Vĩnh Long có đất đai khá màu mỡ, bằng phẳng, nước ngọt gần như quanh năm, khí hậu ôn hòa nên có thể sản xuất nhiều loại rau quả, trái cây có giá trị kinh tế cao. Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp định hướng tập trung đầu tư cho "3 cây, 3 con", trong đó cây ăn trái là nhóm cây chủ lực và đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung.
Vĩnh Long có đất đai khá màu mỡ, bằng phẳng, nước ngọt gần như quanh năm, khí hậu ôn hòa nên có thể sản xuất nhiều loại rau quả, trái cây có giá trị kinh tế cao. Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp định hướng tập trung đầu tư cho “3 cây, 3 con”, trong đó cây ăn trái là nhóm cây chủ lực và đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung.
Nông sản Vĩnh Long xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. |
Một số loại nông sản đã được chứng nhận các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông sản chủ lực của tỉnh đã và đang tạo lập vị thế mới.
Vùng nguyên liệu tập trung theo chuẩn GAP
Giai đoạn 2015- 2020, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực như bưởi Năm Roi 2.500ha, cam sành 7.000ha, chôm chôm 1.000ha, nhãn 9.000ha.
Ngành nông nghiệp đã vận động các doanh nghiệp tích cực hoạt động tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu nông sản.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện mục tiêu sản phẩm đạt tiêu chí an toàn, chất lượng, vùng nguyên liệu đủ năng lực cung cấp, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, viện, trường để nâng tầm nông sản chủ lực của tỉnh”.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), HTX hiện có 17ha chôm chôm đạt chuẩn GlobalGAP, mỗi năm cung ứng ra thị trường 350- 400 tấn. Đến nay HTX đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu, chôm chôm của HTX đã đến được với thị trường ngoài nước.
Bà Trần Thị Kim Nhung- đại diện Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu Thuận An (TP Hồ Chí Minh) là đơn vị đầu mối xuất khẩu chôm chôm Bình Hòa Phước- bày tỏ ấn tượng bởi những sản phẩm nông sản khá phong phú của nhà vườn Vĩnh Long.
Bà hy vọng thời gian tới doanh nghiệp sẽ mở rộng việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu những nông sản nhiều tiềm năng của tỉnh.
Ông Trần Uy Việt Hùng- Tổ trưởng Tổ hợp tác Nhãn xuồng cơm vàng (xã An Bình- Long Hồ) cho biết: Tổ hợp tác có 22 hộ sản xuất 12ha nhãn đạt chuẩn VietGAP, cung ứng 120- 140 tấn/năm.
Nhà vườn được tập huấn từ kỹ thuật sản xuất đến khâu sau thu hoạch cũng như cách chào bán sản phẩm. Đây cũng là điều kiện tốt để tổ hợp tác tìm kiếm các đối tác tiêu thụ, sản xuất theo hợp đồng hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt- Mekong liên kết tiêu thụ nông sản với nhiều nhà vườn trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Trung- phụ trách kinh doanh công ty- cho biết: Hiện doanh nghiệp đã hợp đồng tiêu thụ với khoảng 15 HTX, nhà vườn và thu mua nhiều loại nông sản của tỉnh. Các sản phẩm này sẽ được sơ chế, đóng gói và phân phối thông qua các siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Đòn bẩy kết nối giao thương
Thông qua các hoạt động kết nối giao thương, nông sản chủ lực của Vĩnh Long được người tiêu dùng đánh giá cao. |
Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT)- cho biết: Thông qua hoạt động khảo sát thị trường và kết nối giao thương, hàng năm, trên 70 doanh nghiệp tìm đến với Vĩnh Long và trên 120 hợp đồng, đơn đặt hàng đã được ký kết cung cầu các mặt hàng nông sản và đặc sản trong tỉnh. Bên cạnh, hàng năm có từ 3- 5 đợt tham gia hội chợ trong, ngoài tỉnh cùng nhiều sàn giao dịch nông sản được tổ chức nhằm đưa nhà vườn gần hơn với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân cho biết thêm: “Sàn giao dịch nông sản giúp nhiều nhà vườn, tổ hợp tác, HTX trong toàn tỉnh tự giới thiệu sản phẩm đến với nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh nhằm để mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ hiệu quả thiết thực”.
Tham gia sàn giao dịch nông sản tại Vĩnh Long, ông Trương Hoàng Khen- Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Tín Thành ATC (An Giang), cho rằng hỗ trợ kỹ năng truyền thông, biết cách chào hàng cũng là một cách giúp bà con tìm đầu ra thuận lợi.
Và, nếu kiểm soát quy trình theo hướng an toàn tốt thì chắc chắn nông sản chủ lực của tỉnh sẽ tiến xa hơn.
Có mối liên hệ tiêu thụ sản phẩm với Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách- Bến Tre) góp ý rằng: Các HTX cần liên kết với nông dân, ký kết hợp đồng với công ty chặt chẽ, uy tín trong việc cung ứng những đơn hàng thì mới phát triển bền vững.
Bà nêu dẫn chứng thời gian qua, giá chôm chôm Java mua tại vườn lên đến 100.000 đ/kg, mừng cho nông dân, nhưng đáng tiếc cho các doanh nghiệp vì cạnh tranh không lành mạnh, khiến giá chôm chôm bị đẩy lên cao và đây chỉ là giá ảo.
Bà Giang Chheng Hương- Giám đốc Công ty TNHH Pan Ventures (TP Hồ Chí Minh)- thì cho rằng: “Nhà vườn cần sát cánh cùng doanh nghiệp giữ vững thị trường, không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ thị trường.
Chất lượng sản phẩm thôi chưa đủ, cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa mới tạo dựng chuỗi giá trị bền vững được”.
Để đảm bảo đầu ra cũng như nâng tầm nông sản chủ lực thì việc liên kết sản xuất, tiêu thụ là rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho rằng, ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm đến việc tổ chức các sàn giao dịch nông sản, các hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để giới thiệu với đối tác trong và ngoài tỉnh những sản phẩm chủ lực, qua đó tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân Vĩnh Long và các doanh nghiệp.l
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin