Diện tích lúa bị đổ ngã do ảnh hưởng mưa lớn trên địa bàn huyện Mang Thít thời gian qua chủ yếu là giống ML202.
Diện tích lúa bị đổ ngã do ảnh hưởng mưa lớn trên địa bàn huyện Mang Thít thời gian qua chủ yếu là giống ML202.
Diện tích lúa sập ở huyện Mang Thít thời gian qua chủ yếu là giống lúa ML202. |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua do mưa lớn, toàn tỉnh có trên 3.339ha lúa bị ảnh hưởng.
Trong đó có nhiều diện tích lúa Đông Xuân, Hè Thu bị đổ ngã trong giai đoạn trổ chín đến thu hoạch và một số diện tích lúa Thu Đông vừa xuống giống. Đáng kể nhất là huyện Mang Thít có đến 219,5ha lúa Hè Thu bị đổ ngã thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) và 296,9ha thiệt hại rất nặng (50- 70%).
Theo số liệu mà ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- vừa cập nhật, do ảnh hưởng mưa bão, toàn huyện đã có trên 1.000ha lúa bị sập.
Hiện ngành chuyên môn của huyện đang tiếp tục thống kê diện tích, đánh giá mức độ thiệt hại để kịp thời hỗ trợ cho người dân.
Huyện Tam Bình cũng ghi nhận trên 110ha lúa Thu Đông vừa xuống giống bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn.
Đối với diện tích lúa bị thiệt hại một phần (dưới 30%) thì tại hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xảy ra tình trạng này, trong đó Vũng Liêm có 1.152ha, Long Hồ 619,6ha, TX Bình Minh 530ha… diện tích thiệt hại tập trung chủ yếu trên trà lúa Đông Xuân giai đoạn trổ chín.
Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, lúa sập ở Mang Thít chủ yếu là giống ML202. Mặc dù giống lúa này cho năng suất khá, tiêu thụ tốt nhưng lúa thường bị sập, thậm chí không còn khả năng thu hoạch.
Kể cả vụ Đông Xuân 2016- 2017 diện tích lúa này cũng bị sập. Thiệt hại về cây lúa của huyện Mang Thít ở vụ Đông Xuân và Hè Thu vừa qua là khá lớn từ giống ML202.
Việc cần thiết hiện nay là cần đưa ra được công thức phân bón hợp lý giúp lúa ML202 cứng cây, hạn chế thiệt hại do đổ ngã.
Ông Nguyễn Minh Tho cũng lưu ý, việc tuân thủ lịch thời vụ xuống giống lúa trên địa bàn huyện thời gian qua chưa đảm bảo, cắt vụ không hợp lý nên lúc nào trên đồng cũng có lúa.
Do đó hễ có mưa lớn, lốc xoáy là lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng năng suất. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với huyện trong chỉ đạo sản xuất, nhất là xuống giống đúng lịch thời vụ như đã khuyến cáo.
Hiện Sở Nông nghiệp- PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các địa phương, đặc biệt là huyện Mang Thít nhằm hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa. Theo đó, trước ngày 15/8, ngành nông nghiệp sẽ có kế hoạch hướng dẫn lịch thời vụ Đông Xuân 2017- 2018 cho các địa phương.
Trong nhiều nội dung chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất từ nay đến cuối năm, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- chỉ đạo việc sản xuất lúa phải tuân thủ lịch thời vụ, địa phương cần bố trí sản xuất phù hợp với từng vùng sản xuất, những nơi đê bao không đảm bảo thì không nên xuống giống vụ Thu Đông, cắt vụ hợp lý, không gối vụ.
Dự báo vụ Đông Xuân tới sản xuất nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp cần chú ý dự phòng nguồn giống lúa để kịp thời hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin