Phòng trị lở mồm long móng trên gia súc

04:02, 27/02/2018

Nhà tôi có chăn nuôi heo và bò nên nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách nhận biết bệnh lở mồm long móng và cách phòng trị?

Nhà tôi có chăn nuôi heo và bò nên nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách nhận biết bệnh lở mồm long móng và cách phòng trị?

Lê Thị Màu

(Tân An Luông- Vũng Liêm)

Chị Màu mến! Khi vi rút xâm nhập vào cơ thể gia súc, khoảng 2- 3 ngày đầu gia súc sốt cao trên 40 độ C, mệt mỏi, lông dựng, mũi khô, da nóng; đứng lên, nằm xuống khó khăn, kém ăn; miệng chảy nhiều nước dãi có bọt; nổi mụn nước ở miệng, lợi, vành mũi, vành móng, kẽ móng chân, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra sẽ làm lở, loét ở miệng, móng chân; bệnh nặng có thể làm long móng, nhất là ở heo.

Con vật đi lại khó khăn, thường đi khập khiễng, run rẩy. Ngoài ra, đối với bò khi bị bệnh thường hay nâng chân lên rồi lại hạ chân xuống nhiều lần, ở heo thì thường hay ở tư thế ngồi hoặc quỳ 2 đầu gối chân trước.

Để phòng bệnh, phải thực hiện quy trình tổng hợp: giữ chuồng trại sạch sẽ, tránh nắng, gió. Không để chuồng đọng nước, trước cửa chuồng có hố sát trùng.

Chọn giống nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm ngừa lở mồm long móng; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Cho vật nuôi ăn uống đầy đủ. Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Hàng ngày phải quét dọn và định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Navetcid, Virkon,... thực hiện 1 lần/tuần. Liều lượng 5ml/con/lần phun. Sau mỗi đợt nuôi, phải tổng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng.

Tiêm phòng vắc xin: Lần đầu là 2 tuần tuổi. Sau 21 ngày, phải tiêm nhắc lại mũi 2, sau đó cứ 5- 6 tháng tiêm 1 lần. Riêng dê cừu chỉ tiêm 1 lần/năm. Liều lượng vắc xin trâu, bò, heo 2 ml/con; dê tiêm 1ml/con.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh