Ủ rơm, thân bắp làm thức ăn chăn nuôi không những giúp nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, kéo dài thời gian dự trữ mà còn nhằm thích ứng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khiến khan hiếm nguồn thức ăn gia súc. Mô hình đang được triển khai tại xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn).
Ủ rơm, thân bắp làm thức ăn chăn nuôi không những giúp nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, kéo dài thời gian dự trữ mà còn nhằm thích ứng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khiến khan hiếm nguồn thức ăn gia súc. Mô hình đang được triển khai tại xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn).
Mô hình ủ rơm của hộ anh Lê Quốc Danh ở ấp Vĩnh Khánh 1 (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn). |
Đây là dự án do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ người chăn nuôi sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn.
Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi (thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) chủ trì phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long thực hiện dự án từ tháng 6/2017 tại 3 ấp của xã Vĩnh Xuân với 30 hộ chăn nuôi bò.
Theo đó, dự án hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật ủ rơm và thân bắp làm thức ăn chăn nuôi.
Tham gia mô hình, ông Võ Văn Đăng (ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân) đã ủ cả rơm và thân bắp để làm thức ăn chăn nuôi. Ông cho biết, trước đây chỉ cho bò ăn cỏ và rơm khô.
Cỏ ngày càng khó kiếm hơn nên ông dự trữ nguồn rơm khi thu hoạch lúa để cho bò ăn dần. Khi tham gia mô hình, ông được hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm và cả thân bắp làm thức ăn cho bò, ông rất phấn khởi vì có thể tận dụng nguồn phụ phẩm này để làm thức ăn cho bò mà dinh dưỡng ngang ngửa với rơm.
Hộ chăn nuôi Lê Văn Son (ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân) cho biết, rơm ủ thì bò vẫn ăn bình thường, không kén lựa, trong khi rơm ủ có lượng đạm tăng lên đáng kể và có thể dự trữ đến 7- 8 tháng thì rất thuận lợi cho người chăn nuôi.
Thân bắp được ủ mang lại giá trị dinh dưỡng không kém gì rơm. |
Còn anh Lê Quốc Danh (ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân) cho rằng sẽ tiếp tục tăng sản lượng rơm để ủ dự trữ từ những vụ sau cũng như vận động một số hộ chăn nuôi gần nhà áp dụng kỹ thuật ủ rơm để làm thức ăn cho bò thay vì chỉ cho bò ăn nguồn rơm khô như trước nay.
Theo đánh giá của TS. Đoàn Đức Vũ- Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi, thời gian qua, một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, đáng kể nhất là Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Vĩnh Long.
Ngoài Bến Tre và Trà Vinh là 2 tỉnh có tổng đàn bò khá lớn, Vĩnh Long và Sóc Trăng cũng chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn thức ăn thô vẫn chưa được giải quyết một cách khoa học và bền vững ở những địa phương này.
Chủ động trồng cỏ thâm canh, chế biến, bảo quản cỏ là giải pháp mang tính chiến lược để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò thịt, dê ở những khu vực này.
Cũng theo TS. Đoàn Đức Vũ, ngoài việc phát triển đồng cỏ thâm canh, việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn phụ phẩm cây trồng làm thức ăn cho đại gia súc cũng là giải pháp quan trọng.
Ví dụ như người chăn nuôi sử dụng các loại phụ phẩm như rơm lúa, thân bắp sau thu hoạch, ngọn mía, thân đậu các loại, lá khoai mì.
Tuy nhiên, việc sử dụng vẫn còn dừng lại ở việc cho ăn tươi hoặc phơi khô, làm cho số lượng sử dụng không nhiều, thời gian sử dụng trong năm không cao, giá trị dinh dưỡng nguồn thức ăn chưa được cải thiện.
Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương có diện tích một số cây trồng mà phụ phẩm của chúng có thể sử dụng làm thức ăn cho đại gia súc là rất cao.
Do đó, cần phát triển mạnh hơn nữa kỹ thuật chế biến, bảo quản các nguồn thức ăn này để góp phần giải quyết nguồn thức ăn thô trong chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Thời gian qua, các nghiên cứu của Viện Chăn nuôi và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam tập trung trên các đối tượng thức ăn thô và phụ phẩm nông nghiệp như cỏ xanh, rơm lúa, thân bắp, thân đậu, lá mì, ngọn mía, bã dứa…
Các kết quả đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết nguồn thức ăn thô cho đại gia súc.
Kỹ thuật ủ urea với cỏ khô hoặc rơm cũng đã được công nhận là biện pháp kỹ thuật cho phép phổ biến trong sản xuất.
Đề tài nghiên cứu phát triển nguồn thức ăn chăn nuôi thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái Việt Nam cũng đã xây dựng được các quy trình chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh, trong đó có cỏ, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác.
Hiện có nhiều nghiên cứu liên quan đến chế biến, bảo quản thức ăn thô cho đại gia súc. Trong đó, kỹ thuật ủ rơm với urea, ủ chua (lên men yếm khí) cỏ và nguồn phụ phẩm cây trồng có sử dụng men vi sinh là những công nghệ có tính khoa học và phù hợp trong điều kiện chăn nuôi nông hộ hiện nay.
Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi kiểm tra sản phẩm ủ rơm của hộ chăn nuôi tham gia mô hình tại xã Vĩnh Xuân. |
Qua thực tế kiểm tra mô hình tại xã Vĩnh Xuân mới đây, TS. Đoàn Đức Vũ đánh giá cao nhưng hộ tham gia mô hình đã tuân thủ áp dụng các biện pháp kỹ thuật được tập tuấn, hiệu quả bước đầu mang lại rất khả quan.
Hiện nguồn rơm ủ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, riêng nguồn nguyên liệu thân bắp còn ít cần tìm nguồn bổ sung. Dự án sẽ hỗ trợ người dân chi phí vận chuyển khi phải thu mua nguồn phụ phẩm này từ địa phương khác.
Theo ông Nguyễn Văn Lục- Trưởng Phòng Khuyến nông chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long) bên cạnh phối hợp hỗ trợ kỹ thuật, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi tìm nguồn thân bắp, góp phần làm phong phú thêm nguồn thức ăn trong điều kiện ngày càng khan hiếm, qua đó tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp này giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Bài, ảnh: LÊ LIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin