Dưa ngại mưa, lúa lo vàng lùn

01:02, 06/02/2018

Hiện nay, nhiều nông dân huyện Bình Tân đang tập trung chăm sóc mùa dưa hấu tết. Những cơn mưa trái mùa gần đây tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của dưa hấu nhưng cũng khiến nhiều nông dân lo lắng.

Hiện nay, nhiều nông dân huyện Bình Tân đang tập trung chăm sóc mùa dưa hấu tết. Những cơn mưa trái mùa gần đây tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của dưa hấu nhưng cũng khiến nhiều nông dân lo lắng. Sản xuất nông sản tuy đang mùa thuận nhưng cũng không thể chủ quan khi thời tiết ngày càng bất thường.

Mặc dù gặp mưa trái mùa nhưng dưa hấu ở Bình Tân đến nay vẫn thuận mùa và giá tốt.
Mặc dù gặp mưa trái mùa nhưng dưa hấu ở Bình Tân đến nay vẫn thuận mùa và giá tốt.

Dưa hấu ngại mưa trái mùa

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, trong vụ Đông Xuân 2017- 2018, bà con gieo trồng được trên 409ha dưa hấu, trong đó có trên 360ha sẽ thu hoạch vào dịp tết.

Trong đó, giống dưa để ăn (Thành Long, Hắc Mỹ Nhân, Kim Mỹ Nhân) được bà con trồng nhiều nhất- chiếm 77% diện tích, còn lại là dưa chưng gồm các giống Bio, Thần Nông và dưa truyền thống giống An Tiêm.

Tuy nhiên, trong thời gian từ khi bắt đầu xuống giống đến nay thường xảy ra những cơn mưa trái mùa khiến bà con không khỏi lo lắng, đáng chú ý là đúng lúc dưa hấu đang ở giai đoạn chụp nụ, hình thành trái mà bị ảnh hưởng của mưa trái mùa thì thiệt hại không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng dưa hấu khi thu hoạch.

Theo ông Phạm Văn Bé Ba (ấp Hưng Hòa, xã Tân Hưng), dưa hấu rất nhạy cảm với dịch bệnh, nhất là thời tiết có mưa, sương mai, đặc biệt là mưa nắng đan xen sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến bộ rễ cũng như quá trình phát triển của dây và trái.

Những ngày gần đây, mưa trái mùa xuất hiện vào thời điểm nông dân cắt nước để tăng vị ngọt cho dưa và bảo quản được lâu, nên khiến nhiều hộ lo lắng. Rất may, do lượng mưa ít và không kéo dài nên chưa ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái.

Theo ngành nông nghiệp huyện, thời tiết hiện tại rất thuận lợi cho rau màu phát triển tốt- nhất là dưa hấu. Trung bình mỗi công dưa hấu thương phẩm cho năng suất 3- 4 tấn, dưa chưng từ 5- 6 tấn.

Đặc biệt giống chưng gốc ghép bầu năng suất có thể đạt 7- 8 tấn/công. Giá dưa hấu thương phẩm được thương lái thu mua tại ruộng hiện nay 5.000 đ/kg, nếu giá này được giữ ổn định đến Tết Nguyên đán, sẽ hứa hẹn một vụ dưa tết phấn khởi.

Lo vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa Đông Xuân

Đến nay, diện tích lúa Đông Xuân 2017- 2018 toàn tỉnh xuống giống 56.154ha, lúa đã thu hoạch 10.755ha, năng suất trung bình đạt 5,7 tấn/ha. Bên cạnh đó, lúa Hè Thu sớm đã xuống giống 10.755ha ở 2 huyện Mang Thít và Vũng Liêm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) dự báo sinh vật gây hại trên cây lúa trong thời gian tới, rầy nâu có thể nhiễm nhẹ trên trà lúa vụ Đông Xuân và tuần tới trên đồng chủ yếu rầy tuổi 4- 5.

Do đó nông dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên và theo dõi mật số rầy để kịp thời đưa nước vào ruộng che chắn phần gốc lúa, hạn chế rầy chích hút cây lúa truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và bệnh này lá sẽ gia tăng diện tích nhiễm nhẹ trong thời gian tới do trà lúa giai đoạn đòng trổ trên đồng.

Đối với những diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần nhổ bỏ những bụi lúa bệnh mang ra khỏi ruộng đồng thời theo dõi sát tình hình rầy nâu hiện diện trên ruộng để có biện pháp phòng trị kịp thời nhằm hạn chế lây lan và phát tán mầm bệnh sang các khu vực lúa lân cận.

Trên lúa Hè Thu sớm, cần theo dõi mật số rầy di trú để có biện pháp che chắn nước kịp thời hạn chế rầy chích hút và truyền bệnh.

Hiện tại ngoài đồng, rầy nâu chủ yếu tuổi 3- 4 mật số thấp, chỉ phun thuốc hóa học khi rầy tuổi 2- 3 và mật số rầy trên 2.000 con/m2 bằng thuốc có tác động chống lột xác theo nguyên tắc “4 đúng”.

Đối với lúa giai đoạn mạ- đẻ nhánh nên đưa nước vào che chắn rầy kết hợp với phun thuốc chống lột xác.

Đối với lúa trổ- chín về sau không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong nhiều nội dung chỉ đạo công tác trọng tâm của ngành trong tháng 2, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT lưu ý: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt lưu ý đối với rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, hướng dẫn người dân giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa giảm năng suất lúa do mưa trái mùa, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu phục vụ tết nguyên đán.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh