Sau vụ mang trái, vườn sầu riêng của tôi bị mất sức, cháy lá, rụng lá nhiều, cây sinh trưởng kém, một số cây bị chết. Bạn Nhà nông hướng dẫn cách chăm sóc để cây sớm phục hồi, đảm bảo năng suất vụ sau?
Sau vụ mang trái, vườn sầu riêng của tôi bị mất sức, cháy lá, rụng lá nhiều, cây sinh trưởng kém, một số cây bị chết. Bạn Nhà nông hướng dẫn cách chăm sóc để cây sớm phục hồi, đảm bảo năng suất vụ sau?
Phạm Văn Ninh
(Chánh An- Mang Thít)
Anh Ninh mến! Đầu tiên anh cần tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch giúp tạo thông thoáng vườn cây, hạn chế sâu bệnh phát triển, cây nhanh phục hồi sức khỏe để cho năng suất vụ sau. Bên cạnh đó, anh cần bón phân để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây ra đọt mới, phục hồi khả năng sinh trưởng sau thời gian mang trái.
Giai đoạn này cần bón nhiều đạm và lân, đồng thời, nên bổ sung phân hữu cơ nhằm mục đích cải tạo đất và tăng số lượng vi sinh vật có lợi trong đất giúp đất được tơi xốp và thông thoáng (sử dụng phân chuồng hoai mục với số lượng từ 10- 12 tấn/ha).
Ngoài ra, bón vôi để làm giảm độ chua, cải thiện kết cấu của đất nhất là những vườn đã bị nhiễm mặn. Tùy theo độ PH của đất có thể bón vôi với liều lượng 0,5 tấn- 1 tấn/ha.
Anh cần tưới đủ nước trong mùa khô nhưng cũng tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt trong mùa mưa vì trong điều kiện ngập úng các nấm có hại trong đất phát triển và tấn công bộ rễ sầu riêng làm rễ dễ bị thối. Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60- 80cm từ mặt liếp trong suốt năm.
Khi cho vụ trái năm sau, anh chỉ kích thích ra hoa khi cây sầu riêng khỏe mạnh, cây có khả năng mang trái, có đủ đọt. Chỉ nên phun hóa chất xử lý ra hoa lúc thật sự cần thiết kết hợp với đậy gốc bằng ny lông cho cây ra hoa tập trung và mở ny lông khi hoa sắp nở. Nên để trái với số lượng vừa phải tùy theo giống, kích thước tán cây và tình trạng sinh trưởng của cây. Khi cây có được đọt non anh nên chú ý quan sát sự xuất hiện rầy nhảy và bệnh thán thư, phun thuốc phòng trừ kịp thời.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin