Hiện nay, nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm và chấp nhận mua với giá cao, tuy nhiên nông sản thật sự an toàn có mặt trên thị trường rất ít.
Hiện nay, nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm và chấp nhận mua với giá cao, tuy nhiên nông sản thật sự an toàn có mặt trên thị trường rất ít.
Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt Mekong dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền sấy dẻo trái cây. Trong ảnh: Dây chuyền sơ chế nông sản của công ty đã đi vào hoạt động hơn một năm nay. |
Giải pháp liên kết cung- cầu giữa doanh nghiệp với các nhà vườn, trang trại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đang được xúc tiến tích cực, tạo cơ hội tốt cho đầu ra nông sản.
Vừa qua, dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây củ cải trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại ấp Long Hòa 2 (xã Long Mỹ- Mang Thít) đã được Trung tâm Chất lượng nông- lâm- thủy sản vùng 6 tổ chức đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Dự án trên do Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long) triển khai trên diện tích 10ha tại tại ấp Long Hòa 2 (xã Long Mỹ- Mang Thít) với 24 hộ dân tham gia.
Tại buổi hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản mới đây, Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt Mekong (có trụ sở tại Vĩnh Long) đặt hàng một số sản phẩm nông sản an toàn của Vĩnh Long, trong đó mở ngỏ khả năng thu mua sản phẩm tại vùng nguyên liệu vừa được chứng nhận VietGAP này.
Ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mang Thít- cho biết: Ngoài củ cải trắng được chứng nhận VietGAP, Mang Thít hiện có 5 tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh đảm bảo an toàn, khoai mỡ ở Long Mỹ cũng có khoảng 30ha đủ điều kiện sản xuất an toàn.
Trong năm 2018, Mang Thít dự kiến sẽ được chứng nhận VietGAP một số diện tích sầu riêng ở xã Chánh An và khoai mỡ ở xã Long Mỹ. Đây có thể được xem là nguồn nguyên liệu quan trọng để cung cấp sản phẩm chất lượng cho các doanh nghiệp thu mua, đáp ứng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Để thắt chặt mối liên kết hợp tác, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng ngoài việc ký kết hợp đồng cụ thể, doanh nghiệp cần thu mua từ 80% sản lượng nông sản trở lên tại mỗi đầu mối cung cấp để nhà vườn yên tâm sản xuất và cung ứng sản phẩm.
Bởi hiện tại công ty thu mua chỉ tuyển mua nông sản loại I (chỉ khoảng 30% sản lượng) thì rất khó cho nhà vườn vì như vậy thì sản phẩm loại 2, 3 sẽ rất khó bán.
Đồng tình ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác (Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh)- thêm rằng, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo vùng nguyên liệu ổn định và bền vững, làm được điều này thì các bên đều có lợi.
Ông cũng là một nhà vườn trồng chanh không hạt nhưng thời gian qua ông không thể bán cho công ty vì số lượng thu mua hạn chế và còn tuyển lựa khá kỹ nên ông rất khó bán sản phẩm của mình theo cách đó.
Do đó, doanh nghiệp cần thông tin giá sớm hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ để nhà vườn an tâm sản xuất và cung cấp sản phẩm ổn định cho doanh nghiệp.
Nhà vườn Nguyễn Văn Nhật- Tổ hợp tác bưởi da xanh Vũng Liêm- cho biết hiện tổ hợp tác sản xuất 69ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng tháng cung cấp nguồn hàng ổn định từ 40- 50 tấn trái. Hiện tổ hợp tác chủ yếu bán bưởi cho thương lái và nhà vườn nơi đây chỉ việc “coi cân và tính tiền”.
Với mong muốn tạo mối liên kết cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ông Nhật yêu cầu doanh nghiệp cần thu mua bưởi hết vườn chứ không thể chỉ chọn mua bưởi loại I.
Được vậy thì tổ hợp tác sẵn sàng cung cấp nguồn hàng lâu dài cho công ty với sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Khoa học nông nghiệp Việt Mekong- cho biết: Bên cạnh việc duy trì và mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông sản tại Vĩnh Long, hướng tới công ty sẽ khảo sát vùng trồng 1- 2 loại trái cây có sức tiêu thụ lớn như ổi Đài Loan, chanh không hạt, phối hợp với cơ quan chuyên môn chọn 2- 5ha đất trồng liền canh làm điểm sản xuất theo quy trình VietGAP. Công ty có thể bao tiêu sản phẩm của các mô hình này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn nhà vườn sản xuất nông sản theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, thu hoạch đúng cách, đáp ứng nhu cầu có được sản phẩm an toàn, đạt năng suất và chất lượng cao.
Riêng việc thu mua cũng sẽ được mở rộng đối với mặt hàng rau củ quả cũng như nâng cao năng lực thu mua từ 4- 5 tấn/ngày lên 10 tấn/ngày và tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới.
Hiện doanh nghiệp cũng đang xúc tiến đầu tư khâu chế biến nông sản, cụ thể là thiết bị sấy dẻo trái cây để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản sau thu hoạch, hạn chế bán sản phẩm thô.
Theo bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), việc phát triển khâu sấy dẻo trái cây của doanh nghiệp là một hướng đi đầy triển vọng, bởi đây là điều kiện tốt để tiêu thụ nhiều chủng loại và sản lượng nông sản hơn, góp phần tạo đầu ra nông sản tốt hơn.
Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân thông tin thêm, Vĩnh Long hiện có trên 20 mô hình sản xuất nông sản đạt chuẩn an toàn hoặc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đây sẽ là vùng nguyên liệu giàu tiềm năng để doanh nghiệp thu mua đáp ứng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, cam sành, khoai lang, chôm chôm của tỉnh vẫn chưa tiếp cận được với một số doanh nghiệp là điều đáng tiếc.
Ở góc độ chuyên môn, bà cho rằng ngành nông nghiệp tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp nông sản ổn định cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin