Từ đất đai thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất đến tư duy, cây cam sành ở huyện Trà Ôn đang nổi lên thành vùng sản xuất lớn, góp phần đưa thu nhập của người dân tăng cao trong các năm qua... Qua đó, cũng đặt ra vấn đề cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với việc phát triển cây cam sành theo hướng sạch.
Bạt ngàn “ruộng cam sành” ở Thới Hòa. Đây là địa bàn có diện tích cam sành nhiều nhất huyện Trà Ôn. |
Từ đất đai thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất đến tư duy, cây cam sành ở huyện Trà Ôn đang nổi lên thành vùng sản xuất lớn, góp phần đưa thu nhập của người dân tăng cao trong các năm qua... Qua đó, cũng đặt ra vấn đề cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với việc phát triển cây cam sành theo hướng sạch.
“Thâm canh cây cam sành trên đất ruộng”
Tiếp đoàn Tỉnh ủy giám sát thực hiện Nghị quyết năm 2017 trên địa bàn huyện hồi tháng 12, lãnh đạo huyện Trà Ôn đưa đi thực tế vùng trồng cam sành mới hình thành tại ấp Mỹ Phú (xã Tân Mỹ).
Ông Huỳnh Phương Đông- Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Tân Mỹ cho biết, vùng cam này khoảng 22ha do người dân bên Trà Côn đến thuê đất lúa chuyển lên trồng. “Cam trồng được năm rưỡi nay, đang bắt đầu làm bông”- đồng chí Huỳnh Phương Đông cho biết vườn cam trồng theo hướng sạch tham khảo từ mô hình trồng cam Organics ở xã Hựu Thành.
Theo đồng chí Huỳnh Phương Đông, xã hiện có trên 94ha cam sành, trong đó cam xuống ruộng khoảng 85ha. Tân Mỹ là vùng đất “mới chác” theo phong trào đưa cây cam sành xuống ruộng sau các xã đã đi trước nhiều năm qua như Hựu Thành, Thới Hòa, Thuận Thới, Vĩnh Xuân...
Cũng từ đây, cây cam sành “lan” ra các xã lân cận như Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành thuộc huyện Vũng Liêm.
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Thới Hòa Nguyễn Văn Hai, đồng chí cho biết toàn xã hiện có 812ha cam sành, đứng đầu các xã ở Trà Ôn. Hiện, hơn phân nửa diện tích này được nông dân làm bông, cho trái đón mùa sau tết- mùa được coi là giá trị cao với nhiều loại trái cây chủ lực trong tỉnh.
Cam sành Thới Hòa chủ yếu trồng trên ruộng. Do sản xuất lúa không lời nhiều mà thổ nhưỡng đất đai lại phù hợp và cây cam sành cho lợi nhuận cao nên diện tích trồng cam sành phát triển ồ ạt.
Nói về thời điểm mấy tháng trước giá cam sành còn 10.000-12.000 đ/kg thay vì 20.000 đ/kg trở đi, Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Hai cho rằng mức giá đó thấp hơn trước nhưng vẫn không lỗ, chỉ không lời nhiều thôi.
Chúng tôi gặp anh Phạm Quốc Dương (xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách- Bến Tre) đang lúi húi giữa trưa nắng trên cánh đồng ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn). Anh em anh đang thuê 4 công đất ươm cam sành và bưởi da xanh giống.
“Hiện mình ươm ghép cam sành giống trước, cây này sẽ ra hàng ở đây; bưởi da xanh giống thì qua tết sẽ làm và đưa về Chợ Lách bán cho bà con bên đó”- anh Dương tay không ngừng cuốc xúp liếp, nói.
Đầu tư lớn hay thuê đất làm cây giống hay trồng cam sành như kiểu anh Dương hiện có khá nhiều ở Trà Ôn này, nhất là các vùng ở xã Hựu Thành, Thới Hòa, Thuận Thới...
Như Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Hai, khi “sắm vai” nông dân ở gia đình thì đang có khoảng 4ha cam sành, trong đó đất ruộng nhà 1ha, còn 3ha là đất thuê lên “cánh đồng” cam sành.
Định hướng sản xuất theo quy trình sạch
Theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017, tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện Trà Ôn hiện có 11.635ha và phát triển khá thuận lợi, tăng 1.323ha (do đất lúa chuyển lên vườn) so năm ngoái.
Với cây cam sành, trong tổng diện tích 3.812ha, riêng cam sành trồng trên đất lúa là 2.576ha. Hiện có 2.478ha cam đang cho trái, lợi nhuận mùa thuận từ 120- 150 triệu đồng/ha, mùa nghịch 300- 350 triệu đồng/ha.
Trong năm 2017, dẫu có thời điểm giá cam xuống thấp, nhưng giá trị chung đem lại của trái cây này không nhỏ. |
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Trà Ôn: Nhận thấy tốc độ phát triển cây cam sành thời gian qua trên địa bàn, huyện đã có định hướng thâm canh cây cam sành trên đất lúa.
Mới đây, khi khảo sát vùng cam sành ở Tân Mỹ, đồng chí Nguyễn Thanh Triều đánh giá cao bước đầu việc sản xuất 22ha cam sành theo hướng sạch và cho biết: “Các năm tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thâm canh cây cam sành trên đất lúa, sản xuất theo quy trình sạch. Qua quy hoạch tập trung hình thành vùng sản xuất, kết hợp đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ cho các vùng sản xuất cam sạch”.
Diện tích và sản lượng tăng, lợi nhuận của cây cam sành đem lại cao chính là yếu tố đóng góp vào tiêu chí thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới- đồng chí Nguyễn Thanh Triều khái quát như vậy và lưu ý- Trong sản xuất phải hình thành tổ nhóm, tiến tới hợp tác xã, bởi hình thức đó sẽ giúp kết nối thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra và giá cả ổn định hơn.
Tuy mới bắt đầu nhưng Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Huỳnh Phương Đông tin tưởng vào vùng cam sành trên địa bàn sẽ tạo hướng mở cho quy trình sản xuất sạch, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Thới Hòa Nguyễn Văn Hai, cây cam sành có vòng đời khoảng 5 năm và khoảng 4- 5 năm nay cây cam phát triển mạnh. Dự kiến tới năm 2020, cây cam sành sẽ tiếp tục phát triển. Xã định hướng sản xuất sạch gắn với kinh tế tập thể để tạo đầu ra, giá cả ổn định loại trái cây này cho nông dân.
Vẫn theo Bí thư Đảng ủy xã Thới Hòa: “Tuy chưa ổn định nhưng giá trị do cây cam sành mang lại là rất lớn. Cam sành mà giá cầm được trên dưới 20.000 đ/kg thì về lâu dài, sẽ có nhiều nhà vườn giàu lên. Mà giờ toàn những người trẻ, chịu nghĩ và dám mần ăn”
Thành lập hợp tác xã cam sành sản xuất theo hướng sạch
Trà Ôn hiện có 10 hợp tác xã. Trong đó, vừa thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Cam sành Organics Trà Ôn ở xã Hựu Thành, Hợp tác xã Cam sành Phú Nông ở xã Thới Hòa. Nói về cây cam sành, nhiều nhà vườn, cán bộ địa phương khẳng định giá trị cây cam sành đem lại rất lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin