Với những đặc tính nổi bật như có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất vi lượng, các vitamin tốt cho sức khỏe, lúa thảo dược đang cho thấy một tiềm năng lớn trong sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người dùng.
Với những đặc tính nổi bật như có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất vi lượng, các vitamin tốt cho sức khỏe, lúa thảo dược đang cho thấy một tiềm năng lớn trong sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người dùng.
Nông dân tham gia đánh giá giống lúa thảo dược được khảo nghiệm vụ Hè Thu tại Trại Lúa giống tỉnh. |
Vừa qua, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) hội thảo đánh giá giống lúa thảo dược vụ Hè Thu 2018.
Theo đó, 14 giống lúa thảo dược được khảo nghiệm tại Trại Lúa giống tỉnh với kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong đó, các giống OM giàu dinh dưỡng cũng được cho vào bộ giống thảo dược để khảo nghiệm lần này.
Nông dân Phạm Văn Nhựt (ở Ấp 3, xã Phong Mỹ, Giồng Trôm- Bến Tre)- tác giả cung cấp giống nếp cẩm- cho biết để sản xuất giống này, ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ như phân bò sữa, phân trùn và cho kết quả rất tốt.
Bên cạnh, ông có trồng hoa trên bờ ruộng, dùng vợt bắt bọ hút và không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình sản xuất. Nếp cẩm có màu tím đặc trưng rất đẹp, xay bột làm bánh ăn rất ngon, dẻo và thơm, ngoài làm bánh, ông còn nấu rượu nếp cẩm và được nhiều nơi ưa chuộng.
ThS. Lê Cao Lượng- giảng viên Khoa Nông học, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh góp ý, việc khảo nghiệm lúa thảo dược cần sử dụng phân bón hữu cơ. Lúa thảo dược mà thiếu phân hữu cơ thì hàm lượng dinh dưỡng trong gạo sẽ giảm đáng kể.
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS. Huỳnh Quang Tín- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL- cho rằng cần ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và không sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất lúa thảo dược.
Sản xuất theo hướng hữu cơ thì chất lượng gạo tốt hơn, nâng cao hàm lượng những vi chất dinh dưỡng trong hạt gạo.
Hiện nay trên thị trường đã có những sản phẩm gạo chất lượng cao dùng làm thực phẩm chức năng như gạo sấy dành cho người ăn kiêng do bệnh tiểu đường, bột gạo dinh dưỡng cho trẻ em với giá trị gia tăng cho sản phẩm là rất cao.
Còn ông Nguyễn Thanh Tú (Trại Giống cây trồng Long Phú- Sóc Trăng)- đại diện nhóm tác giả bộ giống LP- thông tin: Bộ giống LP thích nghi tốt với vùng đất nhiễm phèn, mặn.
Đến nay, có nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã chọn lựa bộ giống này để xuống giống và cho kết quả rất khá. Gạo có những đặc điểm nổi bật về độ dẻo thơm và có màu tím đẹp.
Gạo thảo dược được cho là có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất vi lượng, các vitamin rất tốt cho sức khỏe. |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT)- cho biết: Phân bón được sử dụng trong đợt khảo nghiệm này chỉ là phân NPK thông thường để đánh giá giống chứ không bón phân hữu cơ.
Xét về điều kiện sản xuất, Trại Lúa giống cần sản xuất qua vài vụ nữa mới đủ điều kiện áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ hiệu quả.
Sắp tới, Trại Lúa giống sẽ áp dụng quy trình sản xuất mới với máy cấy kết hợp bón phân để nâng cao hiệu quả khảo nghiệm.
14 giống thảo dược được khảo nghiệm gồm: OM 3536, OM 8017, OM 9582, MTL 250, LP 18, LP 19, LP 20, ngọc đỏ hương dứa, lúa tím, nếp cẩm, núi vôi, thảo dược, lúa Nhật và lúa ngọt. Các giống lúa trên được cung cấp bởi Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trại Giống cây trồng Long Phú (Sóc Trăng), các trung tâm giống, trại lúa giống và một số tác giả giống nông hộ trong và ngoài tỉnh. |
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, hiện ở Vĩnh Long có 1 doanh nghiệp sản xuất tinh bột gạo, thay thế dần cho bột mì, đây có thể nói là điều kiện tốt để nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh.
Nhu cầu của doanh nghiệp này khoảng 240.000 tấn gạo mỗi năm, chiếm 1/3 sản lượng lúa gạo của tỉnh. Nhà máy sản xuất tinh bột của doanh nghiệp nói trên đang mở rộng, mở ra tiềm năng rất lớn cho Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, việc đưa bộ giống thảo dược vào khảo nghiệm ở vụ Hè Thu này mới chỉ là bước đầu nhằm đánh giá mức độ thích nghi của từng loại giống với điều kiện sản xuất của tỉnh.
Tiếp đó là đánh giá giống thích nghi, áp dụng biện pháp canh tác phù hợp giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả, góp phần sưu tầm, bảo tồn và sử dụng nguồn giống quý để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Để kinh doanh các giống này, Trung tâm Giống nông nghiệp cần đẩy mạnh tổ nhân giống nông hộ, tạo nguồn giống chất lượng cao cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa vào sản xuất lúa thảo dược.
Đồng thời phối hợp nghiên cứu đưa ra đánh giá hàm lượng dinh dưỡng lúa gạo thảo dược trong thời gian tới.
Theo PGS, TS. Huỳnh Quang Tín, không vội lạm dụng từ “thảo dược” để gọi tên mà cần phải đánh giá các đặc tính về hàm lượng vi chất dinh dưỡng, chỉ tiêu chất lượng, tạo cơ sở để phân loại nhóm giống “thảo dược”, “thực phẩm chức năng” hay là “chất lượng cao”. Hiện các giống lúa này chỉ mới dừng lại ở đánh giá nông học là chính với màu lạ mắt, ăn ngon. Do đó, hướng tới lúa thảo dược cần được tách dòng, chọn tạo lại để xác định chính xác chất lượng gạo, hàm lượng dinh dưỡng, từ đó gọi tên từng loại cho phù hợp hơn chứ không thể gọi chung chung là lúa thảo dược như hiện nay. |
Bài, ảnh: THANH LIÊM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin