Anh Trương Tuấn Anh (32 tuổi, ngụ ấp Phước Bình, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) đang sở hữu hàng chục ngàn chậu lan rừng từ nhiều quốc gia trên thế giới với gần 150 loài đã được anh thuần dưỡng.
Anh Trương Tuấn Anh (32 tuổi, ngụ ấp Phước Bình, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) đang sở hữu hàng chục ngàn chậu lan rừng từ nhiều quốc gia trên thế giới với gần 150 loài đã được anh thuần dưỡng.
Lan rừng có hoa nở hình con chuột. |
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tuấn Anh đã đam mê hoa lan. Khi đang học năm thứ 3 chuyên ngành thú ý của Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, anh tạm ngưng giữa chừng trở về gia đình đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật bản.
Sau 3 năm trở về, có số vốn, Tuấn Anh bắt tay ngay vào trồng và kinh doanh hoa lan. Ban đầu anh mua những loại lan thường có ở Việt Nam, sau đó anh tìm hiểu các loại lan mới lạ ở các nước như Thái Lan và Đài Loan.
Cuối tháng 10/2010, anh một thân một mình sang Thái Lan để tham quan, tìm hiểu mô hình trồng lan ở nơi đây. Tuấn Anh nói: “Ở Thái Lan họ trồng lan rất quy mô, từ hàng hecta trở lên. Đi tham quan trang trại phải đi bằng xe đạp, nhưng vẫn chưa giáp.
Trong đó, họ lai tạo rất nhiều loại hoa từ loài lan rừng cho hoa rất lộng lẫy nên đã học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu mê nghiên cứu lan rừng từ đó”.
Tại Việt Nam, Tuấn Anh đã lặn lội khắp nơi, tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm ở các bậc "tiền bối" chơi lan để sưu tầm các loại hoa lan rừng về nghiên cứu.
Năm 2013, anh đã mở rộng vườn lan xung quanh nhà với diện tích khoảng 1.000m2, tăng hàng ngàn chậu với khoảng 100 loài hoa rừng các loại.
Vườn lan được phun tưới tự động. |
Ngoài việc vượt rừng lội suối trong những cánh rừng ở Việt Nam để tìm hiểu các loại lan rừng, anh còn lên mạng mua các loại lan rừng của khoảng 10 nước trên thế giới.
Có lần chính anh tham gia đấu giá một cây lan rừng ở Mỹ, để sở hữu được cây lan quý hiếm.
Đến với vườn lan của anh Tuấn Anh, nhiều người ngỡ ngàng với những loại hoa độc lạ, mang hình thù của nhiều con vật như chuột, vòi voi, thỏ…
Có nhiều loại lan rừng được anh thuần dưỡng từ loại hoa có độ cao hàng trăm mét so với mặt nước biển. Từ loài lan chỉ mỗi năm nở 1 lần, ở nhiệt độ khác nhau, nhưng được anh thuần dưỡng kéo dài thời gian ra hoa hoặc hoa ra nhiều mùa trong năm.
“Vườn lan nhà đã thuần dưỡng được rất nhiều loại hoa lan rừng chính gốc có độ cao từ 900m so với mặt biển trở xuống. Tôi đang thử nghiệm một số loại lan rừng có độ cao từ 900 mét so mặt biển trở lên, nhưng chưa có kết quả, phải chờ thời gian cho lan ra hạt để lai tạo giống địa phương để loại lan này thích nghi với khí hậu Việt Nam”, anh Tuấn Anh, phấn khởi.
Theo Tuấn Anh, để thuần dưỡng một loại lan rừng phải mất rất nhiều năm. Lai 1 đợt chỉ có 2 cặp với 4 dòng hoa. Sau khi thụ phấn hoa sẽ gieo trái rồi ươm hạt.
Sau đó, chuyển lên TPHCM nhờ các trung tâm ứng dụng để cấy mô vào chai. Sau khi cấy mô, trồng thêm từ 6 tháng đến 1 năm sẽ có cây con. Từ đó, ta sẽ dưỡng cây đến khi có hoa rồi chọn lựa những loại hoa đẹp, nở lâu, sức sống khỏe và thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất.
Nói về thu nhập, anh Tuấn Anh khiêm tốn: “Vừa làm công việc của niềm đam mê, vừa phụ giúp được gia đình, kiếm thêm thu nhập.
Do trong quá trình còn đang nghiên cứu, lai tạo nên thu nhập hàng tháng cũng chỉ hơn chục triệu đồng". Hiện những loại lan được anh thuần dưỡng từ các loài lan rừng đã cho ra thị trường.
Lan rừng thuần dưỡng của anh được đi khắp cả nước, nhiều nhất là miền Đông Nam bộ trở ra Bắc. Bởi sự ưa chuộng của họ rất thích hoa lan rừng nhờ hoa đẹp, lạ và sức sống mạnh mẽ.
Tuấn Anh vừa đầu tư trên 300 triệu đồng để mở rộng thêm nhà mát với giàn lưới rộng khoảng 600m2 để dự trữ lan cấy mô với hàng chục ngàn chậu. Hiện Tuấn Anh đã lập trang web và thường xuyên mua bán lan hoa mạng.
Ông Trần Trung Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa, nhận xét: “Anh Tuấn Anh là một chàng trai trẻ nhưng có niềm đam mê học hỏi và yêu thích thuần dưỡng lan rừng.
Anh cũng đã hỗ trợ và hướng dẫn cho nhiều thanh niên ở địa phương kỹ thuật trồng lan. Đây là một trong những mô hình hay, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình vừa góp phần tăng thu nhập trong các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của xã".
Bài, ảnh: BÁ HÙNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin