Cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững

07:02, 16/02/2018

Giờ đây ở Mang Thít, nếu bàn chuyện trồng cây gì, con gì thì đều râm ran về những cây con giống mũi nhọn, có hiệu quả kinh tế cao và là sự lựa chọn để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Giờ đây ở Mang Thít, nếu bàn chuyện trồng cây gì, con gì thì đều râm ran về những cây con giống mũi nhọn, có hiệu quả kinh tế cao và là sự lựa chọn để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Vận động các hộ trồng thanh long vào tổ hợp tác, HTX là hướng đi bền vững. Ảnh VINH HIỂN
Vận động các hộ trồng thanh long vào tổ hợp tác, HTX là hướng đi bền vững. Ảnh VINH HIỂN

Chuyển đổi cây- con hiệu quả

Dọc theo một số tuyến đường tỉnh, đường huyện, ngang qua các xã An Phước, Chánh An, Mỹ Phước, Hòa Tịnh, sẽ thấy rất nhiều vườn thanh long trĩu trái. Mấy năm gần đây, cây thanh long được xem là một giải pháp thay thế vườn tạp hay đất “hoang hóa” của người dân Mang Thít.

Những vườn thanh long có quy mô lớn được đầu tư đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Những vườn thanh long có quy mô lớn được đầu tư đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, Mang Thít hiện có khoảng 73ha cây thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Riêng tại xã An Phước đã thành lập được một kho lạnh để thu mua sản phẩm của nông dân.

Bà Cao Thị Đẹp- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT cho biết, diện tích trồng cây thanh long tăng mạnh từ vài năm nay.

Theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngoài 3 giống cây trồng chính là lúa, bưởi da xanh và khoai mỡ thì thanh long, sầu riêng, dừa, nhãn Edor là những loại cây tiềm năng mà huyện đang rất quan tâm.

Nếu như năm 2015, An Phước chỉ khoảng 25ha cây thanh long thì nay là hơn 40ha. Giờ đi đâu trong xã cũng thấy nhiều vườn thanh long mới mọc lên.

Bà Trần Thị Thân- Phó Chủ tịch UBND xã An Phước- cho biết, với giá bán tương đối ổn định, lợi nhuận khá là nguyên nhân để nhiều người chuyển đổi cây trồng, chuyển đất hoang, vườn tạp sang cây thanh long.

Phát triển diện tích trồng cây thanh long còn giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh VINH HIỂN
Phát triển diện tích trồng cây thanh long còn giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh VINH HIỂN

 “Việc trồng thanh long là do nông dân thấy được hiệu quả kinh tế và địa phương tiếp sức khi vận động người dân vào tổ hợp tác hoặc thành lập HTX.

Đây cũng là hình thức tự chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, góp phần vào công tác cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương…”- bà Trần Thị Thân cho biết.

Trong khi đó, diện tích trồng bưởi da xanh cũng liên tục tăng do hiệu quả kinh tế cao. Tại nhà anh Nguyễn Văn Tiễn (xã Chánh Hội), vườn tạp giờ đã được đầu tư trồng bưởi da xanh.

Anh Tiễn cho biết: “Từ vườn nhãn bị chổi rồng, bưởi lông hiệu quả thấp, hiện đã có khoảng 4 công bưởi da xanh cho trái.

Mặc dù tốn công chăm sóc, theo dõi sâu bệnh nhưng hiệu quả cao và thị trường đang ưa chuộng. Bước đầu đã cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm”.

Hiện nay, Chánh Hội là xã có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất huyện, nhiều vườn tạp kém hiệu quả đã được cải tạo, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung ở địa phương.

Phát triển “trúng” xu thế thị trường

Tìm đến mô hình sản xuất rau thủy canh của anh Ngô Hữu Anh Khôi ở xã Bình Phước mới thấy được sự nỗ lực cũng như quyết tâm làm nông nghiệp sạch của anh.

Từ bỏ công việc có thu nhập ổn định, anh cùng vợ quyết tâm sản xuất rau thủy canh sau nhiều lần tham quan các mô hình tương tự.

Hiện nay, mô hình của anh Khôi có diện tích 1.000m2, vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, đây là một trong những mô hình sản xuất rau an toàn có quy mô lớn nhất huyện.

Anh Ngô Hữu Anh Khôi với mô hình sản xuất rau thủy canh.
Anh Ngô Hữu Anh Khôi với mô hình sản xuất rau thủy canh.

Anh Khôi cho biết, hiện nay đang trồng 5 loại rau, thị trường tiêu thụ là các siêu thị và được người tiêu dùng đón nhận. “Hiện vườn rau thuỷ canh cũng đã được cấp giấy chứng nhận và được cấp phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Qua đó cũng cho thấy mô hình phù hợp với xu hướng phát triển chung. Đặc biệt là phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”- anh Khôi còn cho biết thêm- “Hiện nay mô hình của anh được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn của rau sạch hiện nay…”

Theo Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thực tế là hầu hết các mô hình đầu tư sản xuất đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2017, toàn huyện đã tổ chức 93 cuộc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn khuyến nông, mở 6 lớp dạy nghề nông thôn. Song song đó, triển khai thực hiện mới 26 dự án với tổng kinh phí đầu tư trên 4,1 tỷ đồng.

Định hướng phát triển và thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lãnh đạo huyện cho biết đã định hình các giải pháp để thực hiện đề án có hiệu quả và bền vững.

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên cho biết: Ở lĩnh vực trồng trọt, sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, từng bước thiết lập tổ chức sản xuất và khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, sẽ xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực là lợi thế địa phương để tập trung đầu tư, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô, giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả…

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên cho rằng, để nông nghiệp phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng thì thời gian tới sẽ phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó chấn chỉnh công tác cấp phép, cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh