Ở các tỉnh phía Nam, thường bưởi Năm Roi thu hoạch chính vụ vào tháng 9-10 dl (nhằm khoảng tháng 8-9 âl), nhưng hiện nay đa số nông dân đã biết cách điều khiển bưởi ra trái bán quanh năm, nhất là có thể neo trái để bán trùng vào dịp Tết Nguyên đán để được giá cao hơn.
Ở các tỉnh phía Nam, thường bưởi Năm Roi thu hoạch chính vụ vào tháng 9-10 dl (nhằm khoảng tháng 8-9 âl), nhưng hiện nay đa số nông dân đã biết cách điều khiển bưởi ra trái bán quanh năm, nhất là có thể neo trái để bán trùng vào dịp Tết Nguyên đán để được giá cao hơn.
Tuy nhiên, do tập trung vào vụ trái tết nên một số vườn cây bị suy kiệt sau khi thu hoạch. Vì vậy, rất cần cách chăm sóc phục hồi nhằm duy trì ổn định sự phát triển của vườn cây cho những vụ trái tiếp theo.
Sau thu hoạch, cần tỉa cành và bổ sung dinh dưỡng cho cây bưởi Năm Roi. |
Tỉa cành tạo tán đúng kỹ thuật
Do năng suất thực vật nói chung và của cây bưởi Năm Roi nói riêng được hình thành từ bộ lá để tiến hành quang hợp chuyển năng lượng mặt trời thành các vật chất hữu cơ nên tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng ổn định ở những vụ trái tiếp theo.
Đối với cây bưởi Năm Roi, muốn có năng suất cao thì diện tích lá phải lớn và giảm thiểu được việc các lá che lẫn nhau, muốn vậy phải bằng mọi cách kích thích cây ra chồi, lá mới mà tạo cành tỉa tán là cách làm không thể thiếu và tùy vào tuổi cây để có những cách tỉa cành tạo tán phù hợp.
Đặc biệt, hiện nay sau khi thu hoạch lứa trái bán dịp tết thì trên cây bưởi vẫn còn mang nhiều lứa trái nhỏ có thể thu hoạch sau đó một vài tháng và có khi cây đang trong giai đoạn ra hoa.
Do đó, tỉa cành như thế nào để có thể vừa kích thích cho cây bưởi đâm đọt mới lại vừa có thể giữ được trái và bông của những lứa tiếp theo là rất cần thiết.
Nguyên tắc chung là cần cắt bỏ hết cành nhỏ, cành bị che khuất, cành bị sâu bệnh, cắt bớt những cành vượt quá cao hay cắt những cành vươn quá ra ngoài tán để kích thích cho cây ra chồi mới, đồng thời sửa tán cây lại cho tròn đều.
Đối với những cây đang còn mang trái hoặc có cành đang ra hoa thì chỉ cần cắt sửa một ít cành trong tán, một ít cành ngoài tán, chỉ cắt bỏ những cành già, cành bị sâu bệnh và cành bị suy kiệt.
Không cắt bỏ cành đang ra hoa hoặc cành đang mang trái có thể cho thu hoạch trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc tỉa cành tạo tán còn tùy thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm tỉa lại có 1 năm tỉa định hình lại tán làm sao cho tán phù hợp với sự phát triển bộ rễ.
Nếu cây trồng cách nhau 6m thì chiều cao cây tối đa cũng không quá 6m cho dễ chăm sóc.
Do đây là mùa khô ở các tỉnh phía Nam nên sau khi tỉa cành, tạo tán chỉ cần bón thêm phân, tưới nước thì chồi và đọt non sẽ đâm bật ra ngay và nhiều hơn, từ đó lứa trái sau sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.
Chăm bón dinh dưỡng cho cây sau thu hoạch
Sau một vụ nuôi trái, nhất là đối với những trường hợp nhà vườn neo trái trên cây để chờ bán dịp tết thì cây gần như kiệt quệ nên sau khi thu hoạch; cần nhanh chóng giúp cây phục hồi bằng cách bón phân sau khi tỉa cành tạo tán.
Mặt khác, cũng như cành lá, sau một thời gian bộ rễ của cây cũng bị già đi, thương tổn và cần có những tác động để kích thích bộ rễ phát triển mới.
Trong đó, lân, chất hữu cơ và vôi là những yếu tố rất cần thiết cho yêu cầu này, bởi vậy sau khi thu hoạch phải bón vôi, phân hữu cơ kết hợp với lân.
Vôi (CaO) có tác dụng làm giảm độ chua, phóng thích các dinh dưỡng (nhất là lân) bị keo đất giữ chặt, cải thiện kết cấu của đất nên được sử dụng chung với phân hữu cơ và lân.
Ngoài ra, để việc bón phân hữu cơ có hiệu quả, tùy theo điều kiện có thể bón theo rãnh hình chiếu tán cây hoặc có thể bón phủ cả mặt liếp rộng ra cả vườn.
Trước lúc bón cần dùng cuốc 3 chia cuốc lật đất lên, trộn chung cả 3 loại trên, rải đều rồi xới đất lại để vùi phân vào đất.
Việc cuốc đất lên sẽ làm cho đất thoáng khí, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy phân. Nếu trường hợp không cuốc lật đất lên được thì sau khi bón 3 loại phân trên, cần bồi lớp bùn mỏng từ việc vét bùn dưới mương lên để giúp phân được giữ lại trong đất khi tưới nước sau này.
Về liều lượng bón: nếu dùng phân chuồng (đã ủ hoai mục) nên bón từ 10-12 tấn/ha, nếu dùng phân hữu cơ công nghiệp (chất hữu cơ 18-20%) nên dùng khoảng 2 tấn/ha, lân supe dùng khoảng 1 tấn/ha, vôi 0,5-1 tấn/ha.
Sau khi bón vôi, lân và phân hữu cơ khoảng 10- 15 ngày, cần bón thêm các dạng phân khoáng NPK để cây hấp thu, đâm tược mới.
Lúc này cây cần hàm lượng đạm và lân cao, nên có thể bón các dạng phân DAP như 25-15 (bm-Đức), 18-46-0, 23-23-0.
Trường hợp vườn cây còn đang mang trái hoặc đang ra hoa thì bón các dạng phân NPK 20-10-10, 30-10-10, 20-20-15 TE.... với liều lượng từ 400 đến 600 gr/cây hay từ 300 đến 500 kg/ha tùy vào độ tuổi của cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Công việc đầu tiên sau thu hoạch là phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom các tàn dư thực vật và những trái bị hư thối ra khỏi vườn và chôn vào hố để sau này có thể sử dụng bón lại cho vườn cây.
Sau khi cắt tỉa cành, tạo tán cũng phải thu gom dọn dẹp những cành được cắt xuống một lần nữa. Khi vườn cây hồi phục, nhú chồi mới cũng là lúc lứa sâu bệnh mới tấn công vườn.
Với sâu hại cần chú ý kiểm tra sự xuất hiện và gây hại của rầy mềm, nhện đỏ, rệp sáp, sâu ăn lá, sâu vẽ bùa, sâu đục trái… Nhóm bệnh hại cần chú ý là các loại bệnh như ghẻ, loét, đốm rong, thối gốc, xì mủ…
Bởi vậy sau khi cây nhú đọt non, cần kiểm tra vườn thường xuyên, nhằm sớm phát hiện và phòng trị. Đặc biệt, sau khi bón phân hữu cơ, tưới nước thì một số bệnh rễ cũng có nguy cơ bộc phát. Đáng chú ý là bệnh vàng lá thối rễ do nấm Phytopthora và Fusarium solani, bệnh thán thư,…
Ngoài những vấn đề nên trên, cần quản lý cỏ, không để cho chúng cạnh tranh dinh dưỡng với cây bưởi nhưng không cần thiết phải làm sạch cỏ mà có thể cắt để tạo lớp che phủ đất liếp trong mùa nắng hoặc có thể trồng cây che phủ đất giữ ẩm, hạn chế cỏ dại.
Thăm vườn thường xuyên, tỉa bỏ các cành vượt, cành sâu bệnh. Tỉa bớt hoa quả nếu chúng ra quá nhiều, làm cho bưởi dễ bị kiệt sức. Sau những lứa thu hoạch trái, cần tiếp tục duy trì chăm sóc và bón phân cho cây. Nhất là sau đậu trái 1- 2 tuần, cần bổ sung chất dinh dưỡng và các nguyên tố trung- vi lượng đầy đủ để nuôi trái.
Bưởi Năm Roi là loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế khá cao của tỉnh Vĩnh Long và một số tỉnh vùng ĐBSCL. Từ lâu, trái bưởi Năm Roi đã nổi tiếng về chất lượng với đặc điểm hình quả lê, khi chín có màu vàng xanh rất tươi, trọng lượng khoảng 1,2-1,4 kg/trái, vỏ mỏng, ruột trắng, ít hạt hoặc không hạt, thịt mềm, nhiều nước, vị ngọt hơi chua, có mùi thơm, có thể bảo quản được khá lâu (khoảng trên 2 tháng) nên bưởi Năm Roi được người dân Việt Nam, nhất là dân Nam Bộ chọn là 1 trong 5 loại trái cây trong mâm ngũ quả chưng cúng trong dịp Tết Nguyên đán. |
Bài, ảnh: ThS. Nguyễn Văn Liêm (Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin