Đã có rất nhiều nỗi lo mang tên "cam sành" được chính quyền, ngành nông nghiệp nêu lên về đầu ra, về ô nhiễm môi trường, cây giống trôi nổi hay lo về kỹ thuật của người mới lên vườn…
Đã có rất nhiều nỗi lo mang tên “cam sành” được chính quyền, ngành nông nghiệp nêu lên về đầu ra, về ô nhiễm môi trường, cây giống trôi nổi hay lo về kỹ thuật của người mới lên vườn…
Nhưng thực tế, cam vẫn phát triển mạnh mẽ và lan ra ở nhiều địa phương. Riêng ở xã Hiếu Nghĩa, qua theo dõi nhiều năm nay từ lúc cây cam xuống ruộng cho thấy, những nông dân đi đầu giờ đây đều rất vững mạnh về kinh tế gia đình. Và cam tiếp tục phủ kín các ấp, đưa Hiếu Nghĩa dẫn đầu diện tích cam ở huyện Vũng Liêm.
Anh Nguyễn Văn Đệ (trái, ấp Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa) đang canh tác 3,9ha cam sành đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Niềm vui ruộng rẫy lên vườn
Trong lúc cam sành đang sụt giá dưới 10.000 đ/kg, rồi 8.000 đ/kg, thậm chí có lúc còn 6.500 đ/kg, những nông dân trồng cam lâu năm ở ấp Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa vẫn khẳng định chắc nịch: “Vẫn lời gấp nhiều lần trồng lúa”.
Gặp nhau ngay ngoài vườn cam, các anh Lương Thanh Bình- Trưởng ấp Hiếu Trung, anh Nguyễn Văn Đệ- Giám đốc HTX Cam sành Hiếu Trung cười rạng rỡ sau chuyến đi tìm đầu ra cho sản phẩm ở Kiên Giang cùng với Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện.
Vừa khui mấy bao phân hữu cơ để bón cho hơn 30 công cam chuẩn bị vụ “vét chót” sau 6 năm khai thác trái, anh Đệ cười khà khà: “Dù cam có rớt 6.000 đ/kg, tụi này muốn vi vu Phú Quốc chỉ cần đẩy 1- 2 tấn cam là dằn túi thoải mái. Cái hồi trồng lúa, đám giỗ hàng xóm còn hổng có tiền đi”.
Đó là thực tế, nhiều nông dân ở ấp Hiếu Trung đang giàu lên từ việc chuyển lúa sang cam. Anh Lê Hoàng Vũ- cán bộ nông nghiệp xã Hiếu Nghĩa, cho biết có rất nhiều nông dân ở ấp Hiếu Trung có trên 3ha cam sành như: Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Coi, Nguyễn Văn Bon, Phạm Việt Dũng, Nguyễn Văn Hoàng, Lương Văn Lắm, có người canh tác trên 4ha như ông Nguyễn Văn Thường.
Cây cam cắm rễ đầu tiên trên đất ruộng Hiếu Trung là vào khoảng năm 2013, vụ thu hoạch đầu tiên khoảng năm 2015; chúng tôi còn nhớ lúc đó bà con vùng này đa phần trồng lúa và rẫy màu, những vườn cam “mồ côi” đầu tiên người trồng hồi hộp, mà bà con xung quanh cũng hồi hộp theo dõi.
Anh Lương Thanh Bình vét vốn liếng cho 2 công cam chuyển sang từ đất lúa, rất lo lắng vì: “tất cả “sinh mạng gia đình” đều nằm trong đó”. Giờ đây, mọi người nói vui: “Ông Bình đi mua đất thêm tuốt bên xã Hòa Bình”.
Vườn cam giảm lượng thuốc nông nghiệp xuống còn 1/4 và tăng lượng phân hữu cơ, cho trái rất tốt. |
Con đường đi qua các ấp Hiếu Thảo, Hiếu Trung, Hiếu Ân đã tráng nhựa rộng thênh thang, dọc 2 bên đường đã xuất hiện nhiều đại lý thu mua cam. Nhìn ngoài ruộng không còn không gian trống trải như hồi trước, mà phủ kín màu xanh của vườn cam nối tiếp nhau.
Ngay như vợ chồng anh Võ Hoàng Việt, vốn nổi tiếng là người trồng rẫy giỏi “nhứt xứ” từ 1 cồn đất đầu tiên anh đi thuê thêm trồng đủ các loại màu quanh năm rồi gầy dựng được hàng chục công rẫy, giờ đây cũng chuyển sang trồng cam sành.
Cho đến giờ này, có thể khẳng định việc chuyển đổi sang trồng cam ở xã Hiếu Nghĩa là rất thành công. Lãnh đạo xã cũng cho biết có định hướng chuyển dịch đưa cây cam xuống đất ruộng ở một số ấp tiếp theo.
Để có thể thành công với cây cam sành, để có thể giải tỏa những mối lo về thị trường, về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường… chúng ta cũng cần lắng nghe nông dân họ tâm sự, giải thích một cách khách quan, có tình, có lý là vì sao họ quyết tâm đeo đuổi theo cây cam sành, dù có không ít cảnh báo đưa ra.
Lý do bà con “tin cây cam”
Cùng ngồi trong vườn cam chuẩn bị bón cho xong đợt phân hữu cơ cuối cùng, anh Đệ, anh Bình rất vui vẻ, thoải mái chia sẻ về những lý do tại sao mình “thắng lớn” từ cây cam; trong khi đó, chỉ sang 20 công cam của hàng xóm vừa lên liếp, thì anh Đệ lại tỏ ra lo lắng: “Lo là lo cho những người mới lập vườn trong tình cảnh hiện nay; khi mà cam đang xuống giá chỉ còn 6.000- 6.500 đ/kg, thì dễ… bứt gân lắm!”
Anh Lương Thanh Bình chia sẻ: “Câu chuyện về cây cam thường bắt đầu bằng những con số nghe bùi tai lắm, nào là vài ba trăm triệu, bảy tám trăm triệu có khi mấy tỷ bạc, nghe bắt mê.
Nhưng con số đầu tư cho vườn cam là không hề nhỏ, rồi phải chịu đựng 24 tháng ròng rã chăm bẵm, xịt phân thuốc liên tục.
Anh Lương Thanh Bình và anh Nguyễn Văn Đệ (ấp Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa) đang chuẩn bị bón phân hữu cơ cho vườn cam. |
Đến khi mấy vụ đầu mà đụng phải giá bèo như bây giờ thì chỉ có nước… cắn lưỡi”. Nguyên do, tiền gom góp, vay mượn, rồi tiền thuê đất mấy trăm triệu nó đáo hạn hàng năm, trồng cam không có lời thì làm sao chịu nổi.
Được biết, nông dân ở đây thường chỉ sở hữu vài ba công đất là cùng; do đó, đầu tư lớn cho vườn cam vài ba chục công thường là thuê đất với giá 4 triệu đồng/công/năm.
Chi phí lên vườn mới lần đầu thì 1 công cam vào khoảng 40- 50 triệu đồng, nếu cộng với tiền thuê đất nữa là vào khoảng trên dưới 90 triệu đồng/công. Nếu không tính toán cẩn thận, ồ ạt lên vườn thì “càng đầu tư lớn thì dễ chết lớn”.
Còn nếu đất nhà thì chỉ cần vài ba công chăm sóc tốt, không bị áp lực tiền thuê đất, cũng dễ thành công. Kỹ thuật bà con giờ rất chắc, giảm xịt thuốc, tăng lượng phân hữu cơ, kéo giãn thời gian thu hoạch trên diện tích cam tránh thu hoạch rộ thì cứ hái bán lai rai.
Còn thuê mướn thì phải canh tác diện tích nhiều, áp lực năng suất nên xịt thuốc nhiều, vòng quay thu hồi vốn là những nguy cơ không thể xem nhẹ.
Đối với những vườn cam lâu năm, đã có thu nhập, thu hồi vốn ổn định thì theo anh Đệ, chỉ cần tà tà không cần xịt thuốc thúc, tháng bón vào chục ký phân hữu cơ, vừa giảm chi phí, vừa giữ sạch vườn trái.
Lúc cam đang sung sức có thể thu hoạch hàng chục tấn, còn như vườn cam đã 6 tuổi vụ này chỉ cần 3- 4 tấn/công, cũng lời gấp mấy lần trồng lúa rồi.
Sau đợt này, anh Đệ sẽ đốn bỏ vườn cam cũ để chuẩn bị làm đất, bón vôi và lên vườn cam mới, chi phí cũng không tốn kém bao nhiêu.
Xã Hiếu Nghĩa được xác định là có nhiều địa bàn có thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây cam. Trong những câu chuyện cụ thể, với từng địa phương cụ thể rất phù hợp để chuyển đổi cây cam; trong đó, ấp Hiếu Trung chứng tỏ đã giải quyết được rất nhiều lao động theo vườn cam và hiệu quả kinh tế cao.
Có thể xem là một trong những cây góp phần giải quyết bài toán thu nhập nông thôn tốt. Vấn đề, cần nhìn nhận cây cam một cách bình tĩnh, khoa học và toàn diện hơn. Không nên phát triển ồ ạt, nhưng cũng không nên khuyến cáo chung chung.
Diện tích trồng cây cam sành trên đất ruộng xã Hiếu Nghĩa là 605,96ha. Trong đó diện tích cho trái là 439,04ha, có 915 hộ trồng. Trong đó có 46 hộ ngoài địa phương trồng với diện tích 28,2ha. Đang thu hoạch cam sành, giá cam sành tại thời điểm từ 6.000- 8.500 đ/kg. Lợi nhuận từ 290- 330 triệu đồng/ha/năm. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin