Đã có nhiều giải pháp "cả cứng lẫn mềm", tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) còn diễn biến phức tạp, khó lường sẽ tác động đến đời sống, sản xuất người dân. Các chuyên gia đề xuất xây dựng bản đồ chuyển đổi cây trồng và lịch thời vụ để giảm rủi ro thiên tai.
Đã có nhiều giải pháp “cả cứng lẫn mềm”, tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) còn diễn biến phức tạp, khó lường sẽ tác động đến đời sống, sản xuất người dân. Các chuyên gia đề xuất xây dựng bản đồ chuyển đổi cây trồng và lịch thời vụ để giảm rủi ro thiên tai.
BĐKH còn tác động mạnh đến ĐBSCL. |
Đồng bằng bị tổn thương
Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra 2 thách thức lớn mà ĐBSCL đang đương đầu: thách thức toàn cầu- khu vực và thách thức từ chính hiện trạng của vùng này.
GS Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội- từng cho rằng, thách thức toàn cầu đến với đồng bằng ở cả 2 góc độ: BĐKH và toàn cầu hóa- hội nhập kinh tế.
Góc độ khu vực, thách thức lớn nhất chính là việc khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là khai thác nước làm thủy điện trên dòng chính sông Mekong, còn “bên trong đồng bằng” do thiếu hụt cơ chế vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, những thách thức từ bên ngoài và bên trong này không tác động riêng lẻ mà cùng tác động lên nhau, làm hậu quả ảnh hưởng càng mạnh mẽ hơn.
Đáng lo ngại hơn, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), BĐKH còn tác động trực tiếp đến sản xuất trồng trọt ở đồng bằng, gây khô hạn cục bộ cho 500ha xuống giống lúa Hè Thu trong tháng 4 hàng năm; cùng với đó, lũ sông Mekong cũng ảnh hưởng đến 600.000ha lúa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và một phần Cần Thơ.
Đến nay, hầu hết các địa phương trong vùng đều bị mặn hay hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Về lâu dài, tác động của BĐKH lên sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng; cơ cấu nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi có thể bị thay đổi.
Nước biển dâng và sự thay đổi dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ vào ĐBSCL còn làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, rạch gia tăng nghiêm trọng.
Do đó, khả năng thoát nước ra biển giảm và đỉnh lũ tăng thêm; uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê biển, đê sông, bờ bao và việc tự chảy sẽ hết sức khó khăn, diện tích và thời gian ngập úng tăng lên tại nhiều khu vực.
Xây dựng bản đồ thích ứng
Tại hội thảo “Xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt, thích ứng với BĐKH tại vùng ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ mới đây, chuyên gia đề xuất xây dựng bản đồ chuyển đổi cây trồng và lịch thời vụ giảm rủi ro thiên tai.
Theo GS- TS Lê Quang Trí- Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ), ĐBSCL đang phải đối mặt với 6 nguy cơ:
BĐKH và nước biển dâng; phát triển thủy điện trên sông Mekong; gia tăng dân số và di dân; lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên; thay đổi sử dụng đất; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Tuy nhiên, hiện tại vùng này vẫn còn thiếu một gói chính sách có liên quan.
GS Nguyễn Hồng Sơn- Cục trưởng Cục Trồng trọt- cho biết: Vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp nhiều đơn vị trong và ngoài nước xây dựng bản đồ đánh giá về những tác động tiêu cực do BĐKH nhằm giúp các địa phương có giải pháp ứng phó.
Các địa phương đề xuất nhóm giải pháp rất hiệu quả phù hợp với từng tiểu vùng là xây dựng bản đồ chuyển dịch về cơ cấu cây trồng và bố trí lịch thời vụ né tránh những bất lợi do hạn, mặn xâm nhập hay vụ lúa Thu Đông trong vùng tránh lũ sớm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường truyền thông ở ĐBSCL để nông dân biết được rằng hạn hán sẽ xảy ra và thường xuyên xảy ra, tránh trường hợp có một số năm thuận lợi dẫn đến chủ quan sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam- Lương Quang Xô, đề xuất giải pháp trữ nước mưa trong hệ thống kinh rạch, trong đồng ruộng để phục vụ cho mùa khô.
Ngoài ra, một số giải pháp khác như chuyển sang các loại cây trồng sử dụng ít nước, tập trung vào biện pháp phi công trình, vận hành hệ thống công trình hiện có để tích nước cho đồng ruộng.
Theo TS Bùi Tân Yên (Chương trình BĐKH, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á), cần xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và biện pháp thích ứng bằng kiến thức bản địa. Để làm được điều này, cần phối hợp đa ngành như: thủy lợi, trồng trọt, khí tượng thủy văn; đồng thời sử dụng 2 kịch bản là năm bình thường và năm cực đoan. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin