Chị Phạm Kỳ Kiều Em, ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành (Bến Tre) hiện đang nuôi 130 bể lươn giống. Mỗi bể lươn giống chị thả với tỷ lệ 15 con cái kèm 5 con đực. Từ mô hình nuôi lươn giống, mỗi năm gia đình chị có thu khoảng 400 triệu đồng.
Chị Phạm Kỳ Kiều Em, ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành (Bến Tre) hiện đang nuôi 130 bể lươn giống. Mỗi bể lươn giống chị thả với tỷ lệ 15 con cái kèm 5 con đực. Từ mô hình nuôi lươn giống, mỗi năm gia đình chị có thu khoảng 400 triệu đồng.
Trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập đòi hỏi người nông dân phải năng động, sáng tạo trong việc chọn và xây dựng mô hình sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Do vậy, việc trồng cây gì, nuôi con gì để tránh cảnh dội chợ, ế hàng là hết sức cần thiết. Mô hình sản xuất lươn giống của chị Phạm Kỳ Kiều Em là một minh chứng.
Cách đây trên 10 năm, gia đình chị Kiều Em đã từng nuôi ếch thương phẩm, nhưng giá cả vật nuôi này luôn biến động, lợi nhuận đem lại không cao.
Qua tham khảo, tìm hiểu các chương trình khuyến nông, khuyến ngư chị biết được mô hình nuôi lươn giống đem lại hiệu quả kinh tế khá cao...
Chị Phạm Kỳ Kiều Em đang giới thiệu với khách về mô hình ương nuôi lươn giống ở công đoạn trứng đã ấp nở thành con non. |
Có được vốn kiến thức, kỹ thuật, chị Kiều Em bắt tay vào xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình nuôi lươn giống và ý tưởng của chị đã được Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre chấp nhận.
Ban đầu cơ sở của chị Kiều Em được hỗ trợ 5.000 con lươn giống, trong đó, kinh phí từ nguồn hỗ trợ là 30% cùng 85 triệu đồng để đầu tư xây dựng các bể nuôi.
130 bể nuôi lươn giống được chị xây dựng với kích cỡ 1 x 2,2m, dưới đáy lót đất và thả 15 con cái và 5 con đực. Nguyên tắc chọn lươn giống đạt chuẩn trọng lượng từ 100 - 200 gram và cho ăn bằng thức ăn viên tinh chế. Khoảng 20 ngày nuôi, lươn bắt đầu sinh sản, mỗi tháng 3 lần.
Chị Kiều Em cho biết: “Sau khi thu trứng lươn thì tiến hành đãi đất, vệ sinh trứng sạch rồi đưa vào lò ấp, khi trứng nở thành con, đưa vào các bể để dưỡng, khoảng 3 tháng là có thể xuất bán”.
Từ thực tế quy trình cho lươn đẻ và qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, cùng với sự cần cù, chịu thương chịu khó mà mô hình sản xuất lươn giống của chị Kiều Em đem lại hiệu quả ngày càng cao. Tỷ lệ trứng nở đạt khoảng 80%.
Mỗi năm trung bình cơ sở của chị Kiều Em cung ứng cho người nuôi lươn thương phẩm khoảng 200kg (1.000 con/kg), với giá 2 triệu đồng/kg.
Chị Kiều Em cho biết thêm: “Đặc tính của lươn là thích thoáng mát, nguồn nước sạch, cho ăn đúng giờ, thức ăn đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt vài chùm dây nylon trên mặt nước làm ụ cho lươn chui vào trú ẩn”.
Ông Lê Hồng Dân - Phó chủ tịch UBND xã Tiên Thủy cho biết, cơ sở của chị Kiều Em là mô hình sản xuất lươn giống rất có hiệu quả. Bên cạnh việc sản xuất và bán con giống, chị Kiều Em còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm cho bà con.
Hiện tại, ngoài việc sản xuất lươn giống, chị Kiều Em đã và đang đầu tư xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả khác như nuôi gà thả vườn, vịt siêu thịt, nuôi trăn…
Đây là mô hình kinh tế khá hiệu quả, được các ngành chuyên môn tỉnh và huyện Châu Thành đánh giá cao và sẽ có kế hoạch nhân rộng trong thời gian tới.
Theo NGUYỄN TRUNG (Báo Đồng Khởi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin