Huyện Tân Phước (Tiền Giang) là nơi có vùng chuyên canh khóm lớn nhất khu vực ĐBSCL, với khoảng gần 16.000ha, sản lượng 260.000 - 300.000 tấn/năm, phục vụ tiêu thụ nội địa và chế biến, xuất khẩu.
Huyện Tân Phước (Tiền Giang) là nơi có vùng chuyên canh khóm lớn nhất khu vực ĐBSCL, với khoảng gần 16.000ha, sản lượng 260.000 - 300.000 tấn/năm, phục vụ tiêu thụ nội địa và chế biến, xuất khẩu.
Nếu như thời điểm này những năm trước khóm được giá, thì năm nay giá khóm sụt giảm. Ông Đặng Văn Hòa, canh tác tới 20ha khóm ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, thở dài:
“Gần đây giá khóm tệ quá, thương lái mua khóm chín loại 1 chỉ còn 4.000 - 4.500 đồng/trái, khóm loại 2 giá 2.000 - 2.500 đồng/trái, khóm loại 3 giá 1.500 đồng/trái… giảm rất mạnh so với thời điểm cuối quý 2-2017. Với giá này, hầu như người trồng khóm không có lãi”.
Tại các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng (Kiên Giang), nông dân trồng khóm cũng kêu than vì giá thấp.
Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, cho biết, trước đây toàn huyện có hơn 5.000ha khóm, nhưng thời gian qua giá khóm lên xuống thất thường, các ruộng khóm lại không có doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu nên nông dân ào ạt bỏ khóm để trồng cây khác hoặc nuôi tôm…
Hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 1.500ha khóm, dự kiến diện tích còn giảm nếu giá khóm tới đây không cải thiện.
Thu hoạch khóm ở Hậu Giang |
Ở Hậu Giang, khóm Cầu Đúc là thương hiệu nổi tiếng, thế nhưng mấy ngày qua nông dân trồng khóm ở đây cũng chịu chung cảnh ngộ.
Theo UBND xã Hỏa Tiến, toàn xã có hơn 1.000ha khóm, chiếm hơn 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã; đồng thời là xã có cánh đồng khóm lớn nhất ở Hậu Giang.
Từ nhiều năm qua, khóm Cầu Đúc đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân Hỏa Tiến, vì vậy khi giá khóm sụt giảm đã khiến đời sống bà con bị ảnh hưởng.
Nói về nguyên nhân khóm giảm giá, ông Nguyễn Văn Lâm, thương lái thu mua khóm ở Hậu Giang cho rằng, thời điểm này đang vào mùa thuận nên khóm ở Hậu Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL tới đợt thu hoạch khá nhiều.
Sản lượng khóm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng, chưa kể tình hình xuất khẩu không cao… từ đó dẫn tới giá khóm giảm.
“Nếu như trước đây khóm giúp nông dân thu lãi khoảng 30 - 50 triệu đồng/ha/năm, nay lợi nhuận teo tóp, riêng những hộ canh tác kém hiệu quả, chi phí cao thì chịu lỗ”, ông Nguyễn Văn Lâm, nhận xét.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 1.800ha khóm, tập trung nhiều nhất ở xã Hỏa Tiến.
Tỉnh khuyến cáo người dân áp dụng kỹ thuật cho khóm rải vụ nhằm tránh thu hoạch đồng loạt vào mùa thuận để hạn chế tình trạng rớt giá, đồng thời tỉnh cũng vận động nông dân trồng khóm vào tổ hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi trong quy hoạch vùng khóm tập trung, dễ dàng đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ…
Qua đó, đã có HTX Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến) ra đời với 75 thành viên, diện tích canh tác khóm 160ha, sản lượng khóm cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 tấn/năm. Sản xuất liên kết sẽ là hướng đi tất yếu trong thời gian tới…”
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin