Trong năm 2017, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã triển khai 2 dự án quan trọng giúp "khép kín" các khâu sản xuất lúa từ sản xuất cung ứng giống lúa đến việc xây dựng, phát triển vùng lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ. Hiệu quả bước đầu của dự án đáng phấn khởi với nhiều khả năng nhân rộng.
Trong năm 2017, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã triển khai 2 dự án quan trọng giúp “khép kín” các khâu sản xuất lúa từ sản xuất cung ứng giống lúa đến việc xây dựng, phát triển vùng lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ. Hiệu quả bước đầu của dự án đáng phấn khởi với nhiều khả năng nhân rộng.
Dự án “củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020” vụ Đông Xuân 2017- 2018 tại xã Song Phú (Tam Bình). |
Từ lúa hàng hóa
Năm 2017 là năm đầu tiên mà Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long triển khai dự án xây dựng, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh (giai đoạn 2017- 2020), với quy mô trên 750ha thuộc 5 huyện (Vũng Liêm, Trà Ôn, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình).
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí triển khai, thẩm định tuyển chọn địa điểm, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội nghị, kiểm tra theo dõi và quản lý mô hình. Hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống cấp xác nhận.
Người dân đối ứng đất sản xuất lúa và chi phí đầu tư sản xuất, gồm 50% lúa giống, 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động,...
Tại huyện Trà Ôn, dự án triển khai tại 2 xã Tân Mỹ và Thiện Mỹ với quy mô 151,4ha, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao OM 5451 và Jasmine 85 từ nguồn giống xác nhận.
Tất cả 160 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giá mua giống là 6.500 đ/kg. Bên cạnh đó dự án còn tập huấn cho nông dân trong và ngoài mô hình.
Dự án cũng là cầu nối để hình thành chuỗi liên kết “4 nhà” từ sản xuất đến tiêu thụ giữa người sản xuất lúa với nhà khoa học, nhà cung ứng vật tư và nhà kinh doanh tiêu thụ sản phẩm.
Bà con nông dân có cơ hội trao đổi trực tiếp với đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và công ty lương thực để ký hợp đồng ngay từ đầu vụ. Qua đó, tránh được tình trạng bị ép giá mỗi khi vào vụ.
Ngoài giảm bớt chi phí trong canh tác lúa trong mô hình cho năng suất cao, giá bán từ 5.400- 6.000 đ/kg, mô hình còn giảm tác hại đối với môi trường, đất đai khi khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, tiết kiệm nước tưới từ 20- 30%.
Bên cạnh đó giảm lượng giống gieo sạ, thay đổi tập quán sản xuất từ sạ dày (15- 20 kg/1.000m2) sang sạ thưa (10 kg/1.000m2), Trong những năm tới, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long sẽ tiếp tục kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, duy trì và nhân rộng mô hình.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua Công ty Lương thực Vĩnh Long thực hiện mô hình xây dựng cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ tại 2 xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) và Long An (Long Hồ) với 252ha và 413 hộ tham gia.
Bên cạnh, Công ty Lương thực Sông Hậu đã liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) với 296ha. Kế hoạch đến hết vụ Đông Xuân 2017- 2018, toàn tỉnh sẽ mở rộng cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ là 750ha.
Đến giống lúa thuần
Sau 1 năm triển khai thực hiện, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020 đã gặt hái kết quả khả quan.
Trong năm 2017, dự án triển khai với quy mô 65ha tại 5 huyện gồm: Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và Long Hồ. 36 cơ sở, nông hộ đủ điều kiện tham gia nhân giống lúa thuần được hỗ trợ 30% chi phí sản xuất trong 3 vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông.
Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 926 triệu đồng.
Kết quả sản xuất cho thấy, năng suất lúa tươi 3 vụ trong năm 2017 đạt bình quân 7 tấn/ha, qua đó góp phần cung ứng trên 318 tấn giống lúa thuần cho các cơ sở nhân giống lúa trong tỉnh. Lợi nhuận người dân thu được từ việc sản xuất giống là 23.780.000 đ/ha
(chưa kể khoản hỗ trợ của dự án).
Trong năm 2018, dự án trên tiếp tục được triển khai trên quy mô 70ha, nhằm cung ứng 344 tấn giống lúa thuần đạt cấp giống nguyên chủng cho các cơ sở nhân giống lúa với tổng kinh phí dự án trên 828 triệu đồng.
Khởi động dự án này trong vụ Đông Xuân 2017- 2018, tổ sản xuất giống lúa tại ấp Phú Hữu Yên (xã Song Phú- Tam Bình) xuống giống 2ha/3 hộ tham gia sản xuất giống lúa OM 5451. Năng suất dự kiến đạt 8 tấn/ha.
Có ruộng canh tác liền kề đó, ông Phan Văn Sang- nông dân ở ấp Phú Hữu Yên đăng ký tham gia dự án trong vụ kế. Theo ông Sang, làm giống khó nhưng được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, tổ sản xuất giống và với quyết tâm của mình ông Sang hy vọng đáp ứng được yêu cầu của dự án.
Ông Lê Hoàng Hải- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình- cho biết sẽ tiếp tục vận động nhân dân để nhân rộng mô hình, nhất là việc phát triển diện tích liền kề. Một khi diện tích đủ lớn thì tổ hợp tác sản xuất mạnh dạn thành lập hợp tác xã để được hưởng những ưu đãi của Nhà nước.
Theo ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh nhằm tạo ra hạt giống lúa thuần đạt cấp nguyên chủng chiếm 85% trên tổng sản lượng lúa giống sản xuất trong năm.
Bên cạnh đó, giúp nông dân sử dụng giống xác nhận tại chỗ, cùng với dự án xây dựng, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh cho lúa gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin