Cơ cấu lại nông nghiệp để sản xuất có giá trị cao hơn và thu nhập của nông dân tăng hơn, trồng cây gì và nuôi con gì được xem là một phần yếu tố cấu thành sự gia tăng đó. Có thể thấy, với cây trái, Vũng Liêm có các cây trồng chủ lực như lúa, cây có múi (bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng,...)
Cơ cấu lại nông nghiệp để sản xuất có giá trị cao hơn và thu nhập của nông dân tăng hơn, trồng cây gì và nuôi con gì được xem là một phần yếu tố cấu thành sự gia tăng đó. Có thể thấy, với cây trái, Vũng Liêm có các cây trồng chủ lực như lúa, cây có múi (bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng,...)
Trong chăn nuôi, có đàn bò là chủ lực ở địa phương. Các mô hình sản xuất hiệu quả đã đóng góp vào giá trị nông nghiệp chung, tạo lập đời sống kinh tế nông thôn tốt hơn.
Tham gia dự án hỗ trợ vốn để chăn nuôi bò, gia đình ông Trần Hoàng Đời đã thoát nghèo. |
Chăn nuôi bò là sinh kế chính của gia đình
Trong các báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của Vũng Liêm cho thấy, chăn nuôi bò và số lượng đàn bò ở huyện thời gian qua phát triển khá mạnh. Đến tháng 11/2018, Phòng Nông nghiệp- PTNT thống kê đàn bò của huyện có tổng số hơn 31.400 con, đạt 101% kế hoạch cả năm.
Nhà ông Trần Hoàng Đời (ấp Phước Trường, xã Quới An) hiện nuôi 6 con bò. Đó là tài sản gia đình ông gầy dựng khoảng 4 năm nay, từ vốn liếng ban đầu là con bò đực của dự án hỗ trợ vốn vay cho nông dân. Hàng ngày, ông Đời luôn chân luôn tay, hết rơm rồi cỏ cho đàn bò. Coi nuôi bò như lấy công làm lời, ông Đời nói nôm na “từ công cán đó mà nhà có thu nhập ổn định hơn”.
Ông Từ Tân Xuyên- công chức nông nghiệp UBND xã Quới An- cho biết, đàn bò ở xã có thể xem là nhiều nhất trong các địa bàn ở huyện, với 2.864 con bò của 948 hộ nuôi. Quới An được biết là địa bàn chọn đột phá phát triển đàn bò, tham gia cơ cấu lại nông nghiệp trong những năm qua.
Các xã có đàn bò và người nuôi nhiều có thể kể đến: Trung Hiệp (2.506 con bò, 892 hộ nuôi), Tân Quới Trung (2.376 con bò, 752 hộ nuôi), Trung Thành (2.240 con bò, 653 hộ nuôi), Trung Thành Tây (1.934 con bò, 571 hộ nuôi).
Bên cạnh phát triển đàn bò chăn nuôi trong hộ gia đình, tại địa bàn Vũng Liêm còn có người nghèo, cận nghèo ở các xã Quới An, Trung Chánh, Trung Thành và Trung Thành Đông được hỗ trợ vốn vay theo dự án phát triển đàn bò các năm qua.
Theo bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, từ dự án phát triển đàn bò hỗ trợ vốn vay cho nông dân, đến nay số bò nái sinh sản là 155 con tại 155 hộ gia đình, tổng số bê sinh lứa thứ nhất và thứ hai là 136 con và sắp có thêm 20 chú bê nữa.
Thông qua dự án hỗ trợ chăn nuôi bò, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo, như gia đình ông Đời mà chúng tôi đến tìm hiểu. Số liệu của Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho thấy, các xã tham gia dự án như Quới An có 57 hộ dân (14 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo), đến nay có 44 hộ thoát nghèo;
Trung Chánh có 25 hộ (6 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo) tham gia chăn nuôi dự án trên đến nay có 13 hộ thoát nghèo. Tiếp tục, các xã Trung Thành, Trung Thành Đông cũng triển khai dự án này, hy vọng sẽ có nhiều hộ thoát nghèo sau quá trình chăn nuôi.
Góp phần cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Theo nhiều nông dân, vài năm trước giá bán bò xuống thấp, người chăn nuôi không có lời nhiều. Năm nay giá bò đực đã tăng hơn, giá bán bò cái cũng đã “nhích” lên.
Nhìn nhận giá cả năm nay “dễ thở” hơn với người nuôi bò, anh Lê Tấn Đạt- cộng tác viên thú y, thủy sản ở xã Quới An- nói nếu nông dân mình kiên trì chăm chút đàn bò, thì sau 2- 3 năm nuôi “một lời một là chuyện dễ dàng”. Anh Đạt ước tính, nếu một gia đình mua 2 con bò khoảng 35 triệu đồng, sau vài năm chăn nuôi sẽ lời một khoản bằng số vốn ban đầu bỏ ra.
“Con bò có thể coi là tài sản của gia đình nông thôn”- đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tài (ấp Đức Hòa, xã Trung Thành Đông). Sau nhiều năm gầy dựng, đàn bò nhà ông đến nay có 16 con và dự tính sẽ lên tới 22 con, khi cuối năm các bò nái sinh thêm bê.
Nhiều năm qua, kinh nghiệm chăn nuôi của ông cũng như nông dân ở đây là tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, rơm cỏ cộng với dinh dưỡng theo khuyến cáo; chăm sóc đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, làm tốt việc tiêm phòng... Hiện gia đình ông tiếp tục mở rộng chuồng trại để duy trì mô hình chăn nuôi này của gia đình.
Rơm rạ được nông dân Vũng Liêm tích trữ là một trong các nguồn thức ăn chính của bò. |
Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cho biết, nông dân mình ngày càng ý thức hơn với các mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi. Chẳng hạn như việc phát triển đàn bò, cung cấp con giống, gieo tinh, tiêm phòng, trồng thêm cỏ...
Khi mô hình chăn nuôi có hiệu quả, ngoài tăng sản lượng đàn bò địa phương theo kế hoạch, nông dân sẽ có thu nhập cơ bản và ổn định hơn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, làm tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích nuôi trồng, góp phần tham gia cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Trong năm qua, UBND huyện đã đánh giá các mô hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở huyện tiếp tục phát triển. Trong đó, cùng cánh đồng lớn sản xuất lúa, có cây bưởi da xanh, sầu riêng, xoài và chăn nuôi bò...
Có thể thấy, để tạo giá trị gia tăng và người làm nông nghiệp có lời hơn trong sản xuất, bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ từ các cấp bằng các dự án, mô hình thì nông dân cần có chí hướng và năng động hơn trên “cánh đồng” của mình. Từ đó, mạnh dạn làm ăn với những cây- con chủ lực ở địa phương, thoát nghèo và vươn lên khá, giàu ngay trên mảnh đất, thửa ruộng chắc chắn không còn là chuyện khó.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin