Chuyện làm lúa không sử dụng thuốc trừ rầy và hạn chế thuốc trừ sâu vào thời nay dường như thật khó tin, nhưng thực tế này đã được hàng trăm nông dân ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) áp dụng hơn 20 năm qua.
Làm lúa không phun thuốc trừ rầy giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. |
Chuyện làm lúa không sử dụng thuốc trừ rầy và hạn chế thuốc trừ sâu vào thời nay dường như thật khó tin, nhưng thực tế này đã được hàng trăm nông dân ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) áp dụng hơn 20 năm qua.
Hoàn toàn không phun thuốc nhưng “lúa không hề cháy rầy” và hạn chế phun xịt thuốc trừ sâu để vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường mà năng suất vẫn không thua các ruộng có phun thuốc.
Nông dân Nguyễn Văn Ngon ở ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu, huyện An Phú- An Giang) có trên dưới 10 năm áp dụng phương pháp canh tác này, cho biết: “nền tảng” của việc làm lúa không phun thuốc trừ rầy bắt nguồn từ việc ông từng tham gia lớp tập huấn chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) về “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”…
Thấy lý thuyết chương trình quá hay, bởi sẽ giảm dần lượng phân thuốc phun xịt mỗi vụ. So với ruộng không áp dụng, thấy năng suất tuy giảm chút đỉnh nhưng hiệu quả kinh tế thì cao hơn.
Việc giảm phun thuốc đến hoàn toàn không phun thuốc trừ rầy nâu là câu chuyện tình cờ nhưng thực tế hiện đang mang lại hiệu quả cho nhiều nông dân ở đây.
Ông Ngon kể, cách đây hơn 10 năm, ở xóm có một anh làm ruộng nhưng nhà ở khá xa nên không thường xuyên đến chăm sóc. Và không ít vụ lúa bị rầy nâu chụp nhưng anh này không hề phun thuốc trừ rầy, trong khi “5 công ruộng tui kế bên xịt lở giò”.
“Có vụ tui xịt 7- 8 lần, mà chai thuốc trị rầy thời điểm đó bằng 6- 7 giạ lúa chớ đâu có ít, có nông dân xong vụ mùa bán đất luôn để trả nợ tiền thuốc, nhưng nghịch lý là thu hoạch xong thì năng suất gần như tương đương nhau. Vì vậy là từ đó tới sau tui quyết định không phun xịt thuốc phòng trừ và đúng là hiệu quả tương tự nên tui áp dụng cho đến nay”- ông Ngon nói.
Hiệu quả cách làm này nhanh chóng lan rộng. Ông Ngon thống kê “bỏ túi”: “Gần như cả khu vực này giờ làm lúa không phun thuốc trừ rầy nâu”. Ngay cả những “đại gia ruộng” như ông Gấu, ông Vinh có vài chục công cũng áp dụng cách làm này mà không hề lo ngại thất bát.
Theo tính toán của nhiều nông dân ở đây, do không sử dụng thuốc trừ sâu rầy nên tính ra 1ha chỉ tốn chi phí hơn 14 triệu đồng, trung bình vụ Đông Xuân khoảng 8 tấn lúa, nếu giá hơn 4.000 đ/kg thì bán được hơn 30 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí gia đình cũng lời trên 20 triệu.
“Nếu sử dụng thuốc trừ rầy, mỗi hecta tốn thêm ít nhất không dưới 4 triệu đồng, cộng thêm vài ba triệu tiền thuê công phun xịt nữa, giá thành đội lên cao. Từ khi làm lúa không thuốc trừ sâu rầy, tôi không còn lo sợ thua lỗ”- ông Ngon phấn khởi.
Ông Cao Xuân Điệu- Chủ tịch UBND xã Phú Hữu- cho rằng trồng lúa kiểu không phun thuốc trừ rầy phải sạ thưa, đặc biệt là bón phân cân đối- “không dư đạm thì lúa sẽ không có sâu rầy”. Ông cho biết đã áp dụng làm hơn 2 mẫu ruộng theo phương pháp này, năng suất không tốt hơn ruộng “có phun thuốc trừ rầy” nhưng chi phí đầu tư rẻ hơn nên
có lời hơn.
Theo ông Phạm Thành Tâm- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Phú, huyện hiện có 2 khu vực làm lúa không phun thuốc rầy đã hơn 20 năm rồi, “chúng tôi tạm gọi là lúa an toàn sinh học”.
Theo đó, khu vực xã Vĩnh Lộc khoảng 30- 40 hộ, với khoảng vài chục hecta. Người đầu tiên phải kể đến là ông Thao, ông Gấu...
Cũng theo ông Phạm Thành Tâm, mô hình sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ rầy và hạn chế thuốc trừ sâu đang giúp nhiều nông dân hạ giá thành sản xuất.
“Cách làm của nhiều nông dân ở An Phú thực chất là trừ rầy bằng phương pháp sử dụng thiên địch. Không phun thuốc trừ sâu rầy là để bảo vệ thiên địch có ích. Thiên địch khống chế được dịch hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ chỉ, nhện gié,… rất hiệu quả”- ông Phạm Thành Tâm nói tiếp, đến nay đã có trên dưới 100 nông dân trong huyện tham gia với tổng diện tích trên 400ha.
Đặc biệt, nhiều công ty đã đến đặt hàng thu mua “lúa sạch”, giá cả cũng nhỉnh hơn chút đỉnh. Nhưng quan trọng hơn, nếu mỗi nhà nông, cánh đồng rồi khu vực, địa phương cùng nhau hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật, thì hạt lúa làm ra sẽ ngon hơn, an toàn hơn và môi trường cũng được bảo vệ tốt hơn.
|
Ông Phạm Thành Tâm cho biết, làm lúa không phun thuốc trừ rầy không tốn tiền thuốc, không tốn nhân công phun xịt... Chi phí sản xuất mỗi ký lúa tiết kiệm được từ 800- 1.000đ so với sản xuất phun thuốc bình thường. Và còn lợi ích nữa cần ghi nhận nguồn lợi thủy sản- đặc biệt là cua đồng- rất nhiều. Tới cuối mùa Đông Xuân, trên cánh đồng người ta đi đào cua đầy, cua nhiều hơn những đồng khác, cò chim… cũng về nhiều. Vài doanh nghiệp nghe khu vực đó không phun thuốc có thể làm lúa hữu cơ được, họ cũng về đây thu mua. Ông cho rằng nếu được sự quan tâm của tỉnh, của các ngành chuyên môn hỗ trợ cho huyện thì nên nhân rộng mô hình ra các huyện khác. Đặc biệt là của doanh nghiệp làm sao thu mua giá cao hơn vài trăm đồng/kg so lúa sản xuất bình thường cũng được, để khuyến khích nông dân. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin