Khí tượng- thủy văn diễn biến phức tạp, mưa nhiều, áp lực sâu bệnh hại,… nhiều nông dân không khỏi lo lắng khi xuống giống vụ lúa Thu Đông.
Mưa nhiều và áp lực sâu bệnh hại khiến việc sản xuất vụ lúa Thu Đông trở nên khó khăn hơn. |
Khí tượng- thủy văn diễn biến phức tạp, mưa nhiều, áp lực sâu bệnh hại,… nhiều nông dân không khỏi lo lắng khi xuống giống vụ lúa Thu Đông.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, kế hoạch xuống giống vụ lúa Thu Đông 2017 với khoảng 51.000ha. Thời gian xuống giống tập trung trong 3 đợt chính, trong đó đợt xuống giống thứ 2 với 35.000ha, tập trung từ ngày 3/7- 1/8 và là đợt xuống giống chính phân bố hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh.
Hiện tại, nhiều địa phương đang xuống giống đợt chính. Thời tiết bất lợi mưa nhiều, áp lực rầy nâu, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, nhiều nông dân cảm thấy bất an.
Chú Út Cầu (ấp Trung Hưng, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) đã xuống giống 5 công lúa cách đây gần một tuần cho biết, gia đình chú có 10 công đất trồng lúa, mấy vụ rồi chú sản xuất không thuận lợi nên vụ Thu Đông này chú quyết định chỉ xuống giống 5 công. Từ lúc sạ tới giờ, ngày nào trời cũng mưa, không lớn thì nhỏ khiến ruộng của chú bị chết giống loang lổ.
Bi đát hơn, anh Bùi Văn Sáu (ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp) than anh vừa xuống giống lúa buổi sáng thì đến trưa trời đổ mưa và kéo dài đến chiều nên chưa biết số phận 4 công ruộng của anh ra sao.
Anh Sáu cho biết, khi vừa ngâm giống thì nghe bão tới nên anh rất lo, nhưng giống đã ngâm rồi, ruộng cũng đã làm đất xong, ngày giờ xuống giống cũng đã định, nên mọi chuyện chỉ biết cầu ông trời. Nhưng thiệt rủi, ruộng vừa xuống giống lại gặp mưa dầm do ảnh hưởng của bão, anh Sáu cũng đang tính đến khả năng ngâm giống để sạ lại.
Chú Dương Văn Thảo (ấp An Thành Tây, xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) cho biết, vụ này chú xuống giống 2,5 công lúa Thu Đông đến nay đã hơn nửa tháng, mặc dù thời gian gần đây trời mưa nhiều nhưng lúa của chú không bị ảnh hưởng gì và đang phát triển tốt.
Tuy nhiên, vừa qua nghe cảnh báo tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá có khả năng hại lúa Thu Đông khiến chú và nhiều hộ sản xuất nơi đây không khỏi lo lắng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), với diễn biến thời tiết như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gia tăng. Trên lúa Thu Đông, tính từ 7- 14/7, đã ghi nhận diện tích nhiễm rầy nâu tăng 718ha so với tuần trước đó.
Trong đó trên địa bàn huyện Vũng Liêm có 168ha nhiễm nặng do mật số rầy nâu di trú cao, kéo dài trong các ngày đầu tháng 7. Diện tích bệnh đạo ôn lá cũng tăng 65ha.
Tại huyện Tam Bình, theo số liệu điều tra của Trạm Bảo vệ thực vật, ở xã Bình Ninh xuất hiện rầy nâu ở tuổi 3- 5 và có ít rầy trưởng thành cánh dài; mật số rầy từ 1.000-1.500 con/m2 (diện tích 30ha), có khoảng 1ha ruộng mật số rầy cao khoảng 3.000 con/m2, nông dân đã phòng trị kịp thời.
Rầy nâu gây hại trên giống lúa OM 5451, lúa giai đoạn 40 ngày sau sạ. Do nông dân sạ dày, bón thừa phân đạm, trên đồng nông dân rút cạn nước, cho nên rầy nâu dễ dàng bộc phát thành dịch, gây cháy rầy.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng dự báo trong thời gian tới, rầy nâu có thể nhiễm nhẹ đến trung bình trên trà lúa đẻ nhánh- trổ, tuần tới trên đồng rầy chủ yếu tuổi 2- 3 rất mẫn cảm với thuốc.
Do đó, bà con nông dân cần kiểm tra mật số rầy và nên đưa nước vào ruộng phun ngay bằng hoạt chất Buprofezin, Pymetrozine đặc trị rầy nâu.
Qua đó, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân một số biện pháp quản lý- canh tác lúa như việc tăng cường kiểm tra phát hiện sớm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá lúa và báo cáo kịp thời về cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý thích hợp.
Bởi kết quả test rầy nâu cuối tháng 6/2017 rầy nâu tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL mang mầm bệnh khá cao trên 60%.
Khuyến cáo bà con thăm đồng thường xuyên, chỉ phun thuốc hóa học khi rầy nở rộ ở tuổi 2- 3 với mật số cao (trên 3 con/tép lúa) bằng các loại thuốc đặc trị theo nguyên tắc “4 đúng”.
Đối với giai đoạn mạ- đẻ nhánh, nên đưa nước vào che chắn rầy kết hợp với phun thuốc chống lột xác. Đối với lúa trổ- chín về sau không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần lưu ý các đối tượng có thể phát sinh gây hại mạnh như nhện gié, muỗi hành, chuột, ốc bươu vàng trên trà lúa Thu Đông.
- Bài, ảnh: THANH LIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin