Mang Thít: Những dây gấc đã bén rễ...

05:09, 12/09/2018

Hiện nay, ở huyện Mang Thít, một số nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp để trồng gấc. Qua thời gian, đây là cây trồng cho thu nhập tốt và khá nhiều tiềm năng…

Hiện nay, ở huyện Mang Thít, một số nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp để trồng gấc. Qua thời gian, đây là cây trồng cho thu nhập tốt và khá nhiều tiềm năng…

Cây gấc bén rễ trên đất Mang Thít.
Cây gấc bén rễ trên đất Mang Thít.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Tìm “nơi xuất phát của cây gấc”, chúng tôi đến xã Mỹ Phước để tìm hiểu về mô hình này. Ông Cù Văn Thinh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã- cho biết, mô hình trồng gấc hiện nay ở địa phương đã phát triển khoảng 4ha, trong đó, có 1 hộ dân trồng khoảng 3ha.

Theo ông Thinh, qua thí điểm trồng và cho trái, thu hoạch, cân đối giá cả thị trường,… thì đây là loại cây cho thu nhập khá. Trong một số các hộ dân trồng, có vài hộ nghèo nhưng đến nay, các hộ này đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên khá giả…

Anh Đặng Thành Lợi bên dây gấc gần 4 tháng của mình.
Anh Đặng Thành Lợi bên dây gấc gần 4 tháng của mình.

Anh Đặng Thành Lợi- ấp Mỹ Phú (xã Mỹ Phước) cho biết, gia đình là hộ nghèo và qua mô hình trồng gấc của các hộ dân đi trước, gia đình đã thuê đất để trồng gấc gần 4 tháng nay.

“Gia đình nghèo, được Nhà nước hỗ trợ nhà tình thương nên nghĩ mình cần có động lực vươn lên thoát nghèo.

Tôi mạnh dạn vay gần 40 triệu đồng để đầu tư 3 công gấc, đến nay, gấc đã cho những trái chiếng đầu tiên, giá 8.000- 12.000 đ/kg. Với giá này, gia đình cảm thấy may mắn và đã suy nghĩ đến chuyện trả hết số nợ vay mượn ban đầu…”- anh Lợi chia sẻ.

Ông Đặng Văn Hai (cũng ở ấp Mỹ Phú) là nông dân đầu tiên ở xã Mỹ Phước mạnh dạn tiếp nhận và nhân rộng mô hình trồng gấc trên đất nhà và thuê từ các hộ xung quanh.

Ông Hai cho biết, gấc ở đây sẽ có 2 mùa, đó là mùa được giá và mùa... giá thấp. Do đó, người trồng cũng cần theo dõi và có những định hướng riêng cho vườn gấc của mình.

“Tôi trồng gấc được hơn 1 năm, qua theo dõi đầu ra thị trường thời gian qua thì cây gấc cho thu nhập cao hơn các loại rẫy, lúa… Đây cũng là nguồn thu nhập ổn định vì cây gấc cho trái quanh năm”- ông Hai cho biết.

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT: Hiện nay, trên địa bàn đã có một số mô hình trồng gấc. Đây là các dự án do tỉnh và huyện triển khai đến các hộ nông dân. Theo đó, ở các xã Mỹ Phước, Tân Long Hội, Tân An Hội,… đã có gần 10ha gấc.

“Bước đầu, đây là mô hình trồng trọt cho thu nhập khá, diện tích trồng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đơn vị cũng đang theo dõi về diện tích, thăm dò thị trường, đầu ra sản phẩm,… để có định hướng tới cho nông dân…”- ông Trương Tấn Được cho biết.

Nên cẩn trọng nếu tăng diện tích ồ ạt

Trồng gấc cho thu nhập khá, nhưng nếu từ đó, nhiều nông dân “chủ động trồng ồ ạt” rất có thể khiến thị trường bão hòa, hoặc “dội chợ” như nhiều loại cây, con khác.

Ông Trương Tấn Được cho hay, cây gấc tuy mới triển khai ở một số tỉnh miền Tây nhưng ở các vùng ngoài, miền Đông Nam Bộ đã trồng nhiều. Do đó, nông dân cần tìm hiểu kỹ để trồng, bởi chưa biết thị trường tiêu thụ ra sao.

Trong khi đó, ông Hai cho biết, tuy nói khỏe nhưng trồng gấc rất tốn công sức. Hiện nay có nhiều công ty thu mua, nhưng theo thông tin tìm hiểu được thì thị trường xuất khẩu chưa cao.

“Điều khiến tôi lo lắng khi đầu tư 3ha gấc là đầu ra, giá cả trong thời gian tới, bởi hiện nay, sản phẩm từ trái gấc chưa nhiều, chưa cụ thể, các công ty thu mua cũng chưa dứt khoát trong việc bao tiêu…

Đó là cái mà nông dân chịu thiệt thòi. Tôi nói thiệt, nếu bây giờ ai hỏi tôi trồng gì, nuôi con gì thì vẫn nói ai thích gì trồng, nuôi nấy, đừng đi theo số đông…”- ông Hai chia sẻ và nói thêm- “Hiện chỉ có Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long là có trồng gấc nhiều.

Còn ở miền ngoài, họ đã trồng rất nhiều nên lắm khi cũng bị dội. Với tôi, khi đã là người đi trước thì sẽ chia sẻ hết tất cả những kỹ thuật, kinh nghiệm cho nông dân khác muốn trồng”.

Chú Lê Văn Khanh chăm sóc gấc trồng xen trong vườn đang cho thu nhập khá, “lấy ngắn nuôi dài”.
Chú Lê Văn Khanh chăm sóc gấc trồng xen trong vườn đang cho thu nhập khá, “lấy ngắn nuôi dài”.

Tuy đánh giá cây gấc cho thu nhập khá nhưng chú Lê Văn Khanh (ấp An Hương 2, xã Mỹ An) vẫn chỉ trồng xen trong vườn.

Chú Khanh cho hay, cây gấc chỉ “lấy ngắn nuôi dài” chứ chưa dám khẳng định trồng gấc để phát triển kinh tế:

“Vì hiện nay, đầu ra chưa ổn định, cũng chưa có một nghiên cứu nào để khẳng định những giá trị dinh dưỡng cốt lõi của trái gấc để xem đây là nguyên liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp…”

Trong khi đó, một nông dân cũng ở xã Mỹ An cho rằng, hiện nay, cây gấc đang là lựa chọn phù hợp để nông dân chuyển đổi, cho thu nhập khá, “nhất là các mảnh vườn tạp, vườn đất ít nhưng mương nhiều”.

Tuy nhiên, Nhà nước cần có những khuyến cáo cũng như nắm bắt thị trường tiêu thụ, nếu không muốn nói là “chủ động liên kết, hỗ trợ thu mua gấc” cho nông dân để phát triển bền vững.

Đó cũng là mong ước của nông dân cũng như là điều kiện để nông nghiệp nói chung, từng mô hình cây, con nói riêng phát triển ổn định, bền vững hơn…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh