So với giá của trái sầu riêng thành phẩm loại hạt lép như Ri6, Thái… giá hạt sầu riêng đã cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
So với giá của trái sầu riêng thành phẩm loại hạt lép như Ri6, Thái… giá hạt sầu riêng đã cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Giá hạt sầu riêng tại Lâm Đồng đã lên mức 90.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN |
Sau thời gian liên tục tăng cao, giá bán hạt sầu riêng tại Lâm Đồng đã lên mức 90.000 đồng/kg hạt loại tốt. So với giá của trái sầu riêng thành phẩm loại hạt lép như Ri6, Thái… giá hạt sầu riêng đã cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Trước đó, thời điểm đầu vụ thu hoạch sầu riêng (tháng 5/2018), giá hạt chỉ từ 30.000 – 35.000 đồng/kg và liên tục tăng mạnh cho đến nay.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân khiến hạt sầu riêng tăng giá mạnh là do các vùng trồng sầu riêng ở Nam bộ và Tây Nguyên đã chuyển đổi sang các giống hạt lép như Ri6, Chín Hóa, Monthong và Dona nên không có đủ hạt giống tốt làm gốc ghép.
Chính vì vậy, nhu cầu thu mua hạt sầu riêng để nhân giống cây con tăng cao, trong khi vùng cung cấp hạt giống sầu riêng chính cho cả nước chỉ còn nhiều ở Lâm Đồng, do địa phương này còn nhiều diện tích trồng sầu riêng hạt.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, khảo sát thông tin từ một số điểm thu mua, có thương lái người Trung Quốc đến Lâm Đồng mua hạt giống sầu riêng làm giống gốc cho vùng sầu riêng của họ bên Campuchia và Lào.
Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng, dù nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc khá lớn và họ cũng đang phát triển trồng sầu riêng tại Campuchia và vùng Nam Lào.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 4 vườn cây đầu dòng sầu riêng Ri6, Dona và Monthong với năng lực cung cấp hàng năm 236.000 chồi. Hiện, có 7 vườn sản xuất sầu riêng giống có khả năng cung cấp hơn 300.000 cây giống/năm. Do nhu cầu cây giống cao, nên giá bán cây giống sầu riêng ghép (2 năm tuổi) từ 140.000 đồng -150.000 đồng/cây loại tốt, giá cây ghép 1 năm từ 55.000 - 60.000 đồng/cây.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cây sầu riêng được trồng chủ yếu ở các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Bảo Lộc và rải rác tại Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà và Đam Rông với tổng diện tích 6.886 ha, năng suất 10,3 tấn/ha, sản lượng đạt 39.509 tấn mỗi năm./.
Theo Nguyễn Dũng/TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin