Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn trong thời gian qua. Ngoài việc nâng cao giá trị cho nông sản, còn giúp nông dân có điều kiện thoát nghèo, vươn lên khá giàu rồi gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới...
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn trong thời gian qua. Ngoài việc nâng cao giá trị cho nông sản, còn giúp nông dân có điều kiện thoát nghèo, vươn lên khá giàu rồi gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới...
Nông dân đã tự cơ cấu lại việc nuôi trồng sao cho phù hợp nhu cầu thị trường và có lời hơn. |
Bò, dê, gà, bồ câu, cỏ, gừng... cơ cấu lại nông nghiệp
Ông Thạch Mực (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn) được hỗ trợ 1 con bò cái từ một dự án cấp tỉnh. Mỗi ngày, ngoài phụ giúp vợ bán thực phẩm buổi sáng trong xóm thì ông quay ra trồng và cắt cỏ cho bò.
Ông coi đó vừa là việc mưu sinh của vợ chồng vừa tới tuổi già vừa là niềm vui lao động. “Người dân tui được hỗ trợ con giống, chỉ dẫn cách nuôi, thú y, tiêm phòng các thứ rồi, nên phải bỏ công cán cho xứng với sự quan tâm ấy”- ông Thạch Mực nôm na.
Ông Thạch Mực là 1 trong 19 hộ người Khmer ở Trà Côn được cấp bò cái giống từ dự án hỗ trợ cho hộ nghèo chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống gia đình, vươn lên thoát nghèo. Phó Bí thư, Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Ngãi Lộ A Nguyễn Hữu Tươi nói các đợt cấp bò này toàn là bò giống tốt.
Thêm thuận lợi nữa là trước khi cấp bò, ngành chức năng và địa phương đã khảo sát kỹ để có thể hỗ trợ bò cho hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi- ít nhất phải có cỏ vườn nhà. Tới nay, ông Hữu Tươi cho biết nhiều hộ gia đình được hỗ trợ bò đã chuẩn bị có bê con.
Chúng tôi nói chuyện với ông Thạch Mực, ông Hữu Tươi, ông Thạch Chuol- Phó Trưởng ấp Ngãi Lộ A- về trồng cỏ nuôi bò, về làm ăn, thoát nghèo...
Ông Thạch Chuol nói ấp năm nay giảm được 44 hộ nghèo, còn 150 hộ nghèo và vừa phát sinh 5 hộ nữa. Kết quả này là sự quan tâm của cấp trên và bà con mình ngày một chú tâm làm ăn hơn.
Câu chuyện con bò chỉ là các câu chuyện nuôi trồng mà Trà Ôn đang triển khai bằng các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện để nông dân sản xuất và tham gia cơ cấu lại nông nghiệp.
Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn báo cáo đến nay ngành đã phối hợp Sở Nông nghiệp- PTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi 17 dự án, mô hình trong thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.
Nhiều mô hình, dự án đã kết thúc, mang lại hiệu quả về kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, có thể kể đến các mô hình, dự án nuôi trồng như: bò, dê, gà, vịt siêu trứng, bồ câu Pháp sinh sản, trồng gừng, trồng cỏ nuôi bò thích ứng với biến đổi khí hậu,...
Theo ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng Trạm Khuyến nông Trà Ôn, người dân khi tham gia mô hình, dự án của các cấp hầu hết đồng tình cao. Thuận lợi nữa là phối hợp hỗ trợ, đôn đốc từ chính quyền cơ sở để thúc đẩy sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả cao nhất khi tham gia đề án cơ cấu lại nông nghiệp.
Tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp
Trao đổi về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2018, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Thanh Triều chỉ ra nhiều nét khá phấn khởi.
Đó là kinh tế nông nghiệp năm nay tăng 3,21%, cao nhất tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2015-2020. Đáng chú ý ở đó là nông nghiệp toàn diện. Cụ thể sản xuất nông nghiệp đã tăng diện tích và sản lượng cây ăn trái, cây màu, nuôi thủy sản và cả dịch vụ nông nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn đúng định hướng, trồng trọt chiếm 57,32%, chăn nuôi 34,57%, và dịch vụ nông nghiệp 8,11%. Cụ thể thêm, đến nay vụ lúa Đông Xuân xuống giống đạt 100% kế hoạch với 8.900ha.
Rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày lũy kế xuống giống hơn 5.000ha, tăng hơn 360ha so cùng kỳ, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Chăn nuôi đàn heo, đàn bò tăng nhẹ; đàn gia cầm tăng cao với 76.680 con...
Đáng chú ý, trong hơn 11.740ha vườn của huyện, hiện có hơn 3.900ha cam sành (với hơn 2.680ha cam thâm canh trên đất lúa), trong đó diện tích cam cho hiệu quả kinh tế khoảng 2.536ha.
Ông Thạch Mực với niềm vui lao động hàng ngày là cắt cỏ chăm bẵm cho con bò giống. |
Năm 2019, huyện Trà Ôn sẽ tập trung cao độ thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Theo Bí thư Huyện ủy- Nguyễn Thanh Triều, một trong số đó là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đó là việc xác định được vùng sản xuất cho từng loại cây (lúa, màu, cây ăn trái), thủy sản (vùng nuôi cá lóc, cá tra) và tiếp tục phát triển các dịch vụ nông nghiệp gắn với khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất.
Đặc biệt trong phát triển chung, chính quyền huyện cũng chú ý đến phát triển ở 2 xã cù lao Mây (Lục Sĩ Thành, Phú Thành). Trên cơ sở hoạch định, sẽ gắn giữa phát triển cây ăn trái, thủy sản, du lịch sinh thái miệt vườn... qua đó, hình thành vùng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành Hồ Nhật Thế bên câu chuyện với chúng tôi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nói đại ý: Nông dân giờ đã ý thức rất cao việc chuyển “trạng thái” từ nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp với xu thế thị trường, để có lợi nhuận cao hơn. Có thể coi đó là họ đã “tự cơ cấu lại sản xuất”.
Tất nhiên trong quá trình ấy, chính quyền và các ngành chức năng là đầu tàu để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân làm sao đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin