Vụ lúa Đông Xuân đang vào thời gian thu hoạch tập trung, nhưng giá lúa giảm mạnh, từ 500- 800 đ/kg, khiến nông dân như "ngồi trên đống lửa".
Bài, ảnh: THẢO LY
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2018- 2019 là gần 55.000ha đạt 98,1% so với kế hoạch (56.000ha) và giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước tết, toàn tỉnh đã thu hoạch trà lúa sớm khoảng 8.000ha, năng suất đạt 6 tấn/ha, sản lượng đã thu hoạch ước đạt trên 50.000 tấn. Đến thời điểm hiện tại, đã thu hoạch được gần 9.000ha, ước năng suất 6,7- 6,8 tấn/ha.
Giá lúa Đông Xuân giảm mạnh, người trồng lúa như đứng đống lửa như ngồi đống than. |
Sở Nông nghiệp- PTNT cũng cho biết, ước tổng sản lượng toàn vụ trên 367.000 tấn, hiện còn khoảng 300.000 tấn trên ruộng. Đây là thời gian thu hoạch tập trung, từ 25/2- 15/3 là thời điểm rộ, đến cuối tháng 3 sẽ thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân 2018- 2019.
Theo nhiều nông dân, thời điểm trước tết, lúa tươi được giá nên nông dân phấn khởi vì có lời. Cụ thể, trước Tết Nguyên đán lúa Đông Xuân sớm 2017- 2018 được thu hoạch ở một số xã của huyện Trà Ôn như: Thiện Mỹ, Tích Thiện, Vĩnh Xuân, Tân Mỹ… với mức giá khá cao: lúa IR50404 được thương lái thu mua tại ruộng từ 5.200- 5.700 đ/kg
và lúa khô từ 5.800- 6.200 đ/kg.
Tuy nhiên, sau tết không có thương lái đến thu mua hoặc mua nhưng đặt cọc ít. Cụ thể, giá lúa ở các huyện ngày 17/2/2019: lúa IR50404 tại TX Bình Minh: 4.300- 4.400 đ/kg (lúa ướt) và 4.800 đ/kg (lúa khô), tại huyện Bình Tân 4.500- 4.600 đ/kg (lúa ướt), tại huyện Vũng Liêm: 4.600- 4.700 đ/kg (lúa ướt), tại huyện Trà Ôn: 5.300 đ/kg (lúa khô).
Còn đối với giá lúa chất lượng cao như OM5451 tại huyện Tam Bình: 4.700- 4.800 đ/kg
(lúa ướt), tại huyện Trà Ôn: 5.700 đ/kg (lúa khô), tại TX Bình Minh và Vũng Liêm 5.200 đ/kg (lúa ướt)... Hiện giống lúa IR50404, lúa tròn đã tuột giá đến 700- 800 đ/kg, các giống lúa hạt dài sẽ vào thu hoạch từ tuần sau.
Chú Trịnh Văn Khanh (xã Bình Phước- Mang Thít) còn 5 công lúa đợi thu hoạch nhưng thương lái đến coi rồi đi khiến chú đứng ngồi không yên. Chú Khanh cho hay, năm nay giá lúa giảm từ 500- 800 đ/kg so với vụ Đông Xuân năm trước. Cả năm nông dân chỉ trông chờ vào vụ này là trúng nhất mà bán không có giá, tình trạng này kéo dài là cầm chắc lỗ nặng”.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Hiện giá lúa có giảm nhưng chưa ở mức sâu, vẫn còn thương lái đến mua và 2 ngày nay giá lúa có nhích lên 100- 200 đ/kg.
Năm nay, tuy trà lúa Đông Xuân sớm năng suất không cao do ảnh hưởng của thời tiết (mưa kết thúc sớm, thời tiết bất thường), nhưng vụ sau tết thì năng suất khá cao. Đáng quan tâm hơn, điệp khúc “được mùa mất giá” vào đầu năm nay gây khó cho người trồng lúa.
Nguyên nhân giá lúa giảm là hiện nay vụ Đông Xuân vào thời điểm thu hoạch tập trung, song do thiếu vắng các hợp đồng từ các thị trường lớn nên thị trường lúa gạo rất trầm lắng. So với cùng thời điểm năm trước, giá lúa đã giảm 800- 1.000 đ/kg. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chào bán bình quân thấp hơn 70- 80 USD/tấn so với cùng kỳ.
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng chưa ký được hợp đồng xuất khẩu lớn. Tính đến cuối tháng 1/2019, Vĩnh Long xuất khẩu gạo được 1.000 tấn (từ hợp đồng năm 2018 chuyển sang). Trước tình hình giá lúa giảm thấp và bán khó, nhiều địa phương đã đề xuất các giải pháp mua tạm trữ và hỗ trợ tín dụng.
Theo nhiều nông dân, để bình ổn giá lúa trên thị trường cần đẩy mạnh việc thu mua lúa tạm trữ trong dân, để đảm bảo nông dân không bị thua lỗ. Song về lâu dài, nông dân cần chú trọng chuyển dịch cây trồng thay lúa, phân bố lịch sản xuất lệch vụ để đảm bảo cung cầu hàng hóa, cơ cấu lại giống lúa chất lượng có khả năng xuất khẩu cao.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đẩy mạnh khai thác, tìm hiểu thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời, cần có chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xây dựng các sân phơi, lò sấy lúa, kho chứa đạt tiêu chuẩn để trữ lúa lại trong thời gian ngắn.
Yêu cầu đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo Ngày 19/2/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long đã có công văn gửi giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh về việc cho vay thu mua lúa, gạo vụ Đông Xuân năm 2019. Công văn nêu rõ, hiện nay, tại ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2019. Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Công văn số 928/NHNN-TD ngày 18/2/2019 và để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân năm 2019 theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long yêu cầu giám đốc các chi nhánh NHTM trên địa bàn có kế hoạch cân đối nguồn vốn (vốn tại chỗ, vốn từ Hội sở chính), tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo. Tăng cường kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn và xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua lúa, gạo cho người dân. Đồng thời, NHNN chi nhánh Vĩnh Long cũng lưu ý các chi nhánh NHTM kịp thời báo cáo với NHNN tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để được xem xét giải quyết hoặc kiến nghị với UBND tỉnh, NHNN có các giải pháp tháo gỡ. TRẦN PHƯỚC |
Cơ cấu giống và các vùng sản xuất tập trung: giống OM5451 chiếm tỷ lệ 43,27% (23.766ha) tập trung nhiều ở các huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, Bình Tân và TX Bình Minh; giống ML202 chiếm 24,9% (13.675ha) ở các huyện Mang Thít, Trà Ôn và Vũng Liêm; giống IR50404 chiếm 15,77% (8.661ha) tập trung nhiều ở TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, huyện Bình Tân, Vũng Liêm và Trà Ôn; giống OM4900 4,8% (2.635ha) ở huyện Tam Bình, Long Hồ và TX Bình Minh; giống OM6976: 2,72% (1.495ha) ở các huyện Tam Bình, Long Hồ và Mang Thít; giống Đài Thơm 8 chiếm 3,12% (1.713ha) ở huyện Tam Bình, Vũng Liêm và các giống khác chiếm tỷ lệ 5,42% (2.979ha). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin