Công nghệ sau thu hoạch của Israel

10:03, 14/03/2018

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Đại sứ quán Israel  tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Công nghệ sau thu hoạch của Israel - Chìa khóa dẫn đến thành công". 

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Đại sứ quán Israel  tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch của Israel - Chìa khóa dẫn đến thành công”.

Với nhiều công nghệ sau thu hoạch được các chuyên gia đến từ Israel giới thiệu, chia sẻ, nhiều ý kiến cho rằng có thể ứng dụng vào sản xuất tại ĐBSCL, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trồng rau sạch theo công nghệ Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Trồng rau sạch theo công nghệ Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Kết quả nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế do Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) gần đây cho thấy, từ 1/3 đến 1/2 (khoảng 1,3-2 tỉ tấn) lương thực được sản xuất ra trên toàn cầu bị thất thoát trong chuỗi phân phối. Trong đó, lượng hoa quả và rau củ thất thoát từ 45-55%, các loại hạt trên từ 20-35%.

Tại Việt Nam, thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện nay vào khoảng 40-45%.

Nếu chỉ tính riêng ngành sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL mỗi năm thất thoát khoảng 18-20 triệu tấn, chiếm tỷ lệ khoảng 10% (tương đương 3.000-3.500 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách.

Theo nhận định từ các chuyên gia, tình trạng thất thoát lương thực nói trên là vấn đề mang tính toàn cầu ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống như: kinh tế (lãng phí tiền bạc, giá thực phẩm tăng), môi trường (lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm cho trái đất nóng lên), xã hội (nhiều nơi trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu lương thực…

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL đã và đang chịu tác động của biến đổi khí hậu; yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với các sản phẩm chất lượng cao.

Đó là những lý do doanh nghiệp ĐBSCL nên tìm hiểu, tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao của Israel từ đó tiếp thu và áp dụng hiệu quả thực tế sản xuất.

“Nếu nhìn lại quá trình đầu tư của Israel vào Việt Nam, chúng ta có thể thấy chủ yếu là đầu tư về công nghệ chứ không phải là tiền.

Và trên thực tế, Israel đã tài trợ và chuyển giao cho Việt Nam nhiều công nghệ nông nghiệp tiên tiến. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã tiếp cận, ứng dụng các công nghệ này vào sản xuất đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong tương lai, TP Cần Thơ sẽ có Trung tâm logistics hạng II nên cũng rất cần có những dự án bảo quản, chế biến sau thu hoạch trước khi đưa hàng xuất khẩu sang các nước” - ông Nguyễn Phương Lam nói.

Là quốc gia hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia đến từ Israel đã giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc vượt qua thử thách bằng đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát lương thực.

Ông Yaniv Tessel, Trưởng phòng Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Israel, cho biết: “Với 2/3 diện tích là sa mạc, Israel luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Ngoài ra, do dân số ít nên nguồn nhân lực phục vụ sản xuất là vấn đề rất nan giải.

Vì thế, Israel xác định đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là quyết sách của quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhờ đó, đất nước chúng tôi không chỉ sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu nhiều sản phẩm, dịch vụ như: nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, quản lý đàn bò, dự án chìa khóa trao tay…”.

Theo Tiến sĩ Ron Porat, Trung tâm Volcani, Israel, công nghệ sau thu hoạch của Israel được triển khai cho tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất từ khâu thu hoạch, vận chuyển và bảo quản.

Đó là việc ứng dụng công nghệ cao để giảm thất thoát nguồn tài nguyên nước (nông nghiệp chính xác; sử dụng cảm biến, nước tái chế).

Ở khâu bảo quản, các chuyên gia Israel sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene của cây trồng, tạo ra các giống cây có khả năng kháng bệnh cao, ít bị oxy hóa, giúp sản phẩm giữ độ tươi lâu; phủ bên ngoài rau củ lớp composite chitosan gelatin (có thể ăn được) giúp làm chậm quá trình phân hủy nông sản.

Ngoài ra, Israel cũng tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo trong khâu sau thu hoạch (tạo các giống cây có chất lượng sau thu hoạch tốt hơn, đóng gói bằng phương pháp MAP, phương pháp chịu lạnh và cách ly kiểm dịch…).

Các biện pháp vệ sinh môi trường nhằm kiểm soát sự phân hủy nông sản cũng được chú trọng bằng hệ thống máy rửa và làm khô bằng nước nóng 55oC trong 22 giây, khử trùng bằng tia UV...

Ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc Hợp xã Rau củ quả Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Mấy chục năm gắn bó với nghề trồng rau màu, tôi luôn phải chịu lệ thuộc vào thời tiết.

Dó đó, tham dự Hội thảo lần này tôi mong muốn tìm được công nghệ phù hợp để có thể “làm chủ” được quá trình sản xuất. Khi làm được điều này, tôi có thể kiểm soát được chất lượng rau màu, từ đó chủ động đề xuất giá bán phù hợp”.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp bày tỏ mối quan tâm đến các công nghệ sau thu hoạch của Israel và mong muốn phía bạn hợp tác trong sản xuất giống cá tra, trồng rau màu, hoa kiểng…

Đồng thời, đề nghị các chuyên gia Israel khảo sát thực tế, đánh giá tình hình  để quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ thuận lợi và tương thích với điều kiện tại Việt Nam.

Theo Cần Thơ Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh