuất hiện ổ dịch tại 6 tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh tả heo Châu Phi lây nhiễm ở Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam là điểm du lịch được nhiều du khách trên thế giới lựa chọn. Trong đó, có những hành khách ở nước đang có dịch. Khi vào Việt Nam, họ đang mang theo mầm bệnh. Còn trong nước, thời điểm cận tết, số lượng heo được mua bán, vận chuyển, giết mổ rất lớn trong khi người dân còn thờ ơ với phòng chống dịch bệnh,…

Theo nghiên cứu, vi rút dịch tả heo Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm bệnh như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ nhiễm vi rút, ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh,...

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông Nghiệp- PTNT cho biết: Dịch bệnh đã xuất hiện tại một số tỉnh khu vực phía Bắc và có hướng dịch chuyển vào, nên có nguy cơ lây lan nhanh. Bệnh dịch tả heo Châu Phi khi xuất hiện ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi heo.

Tại các địa phương có đường thông thương với các tỉnh- thành khác cũng lo lắng tình trạng dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển.

Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND Mang Thít- bày tỏ lo lắng: Do giáp Bến Tre nên thời gian qua cũng có lượng heo từ Bến Tre vận chuyển bằng đường thủy qua Mang Thít, dẫn đến rất khó kiểm soát.

Tương tự, Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm Lê Ngọc Yến cũng cho rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh qua đường vận chuyển tại huyện là rất cao bởi heo vận chuyển từ tỉnh- thành khác qua địa phương là rất nhiều.

Theo Chi cục Chăn nuôi- Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), Vĩnh Long có khoảng 350.000 con heo, trong có có 111 trang trại chăn nuôi với 37.000 con.

Từ khi xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi đã có sự chênh lệch giá heo giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam, từ 700.000- 800.000 đ/tạ. Do đó, hiện tại mỗi ngày Vĩnh Long nhập từ 200- 500 con heo từ các tỉnh phía Bắc vào tiêu thụ như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,…

Trong khi đó, tổng số lượng heo tiêu thụ trong tỉnh ở mức 900 con/ngày, thì số heo nhập này đã chiếm gần phân nửa!

Theo ghi nhận của phóng viên, dù Vĩnh Long chưa phát hiện hộ chăn nuôi nào có heo bị dịch tả heo Châu Phi, nhưng thịt heo hơi đã có dấu hiệu “sựng” lại, sức mua cũng có dấu hiệu giảm bớt. Nhiều tiểu thương bán thịt heo chia sẻ: Trước thông tin dịch bệnh có nguy cơ lây lan, lo ngại thịt heo bị nhiễm dịch, nhiều khách quen đã từ chối mua thịt heo để chuyển sang các mặt hàng thực phẩm khác như: gà, cá, tôm,...

Đây là bệnh không lây sang người nên khuyến cáo người tiêu dùng bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt heo để việc phòng chống dịch được hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi heo.

Chủ động, quyết liệt thực hiện phòng chống

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, hiện nay dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan nhanh. Do vậy, ngoài những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm dịch bệnh, thì ý thức hợp tác của người chăn nuôi heo trong việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh là vấn đề cần được quan tâm.

Theo đó, tại nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi heo, người chăn nuôi đã ý thức được tác hại và mức độ thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra nên đã chủ động phòng chống, tiêu độc khử trùng trên diện rộng.

Cô Nguyễn Thị Hồng (xã Bình Phước- Mang Thít) đang nuôi 2 con heo mẹ và 2 lứa heo con cho hay: “Từ khi nghe thông tin bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, tôi rất lo lắng. Bên cạnh việc cập nhật thông tin trên báo đài và cán bộ thú y địa phương, tôi cũng áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch bệnh như vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, bổ sung chế độ ăn uống để tăng sức đề kháng, theo dõi sức khỏe đàn heo,…”.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y cho rằng: Đã đến lúc người chăn nuôi phải thực hiện ngay an toàn sinh học, nâng cao ý thức ngăn chặn không cho mầm bệnh không xâm nhập vào trại chăn nuôi, phải chủ động hơn để phòng chống dịch bệnh.

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Để ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- nhấn mạnh: Dịch tả heo Châu Phi được xem là sát thủ số 1 của ngành chăn nuôi heo bởi tính chất đặc biệt nguy hiểm của bệnh.

Đây là bệnh có nguy cơ gây chết heo rất cao, vì vậy tránh “bán chạy” làm lây lan dịch bệnh gây thiệt hại chung. Nghiêm cấm người dân tham gia các hoạt động mua bán vận chuyển heo sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Theo ông Trần Hoàng Tựu, đối với bệnh này phòng là chính vì vậy phải thực hiện chiến dịch tổng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tập trung các khu vực nguy cơ cao như nơi lưu giữ gia súc, phương tiện vận chuyển gia súc vào địa bàn tỉnh, cơ sở giết mổ, quầy sạp mua bán sản phẩm động vật ở các chợ, cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ nuôi gia đình.

Song song đó, tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các trạm chốt kiểm dịch động vật, không cho phép heo và sản phẩm heo không rõ nguồn gốc vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để lọt trường hợp người vận chuyển để heo mắc bệnh lưu thông.

Bên cạnh đó, vì đây là bệnh không lây sang người nên khuyến cáo người tiêu dùng bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt heo để việc phòng chống dịch được hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi heo.

Dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Loại vi rút này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết đến 100%. Heo bị nhiễm có nhiều triệu chứng song không khác biệt so với triệu chứng bệnh dịch tả heo cổ điển, do đó việc chẩn đoán bệnh khó xác định và phân biệt bằng các triệu chứng lâm sàng mà cần lấy mẫu gửi xét nghiệm để phát hiện vi rút. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị mà chủ yếu áp dụng các biện pháp ngăn chặn xâm nhiễm.


Theo Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, thì Nhà nước hỗ trợ 38.000 đ/kg heo bị tiêu hủy. 

 

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh