Bên cạnh hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, nhiều dự án hỗ trợ xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn sản xuất với tiêu thụ đã góp phần xác lập vị thế mới cho cây ăn trái chủ lực, đặc sản của tỉnh.
Bên cạnh hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, nhiều dự án hỗ trợ xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn sản xuất với tiêu thụ đã góp phần xác lập vị thế mới cho cây ăn trái chủ lực, đặc sản của tỉnh.
Mô hình tưới tiết kiệm hòa phân chăm sóc bưởi da xanh giúp tiết kiệm nước, phân bón giảm từ 20- 30% góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất |
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, diện tích cây ăn trái của tỉnh năm 2017 trên 45.000ha với một số loại cây chính như: nhãn, cam, bưởi, xoài, sầu riêng, chôm chôm. Trong đó 2 loại cây ăn trái được xác định là chủ lực của tỉnh là cam sành và bưởi có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ.
Cụ thể, diện tích cam sành đến năm 2017 đạt trên 9.247ha, tăng trên 1.344ha so với 2 năm trước. Đây là cây trồng có tốc độ tăng cao nhất so với các loại cây trồng khác của tỉnh. Cùng đó thì năng suất và sản lượng cũng tăng mạnh.
Diện tích trồng cam tập trung có quy mô lớn chủ yếu ở 2 huyện Trà Ôn và Tam Bình. Chưa kể trong vài năm trở lại đây, phong trào trồng cam xuống đất ruộng cho sản phẩm ngay trong năm đầu và chu kỳ kinh doanh từ 3- 5 năm đã thấy xuất hiện tại các huyện Bình Tân và Vũng Liêm.
Trà Ôn có diện tích trồng cam sành 3.131ha, tập trung ở các xã: Hựu Thành, Thới Hòa, Trà Côn, Thuận Thới, trong đó xã Hựu Thành có diện tích cam đáng kể với trên 418ha và hiện hơn 1 nửa diện tích này đang cho trái.
Hựu Thành được xem là xã có phong trào trồng cam sành mạnh nhất và đang mang lại hiệu quả rất cao cho các nhà vườn với thu nhập từ 300- 500 triệu đồng mỗi năm.
Là một trong số những hộ trồng cam mang lại hiệu quả cao, ông Trần Văn Hương- Trưởng ấp Vĩnh Tiến (xã Hựu Thành) cho biết trong ấp có 100 hộ trồng cam sành với diện tích 85ha. Riêng ông chuyển đổi toàn bộ 2,5ha đất vườn, ruộng sang trồng cam và thuê thêm 1,5ha đất để mở rộng diện tích cây trồng.
Vườn cam nhà được ông sử dụng phần lớn phân hữu cơ nên vườn đã qua năm thứ 4 mà hiệu quả mang lại vẫn rất cao.
Đối với cây bưởi, năm 2017 toàn tỉnh có diện tích trên 8.900ha. Giống bưởi trồng phổ biến là bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Trong đó, bưởi Năm Roi phân bố ở các huyện ven sông Hậu: TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân.
Có thể nói, bưởi Năm Roi là loại cây trái đặc sản của TX Bình Minh và xã Mỹ Hòa hiện là nơi trồng nhiều và tập trung nhất với khoảng 1.063ha. Những năm gần đây, do được đầu tư thâm canh nên sản lượng bưởi đạt khá cao từ 35- 40 tấn/ha/năm.
Trong đó đáng kể nhất là mô hình sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 95,1ha với 122 hộ tham gia. Sản lượng bưởi 1.900 tấn mỗi năm. Theo đó, tổ hợp tác sản xuất ấp Mỹ An và ấp Mỹ Thới 1 có mối liên kết sản xuất- tiêu thụ tới Công ty TNHH 1TV thương mại Hương Bưởi Mỹ Hòa.
Với cách liên kết này, công ty có được lượng hàng đạt tiêu chuẩn gap để xuất khẩu, sản lượng thu mua các tháng đầu năm 2018 khoảng 400 tấn. Đặc biệt trong năm nay, công ty thu mua hết sản phẩm của nhà vườn chứ không phân loại như các năm trước.
Bưởi da xanh thì được trồng nhiều tại các huyện ven sông Tiền và sông Cổ Chiên: Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ và TP Vĩnh Long với khoảng 2.900ha. Diện tích bưởi này ngày càng gia tăng do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh cây ăn trái đặc sản theo hướng an toàn, chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ.
Tiêu biểu có thể kể đến mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) với diện tích 69,2ha, có 140 hộ tham gia, góp phần cung ứng sản lượng 1.400 tấn mỗi năm.
Mô hình được chứng nhận VietGAP vào đầu năm 2018, được Công ty E- Fruits Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá thu mua cao hơn giá thị trường 2.000 đ/kg.
Theo bà Lê Thị Thanh Hiền- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp- PTNT) định hướng chung cây có múi của tỉnh phát triển theo hướng cải tạo, thâm canh và trồng mới. Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng, liên kết chặt chẽ 4 khâu sản xuất- thu mua- chế biến, bảo quản- tiêu thụ.
TS. Trần Văn Khởi-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Để phát triển bền vững cây ăn trái, Vĩnh Long cần rà soát quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch để tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, vùng nguyên liệu cho xuất khẩu hoặc chế biến. Sản xuất tập trung theo vùng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức nông dân thành các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với xây dựng và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân- doanh nghiệp theo từng loại sản phẩm trái cây. Bên cạnh cần phát huy hơn nữa các tổ, ban chỉ đạo sản xuất trái vụ, nghịch vụ trái cây, địa phương cũng cần quản lý tốt nguồn giống bán trên thị trường. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin