Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT, tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau màu có chiều hướng giảm so những năm trước, tuy nhiên số hộ có số lần sử dụng thuốc BVTV vẫn còn cao.
Nơi pha thuốc, xử lý thuốc dư và chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vùng canh tác củ cải trắng ở xã Long Mỹ (Mang Thít). |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT, tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau màu có chiều hướng giảm so những năm trước, tuy nhiên số hộ có số lần sử dụng thuốc BVTV vẫn còn cao.
Biến đổi khí hậu là một trong các yếu tố gây bất lợi cho canh tác nông nghiệp và nông dân sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn. Giải pháp cho vấn đề này nằm ở việc cần nâng cao hơn ý thức sản xuất của người dân và gắn với loại hình kinh tế tập thể, sản xuất hữu cơ, đạt chuẩn...
Theo số liệu thống kê năm 2017, diện tích rau màu các loại trồng ở Vĩnh Long chiếm hơn 32.300ha.
Rau màu trồng ở tỉnh đa dạng gồm: khoai lang, củ cải trắng, củ sắn, khoai mỡ, xà lách xoong, hành, hẹ, cải bắp, khổ qua, dưa leo, dưa hấu, cà chua, ớt, đậu bắp, bí các loại, đậu các loại và các loại rau ăn lá khác,... với nhiều vùng chuyên canh rau màu diện tích lớn, có thương hiệu trên thị trường. Nhìn chung, diện tích trồng rau màu phân bố thuộc hầu hết các huyện trong tỉnh, sản xuất tập trung nhiều ở vụ Đông- Xuân và Hè- Thu.
Hiện nay, ý thức nông dân sản xuất rau an toàn ngày càng cao, tuy nhiên còn một số hộ quan tâm đến năng suất, sản lượng mà ít quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó tình trạng sử dụng thuốc BVTV không đúng lúc, đúng cách vẫn còn xảy ra. Theo kết quả điều tra năm 2018 của Chi cục Trồng trọt và BVTV, tình hình sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học trên rau màu có chiều hướng giảm so những năm trước. Tuy nhiên, khoảng 32% số nông hộ được điều tra có số lần sử dụng thuốc BVTV vẫn còn cao.
Cụ thể như khoai lang, bà con nông dân còn sử dụng thuốc trung bình 11- 13 lần/vụ, bình quân 10 ngày nông dân phun thuốc BVTV một lần. Trên 80% nông dân được hỏi là thường xuyên phối trộn thuốc khi phun xịt.
Còn trồng hành lá, với thời gian sinh trưởng 85-105 ngày, số lần nông dân sử dụng thuốc BVTV cũng tương đương với trồng khoai lang, trung bình 7 ngày/lần, cá biệt có bà con sử dụng 5 ngày/lần.
Đối với các loại rau màu khác, thời gian giữa 2 lần sử dụng thuốc BVTV dài hơn. Cũng theo khảo sát của ngành chức năng, hệ số sử dụng thuốc BVTV trên một đơn vị diện tích đối với cây rau màu dao động từ 2,4- 3,7kg/ha/vụ.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, một trong các nguyên nhân khiến tình hình sử dụng thuốc BVTV ở một số nông dân còn khá nhiều là do biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt.
Điều đó gây bất lợi cho sự phát triển cây trồng nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi cho dịch hại có điều kiện phát triển, lây nhiễm trên diện rộng. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân vẫn duy trì thói quen phun thuốc BVTV theo định kỳ mà không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, từ đó làm cho việc quản lý dịch hại càng khó khăn hơn.
Về cơ bản, nông dân được đánh giá ý thức tuân thủ cách ly (thuốc bảo vệ thực vật) trong sản xuất nông nghiệp. Điều này gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất tập thể sẽ thêm hiệu quả hơn. |
Trong báo cáo thực trạng sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất cây rau màu, nguyên nhân và giải pháp, TS. Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV- cho biết: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp- PTNT có nhiều động thái để loại bỏ dần nhiều loại thuốc BVTV độc hại, có khả năng tồn lưu trong nông sản và gây ảnh hưởng môi trường. Đây là một trong các thuận lợi, là cơ sở để quản lý nhà nước về xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân (Trường ĐH Y dược Cần Thơ) vừa báo cáo chuyên đề kết quả phân tích tồn lưu thuốc BVTV trên rau củ tại tỉnh Vĩnh Long.
Đây là phiên báo cáo tham vấn tiến tới hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Xây dựng quy trình xác định dư lượng thuốc BVTV phổ biến trong rau củ tại tỉnh Vĩnh Long bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC)” do tỉnh Vĩnh Long đặt hàng.
Nhóm nghiên cứu đã lấy 180 mẫu ở 180 hộ nông dân tại 6 xã đại diện cho các vùng trồng rau màu ở Vĩnh Long với 6 loại rau củ phổ biến: cải xanh, cải ngọt, xà lách xoong, đậu bắp, củ cải trắng, khoai lang. Kết quả phân tích dư lượng 10 loại thuốc trừ sâu phổ biến ở 180 mẫu rau củ cho thấy, hầu hết các hộ nông dân đều có ý thức đảm bảo thời gian cách ly theo quy định của Bộ Nông nghiệp- PTNT.
Trong số các mẫu, cải xanh và cải ngọt là 2 loại rau có số loại thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều hơn 4 loại rau củ kia. Nguyên nhân có thể do nông dân chưa vào hợp tác xã nên chưa được tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu an toàn.
Cũng theo kết quả này, hầu như không phát hiện thuốc trừ sâu tại thời điểm thu hoạch đậu bắp. Còn xà lách xoong là loại rau không có nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu ở cả hộ nông dân trong hợp tác xã và hộ tự trồng.
Với khoai lang, phát hiện 2 loại thuốc trừ sâu được sử dụng tổng hợp thuộc nhóm được sử dụng trên rau củ. Cụ thể hơn, chỉ có 5/30 hộ khảo sát có nhiễm loại thuốc trừ sâu, trong đó 1 hộ trong hợp tác xã và 4 hộ tự trồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân, điểm nhấn đáng chú ý có ở 3 loại rau củ (xà lách xoong, đậu bắp, khoai lang). Còn trên bình diện chung 6 loại rau củ khảo sát, kết quả tồn dư thuốc BVTV thấp và nông dân có ý thức cũng là điểm rất tích cực so với các tỉnh- thành khác khi khảo sát tương tự.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết, có mối liên quan giữa số loại thuốc trừ sâu nhiễm trên mỗi rau và việc tham gia hợp tác xã. Đó là hộ nông dân trồng trong hợp tác xã có số loại thuốc trừ sâu sử dụng thấp hơn của nông dân không vào hợp tác xã (tự trồng).
Qua nghiên cứu trên và qua báo cáo tình hình sử dụng thuốc BVTV của ngành chức năng tỉnh, có thể thấy các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ý thức nông dân và sản xuất gắn với hợp tác xã sẽ đóng góp vào quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn, bảo vệ môi trường và ở đó trước nhất là tạo sản phẩm rau màu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN- THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin