Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết thì sản xuất rải vụ, tránh áp lực mùa vụ được xem là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển sản xuất cây ăn trái bền vững.
Mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) giúp đưa đặc sản bưởi Năm Roi vươn ra thế giới. Trong ảnh: Sơ chế bưởi Năm Roi tại Công ty TNHH Thương mại Hương Bưởi Mỹ Hòa. |
Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết thì sản xuất rải vụ, tránh áp lực mùa vụ được xem là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển sản xuất cây ăn trái bền vững.
Tiềm năng rất lớn
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả vùng Nam Bộ”.
Tại diễn đàn này, TS. Nguyễn Như Hiến- Phó trưởng Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt cho biết, Nam Bộ có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển cây ăn trái. Tính đến năm 2017 diện tích cây ăn trái Nam Bộ đạt 431.400ha, trong đó ĐBSCL có 335.200ha (chiếm 59,99%).
Diện tích có xu hướng tăng, xuất khẩu rau quả tăng mạnh. Các địa phương dẫn đầu về diện tích vườn cây ăn trái là Tiền Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre,…
Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, diện tích cây ăn trái của tỉnh tăng đều qua các năm từ 2015- 2017. Có 2 loại cây được xác định là chủ lực của tỉnh là cam sành và bưởi có sự gia tăng mạnh về diện tích.
Trong đó, diện tích cam sành năm 2017 trên 9.247ha, sản lượng trên 102.000 tấn. Diện tích trồng cam tập trung có quy mô lớn chủ yếu tập trung ở Trà Ôn và Tam Bình. Cũng trong năm 2017, diện tích trồng bưởi trên 8.900ha, sản lượng trên 86.685 tấn. Giống bưởi được trồng phổ biến của tỉnh là bưởi Năm Roi và bưởi da xanh.
Trong đó, bưởi Năm Roi phân bố ở các huyện ven sông Hậu và bưởi da xanh thì ở các huyện ven sông Tiền và sông Cổ Chiên. Bên cạnh đó là diện tích đáng kể của nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm.
Xét về quy mô sản xuất, Vĩnh Long là một trong số các tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn của ĐBSCL, trong đó có một số loại trái cây quy mô lớn nhất vùng và cả nước như cam, bưởi, nhãn.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hình thành các vùng chuyên canh một số cây ăn trái như bưởi Mỹ Hòa, cam sành Tam Bình, nhãn Long Hồ, xoài Vũng Liêm,… một số mô hình đã được cấp chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, tạo tiền đề cho trái cây của tỉnh xâm nhập thị trường trong và ngoài nước.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh so với các tỉnh về ngành hàng cây ăn trái Vĩnh Long có lợi thế khá lớn về điều kiện thổ nhưỡng, chủng loại và thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, quan điểm phát triển nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới là chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, phát triển ổn định và bền vững, làm động lực cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Theo đó, định hướng phát triển chung cây ăn trái của tỉnh là củng cố, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các loại trái cây chủ lực, nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt, đến nay phần lớn các loại trái cây đều tiêu thụ dưới dạng trái chín, tươi sau khi thu hoạch. Việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85- 90% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm 10- 15%. |
Nâng cao hiệu quả sản xuất rải vụ
Để phát triển diện tích cây ăn trái một cách bền vững, TS. Nguyễn Như Hiến góp ý các tỉnh Nam Bộ bên cạnh việc hình thành vùng trồng cây ăn trái chủ lực, trồng tập trung cần có định hướng rải vụ một số cây ăn trái theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh, kết hợp ứng dụng nhanh thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện sinh thái mỗi vùng, mỗi địa phương đối với từng loại cây cũng như quan tâm đến cây ăn trái đặc sản nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh cao ở từng địa phương.
Cũng theo Cục Trồng trọt, để giảm áp lực của tính thời vụ đối với trái cây, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân trồng cây ăn trái ở Nam Bộ đã thực hiện ngày càng tốt rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Các tỉnh đã chỉ đạo, điều hành rải vụ thu hoạch một số trái cây chủ lực như xoài, chôm chôm, nhãn, thanh long, sầu riêng trên diện rộng và mang lại hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2017, rải vụ thanh long đạt khoảng 60% diện tích, xoài 30%, sầu riêng 45%, nhãn 50%, mở ra hướng mới trong chỉ đạo, điều hành liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây của cả vùng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Như Hiến cũng cho rằng, trong rải vụ cần quan tâm đến hai vấn đề, trước nhất là làm sao để rải vụ vào mùa nghịch mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Kế đến, nếu như tất cả các vùng đều tập trung rải vụ thì trong mùa nghịch lại xảy ra hiện tượng thừa, mùa thuận lại thiếu trái cây. Điều này cho thấy, vấn đề quy hoạch và liên kết vùng rất quan trọng.
Cùng với đó, TS. Trần Thị Oanh Yến- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho rằng, chất lượng giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, năng suất, sản lượng trái cây. Do đó, nên nhân giống từ cây đầu dòng để đảm bảo chất lượng và phát triển giống cây ăn quả sạch bệnh.
Theo TS. Trần Văn Khởi- Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để phát triển bền vững cây ăn quả vùng Nam Bộ cần tuyên truyền áp dụng sản xuất an toàn sinh học, hạn chế tối đa phân bón và thuốc trừ sâu, chất điều hòa sinh trưởng hóa học. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây. Hình thành tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, có quy chế sản xuất theo quy trình sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng,... Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có khuyến cáo chính xác cho nông dân, nhất là về thị trường. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin