"Không phải đơn thuần là hiện tượng nữa mà nó là kỳ tích"- đó là nhận xét của TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ- khi nói về cá tra Việt Nam hiện xuất khẩu sang 150 thị trường thế giới, kim ngạch năm 2017 ước 1,4 tỷ USD.
“Không phải đơn thuần là hiện tượng nữa mà nó là kỳ tích”- đó là nhận xét của TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ- khi nói về cá tra Việt Nam hiện xuất khẩu sang 150 thị trường thế giới, kim ngạch năm 2017 ước 1,4 tỷ USD.
Cá tra đồng bằng không đơn thuần là phi lê đông lạnh “xuất thô”, mà hiện còn chế biến được hàng trăm món, vào tận nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tiềm năng con cá vùng châu thổ
Ngược thời gian từ những năm đầu thế kỷ XX, nuôi cá trong ao mới bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng Nam Bộ. Hầu như nhà nào cũng có một vài ao lớn nhỏ. Và đối tượng nuôi chính là cá tra, bởi dễ chăm sóc và thịt thơm ngon.
Việc phát triển nghề nuôi cá tra khu vực này đã góp phần duy trì nguồn thực phẩm chính yếu và có mặt trên thị trường quanh năm.
Cá tra được chế biến rất nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng tại Mekong Chef 2017 vừa qua. |
An Giang và Đồng Tháp do có nguồn cá giống dồi dào nên nghề nuôi phát triển mạnh. Khi mô hình nuôi cá bè từ biển Hồ (Campuchia) du nhập, được bà con nơi đây cải biến, bổ sung thành nghề nuôi hoàn chỉnh.
Đây là cơ sở xã hội vững chắc cùng lực lượng lao động nghề cá đủ sức đáp ứng nhu cầu cho thị trường xuất khẩu.
Cuối những năm 1980, con cá tra bắt đầu rời những làng bè vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu mở màn cho chuyến ngao du trời Tây.
Ông Võ Đông Đức- Tổng Giám đốc Công ty Caseamex (Cần Thơ), kể lại: Tại ĐBSCL lúc đó chỉ có 2 đơn vị đi đầu trong việc chế biến, đưa mặt hàng cá phi lê ra nước ngoài là 2 Công ty Agifish và Angitexim của tỉnh An Giang.
Khi mặt hàng này được ưa chuộng, giá cả tương đối hấp dẫn thì các công ty bắt đầu mở rộng mạng lưới thu mua, chế biến. Vùng đầu nguồn Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng mở rộng làng bè, có lúc lên đến hàng ngàn chiếc mỗi nơi.
Trong lịch sử hình thành và phát triển ngành thủy sản, chưa có sản phẩm thủy sản nào đạt tốc độ tăng trưởng nhanh như mặt hàng cá tra. Chỉ khoảng 5.000ha, sản lượng nhiều năm đạt trên 1,2 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD.
Những năm gần đây, mặc dù sản phẩm cá tra bị đối xử không công bằng ở một số thị trường lớn nhưng với chất lượng và uy tín của mình, cá tra Việt Nam vẫn trụ vững và càng tỏ rõ sức cạnh tranh.
Đẩy mạnh chế biến cá tra
Kể từ ngày Hiệp hội Cá da trơn Hoa Kỳ khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá sản phẩm cá tra vào thị trường này, cá tra gặp không ít lao đao.
Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm “đường bơi” khác- đó là mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm từ cá tra.
Đây được xem là bước tiến dài trong ngành công nghiệp cá tra, khi ngày càng nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá “nhà quê” này.
Nhà hàng Enishi (Nhật Bản) tại Cần Thơ đang hướng tới đưa món cá tra vào thực đơn chính của nhà hàng. |
Theo ông Rosenberger- chuyên gia về công nghệ chế biến thực phẩm hàng đầu của Đức, cá tra Việt Nam hiếm khi được chào bán ở Châu Âu với dạng khác hơn là miếng phi lê cấp đông.
Cá tra Việt Nam có chất lượng tốt, sản lượng dồi dào, vậy làm sao để bán được giá tốt hơn?
Ông Rosenberger lấy ví dụ, từ cá tra phi lê nhập, doanh nghiệp chế biến Pháp đã làm ra sản phẩm Pangasius “Petit” nhãn hiệu “bofrost” mỗi phần ăn nặng 750g, phục vụ cả cho gia đình và nhà hàng, được bán với giá 12,95 euro.
Ông khuyến cáo: “Nếu Việt Nam thay đổi được ngành chế biến cá tra theo hướng tinh chế thì chắc chắn giá trị này sẽ tăng cao”.
Hiện chưa có tài liệu nào thống kê được bao nhiêu món ăn được chế biến từ cá tra, nhưng theo tìm hiểu chúng tôi, con số này vượt hơn 100 món.
Từ năm 2015, Hiệp hội Cá tra Việt Nam có sáng kiến tổ chức hội thi Mekong Chef nhằm giới thiệu hương vị đặc sắc từ loài cá mà dòng Mekong ban tặng, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại cho ngành hàng cá tra Việt Nam. Đến nay, cuộc thi vẫn được duy trì hàng năm.
Với nguồn nguyên liệu chính là cá tra, các đầu bếp trong và ngoài nước đã trổ tài chế biến thành hàng chục món ăn vô cùng độc đáo, chứng minh tính đa dạng trong ẩm thực của loài thủy sản chủ lực của vùng.
Ngày 16/12/2017, TX Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức khánh thành tượng đài cá tra được xây dựng tại TX Hồng Ngự. |
Đặc biệt, qua hội thi càng chứng minh cho người tiêu dùng thấy được giá trị dinh dưỡng, sự đa dạng và tiện dụng của sản phẩm cá tra cũng như tạo được lòng tin cho người tiêu dùng trong nước về sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho ngành hàng cá tra Việt Nam.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cá tra đã được xác định là sản phẩm chủ lực quốc gia, có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Gần đây, các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông, Brazil và Mexico có sức tăng trưởng nhanh cho thấy tính đa dạng, sự ưa thích rộng rãi đối với sản phẩm cá tra trên thế giới.
Tuy nhiên, trong khi thế giới yêu thích sản phẩm cá tra Việt Nam, thì hiện vẫn còn không ít người Việt chưa biết đến sản phẩm này do công tác xúc tiến thương mại chỉ tập trung vào các thị trường xuất khẩu.
Đại bộ phận người Việt sử dụng sản phẩm cá tra chủ yếu chế biến các món ăn truyền thống như: cá tra nấu canh chua, cá tra kho hoặc cá tra nấu lẩu mắm,...
Do đó, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước bằng các hoạt động ẩm thực có ý nghĩa vô cùng to lớn và rất cần thiết.
Khi sản phẩm cá tra trở nên đa dạng và phong phú, với nhiều cách chế biến đặc sắc mang đậm nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam, chắc chắn sẽ góp phần thu hút phát triển du lịch ẩm thực, tạo điều kiện tiêu thụ tại chỗ và quảng bá những sản phẩm cá tra chế biến theo kiểu Việt Nam ra quốc tế.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin