Tìm giải pháp tiêu thụ lúa đông xuân

10:02, 18/02/2019

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân, với tổng diện tích gieo sạ hơn 1,6 triệu ha. Tuy nhiên, giá lúa hiện liên tục sụt giảm và khó tiêu thụ khiến nông dân lo lắng. 

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân, với tổng diện tích gieo sạ hơn 1,6 triệu ha. Tuy nhiên, giá lúa hiện liên tục sụt giảm và khó tiêu thụ khiến nông dân lo lắng. 

Chiều 17/2, nhiều thương lái ở ĐBSCL cho biết, hiện giá lúa tươi loại thường chỉ còn 4.300 đồng/kg, lúa tươi hạt dài khoảng 4.800- 4.900 đồng/kg…, bình quân giảm khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

“Lúa giảm giá nhưng giới thương lái chỉ thu mua cầm chừng chứ không dám mua nhiều bởi đầu ra của xuất khẩu gạo khó khăn, các doanh nghiệp cũng chưa đặt hàng nhiều. Nhìn chung, dù vựa lúa ĐBSCL mới vào vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng tình hình diễn biến khá trầm lắng…”, ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái lúa gạo ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), bộc bạch.

Trong khi đó, ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ… từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay, nhiều cánh đồng lúa đã chín vàng, nhưng tiến độ thu hoạch rất chậm bởi đầu ra gặp khó khăn.

Ông Lâm Văn Thắm, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), lo lắng: “Thời điểm này mọi năm có nhiều thương lái đến mua lúa tươi tận ruộng, giá cả đảm bảo lợi nhuận cho nông dân khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha. Thế nhưng năm nay thì trái ngược, lúa đông xuân đã vàng đồng, vậy mà nông dân chờ mãi chưa thấy thương lái mua. Lúa giảm giá, cộng với tiêu thụ khó khăn, nhiều khả năng nông dân không được lợi bao nhiêu, bởi vụ này sâu bệnh nhiều khiến chi phí tăng”.

Trước tình hình giá lúa ảm đạm, một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã khẩn trương họp với các doanh nghiệp, ngành chức năng, hợp tác xã…nhằm triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ. Theo nhận định của các ngành chức năng, do ảnh hưởng xuất khẩu gạo từ đầu năm 2019 đến nay không thuận lợi, các nhà nhập khẩu chưa đặt hàng mua gạo nhiều, giá gạo cũng thấp... từ đó tác động đến việc tiêu thụ lúa gạo trong nước.

Tại Đồng Tháp, vụ đông xuân này, toàn tỉnh xuống giống hơn 200.000ha, từ nay đến tháng 3 sẽ thu hoạch rộ, do đó việc tiêu thụ lúa gạo đang rất cấp bách. Hiệp hội Lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế thu mua tạm trữ nhằm gỡ khó cho đầu ra lúa gạo hiện nay. Bên cạnh đó, các ngân hàng nghiên cứu tăng cường hạn mức tín dụng để doanh nghiệp có nguồn vốn thu mua lúa giúp nông dân…

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo các ngành liên quan nhanh chóng khai thác tối đa hệ thống kho sấy lúa nhằm hỗ trợ nông dân có nhu cầu tạm trữ; các doanh nghiệp cần nỗ lực thu mua lúa cho dân, nhất là những khu vực đã ký hợp đồng tiêu thụ; các ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa…

Phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới đang trở ngại. Trong nửa đầu tháng 1/2019, các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu gạo chỉ khoảng 132.000 tấn, giảm hơn 31% so cùng kỳ; giá gạo xuất khẩu cũng giảm từ 400 USD/tấn (gạo 5% tấm), xuống mức 340- 350 USD/tấn…

NGỌC DÂN/SGGP

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh