Lên liếp trồng dừa

07:10, 02/10/2018

Tôi có 1 công đất trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên tôi có ý định lên liếp trồng dừa. Vậy nhờ Bạn Nhà nông tư vấn kỹ thuật để làm sao chuyển đất canh tác từ trồng lúa sang trồng dừa hiệu quả.

 

Tôi có 1 công đất trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên tôi có ý định lên liếp trồng dừa. Vậy nhờ Bạn Nhà nông tư vấn kỹ thuật để làm sao chuyển đất canh tác từ trồng lúa sang trồng dừa hiệu quả.

Lê Tấn Đạt

(Trung Hiếu- Vũng Liêm)

Anh Đạt mến! Chuyển từ đất lúa sang đất trồng dừa trước tiên anh cần phải lên liếp. Nếu đất tầng dưới bị nhiễm mặn hoặc phèn khi lên liếp phải giữ lớp đất mặt để ở trên. Tùy độ sâu của tầng phèn mà anh bố trí mương liếp cho phù hợp. Liếp đơn ngang khoảng 4- 5m. Liếp đôi ngang khoảng 9- 10m. Chiều sâu mương không được vượt quá tầng sinh phèn. Đất thấp cần lên mô cao 0,3- 0,6m, sau đó bồi đất dần.

Cây dừa sống được trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát, đất thịt, đất sét,... nhưng thích hợp nhất là đất phù sa và đất cát pha. Đất trồng dừa phải thoáng khí và thoát nước tốt. Tầng canh tác (tức lớp đất mặt có nhiều chất hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng) từ mặt đất xuống độ sâu 0,8m trở lên càng tốt. Đất có tầng canh tác mỏng thường nghèo dinh dưỡng, nên phải đầu tư nhiều hơn cho khâu cải tạo đất và phân bón.

Cây dừa chịu được ngập theo thủy triều lên xuống trong vài tháng mùa lũ và cũng chịu được mặn từ 4- 5‰ theo con nước trong mấy tháng mùa khô. Nhưng khi bị úng kéo dài, dừa sẽ bị thối rễ và rụng trái. Nếu nhiễm mặn thường xuyên hơn 5 phần ngàn thì trái dừa sẽ nhỏ lại. Độ mặn cao hơn nữa, dừa sẽ không có trái. Cây dừa chịu được nhiễm phèn với độ pH (độ chua) thích hợp nhất là từ 5- 6. Nếu độ pH dưới 5 (tức phèn nặng), cây dừa cũng bị còi cọc do rễ phát triển kém.

Đối với kỹ thuật lên liếp trồng dừa, những vùng đất ruộng, đất cồn bãi muốn lập vườn trồng dừa, đều phải đào mương lên liếp. Liếp đôi có bề ngang từ 9- 10m, đủ trồng 2 hàng dừa. Liếp đơn có bề ngang từ 4,5- 5m, đủ để trồng 1 hàng dừa.

Ở những vùng đất thấp, anh nên bơm thêm bùn hoặc cát sông có nhiều phù sa, làm dày thêm tầng canh tác, bảo đảm mặt liếp cao hơn đỉnh lũ và không thể ngập mặn. Mặt bờ nên làm bằng phẳng, hoặc ở giữa hơi thấp một chút cũng tốt. Nếu giữa bờ cao hơn hai bên, nước mưa sẽ rửa trôi lớp đất mặt giàu hữu cơ và phân bón.

Trong một khu vườn nên nối các mương với nhau vào một cửa thông ra sông rạch và làm cống đập nơi cửa thông, cho nước ra vào tự nhiên để rửa phèn và lấy phù sa, nhưng có thể chủ động ngăn nước lũ và xâm nhập mặn, trữ lại nước ngọt trong mùa khô.

BẠN NHÀ NÔNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh