Kết quả thống kê qua nhiều năm, cứ khoảng 12- 14 năm thì rầy nâu bộc phát thành dịch và truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) hại lúa.
Kết quả thống kê qua nhiều năm, cứ khoảng 12- 14 năm thì rầy nâu bộc phát thành dịch và truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) hại lúa.
Xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy theo từng khu vực giúp giảm áp lực rầy nâu phát triển gây hại. |
Nếu tính từ đợt dịch rầy nâu năm 2005- 2006 thì đến nay đợt dịch tương tự nhiều khả năng quay lại theo chu kỳ.
Nhận định của ngành chuyên môn, nếu không được xử lý tốt trong vụ này thì rầy nâu, bệnh VLLXL sẽ tiếp tục có thể gây hại ở những vụ lúa sau.
Tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh xuống giống 36.451ha lúa Thu Đông. Rầy nâu liên tục gia tăng mật số trên diện tích này.
Do hiện nay đa số các trà lúa Hè Thu đang vào giai đoạn thu hoạch tập trung nên có rất nhiều rầy nâu di chuyển liên tục sang các trà lúa Thu Đông mới gieo sạ với mật số khá cao từ 1.000- 6.000 con/m2.
Hiện tại do điều kiện thời tiết, mật độ rầy di trú cao thuận lợi cho rầy sinh sản và phát triển mật số.
Dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), rầy vào đèn rộ trong tháng 7, 8 từ ngày 3- 10 hàng tháng.
Sắp tới, rầy nâu sẽ nở rộ (tuổi 2- 3) trong thời gian từ ngày 15- 22 của tháng 7 và 8. Biện pháp quản lý là cần gieo sạ tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy bón phân cân đối, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” để bảo tồn thiên địch.
Riêng bệnh VLLXL, hiện nay do áp lực rầy nâu trên đồng cao và tình hình bệnh VLLXL đang gây hại nghiêm trọng ở ĐBSCL, do đó các ruộng nhiễm rầy với mật số cao sẽ biểu hiện triệu chứng bệnh với tỷ lệ từ nhẹ đến trung bình. Diện tích lúa nhiễm bệnh sẽ gia tăng đến cuối vụ Thu Đông.
Theo ông Bành Ngọc Nghĩa- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm nay diện tích lúa nhiễm rầy nâu tăng đột biến, đặc biệt là thời điểm tháng 7, diện tích lúa nhiễm rầy cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình rầy di trú cũng có chiều hướng gia tăng, trong đó mật số rầy vào đèn đạt cao nhất ở thời điểm tháng 1, 6, 7.
Qua theo dõi tình hình rầy vào đèn từ tháng 1- 6 cho thấy rầy có xu hướng vào đèn từ thời gian đầu đến giữa tháng. Thời điểm tháng 6 và 7, rầy vào đèn sớm và tập trung hơn với số lượng rầy rất cao.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, diện tích lúa nhiễm bệnh VLLXL đang tăng nhanh. Thời điểm đầu tháng 7 đã có trên 3.000ha nhiễm bệnh tập trung ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang,...
Từ kết quả phân tích các mẫu rầy nâu vào đèn mới nhất từ các tỉnh trên thì tỷ lệ rầy mang mầm bệnh VLLXL rất cao 68,3%.
Trong đó, 3 tỉnh giáp ranh với Vĩnh Long có tỷ lệ mầm bệnh cao là Trà Vinh 93,3%, Tiền Giang 86,6% và Đồng Tháp 70%. Do đó, rầy nâu và bệnh VLLXL là 2 đối tượng gây hại quan trọng trong vụ lúa Thu Đông của tỉnh Vĩnh Long.
Trong khi đó, một số giống như OM5451, IR50404, ML202 vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống tại một số địa phương.
Hiện nay trên đồng ruộng bệnh VLLXL thường biểu hiện triệu chứng muộn (giai đoạn làm đòng trở về sau), đặc biệt 2 giống OM5451 và IR50404 rất mẫn cảm với bệnh.
Do đó việc nhận biết bệnh là rất quan trọng, bởi sau nhiều năm bệnh VLLXL không xuất hiện khiến nhiều nông dân lầm tưởng với các bệnh khác nên sử dụng nhiều loại thuốc trừ bệnh không mang lại hiệu quả.
Theo bà Phan Thị Cẩm Vân- Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), thời gian qua, lịch thời vụ ở nhiều địa phương không được đảm bảo tập trung, đồng loạt né rầy từng khu vực, cũng như thời gian giữa 2 vụ lúa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Lịch xuống giống thực tế năm 2016 cho thấy, vụ Đông Xuân xuống giống kéo dài từ tháng 9- 12 năm trước và sang tháng 1, 2 năm sau, vụ Hè Thu từ tháng 1- 5 và vụ Thu Đông từ tháng 5- 9. Việc xuống giống như trên không đảm bảo thời gian cách ly vì còn gối vụ ở các tháng 1, 2, 5 và 9.
Để đảm bảo sản xuất an toàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo xuống giống vụ Đông Xuân từ tháng 10- 12, vụ Hè Thu từ tháng 1- 3 và Thu Đông từ tháng 5- 7 nhằm đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ từ 3- 4 tuần.
Chia sẻ tại hội thảo quản lý rầy nâu, bệnh VLLXL ở Vĩnh Long mới đây, PGS. TS Lê Văn Vàng- ĐH Cần Thơ, cho biết cần định kỳ xác định tỷ lệ rầy mang mầm bệnh trên đồng ruộng, khi tỷ lệ rầy mang mầm bệnh cao cần quản lý theo khía cạnh rầy truyền bệnh. Cụ thể là từ gieo sạ đến 20 ngày, phun thuốc khi rầy xuất hiện.
Để hạn chế sự bộc phát của rầy nâu cần sử dụng giống chống chịu thay vì giống kháng rầy, bởi rầy có khả năng thay đổi kiểu sinh học nhanh nên khả năng phá vở tính kháng rất nhanh.
Theo ông Lê Quốc Cường- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, kết quả đánh giá thực tế gần đây cho thấy, các giống nhiễm nhưng có khả năng chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh VLLXL là OM4900, Jasmine 85, OM6976 và giống nếp IR4625. Riêng 2 giống OM5451 và IR50404 nhiễm nặng cần lưu ý hạn chế diện tích này.
Ông Lê Quốc Cường cho biết thêm, thời gian qua để phòng trị rầy nâu, bệnh VLLXL, nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hạt giống nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy việc làm này không mang lại hiệu quả.
Ông Lê Quốc Cường cũng lưu ý khi phun thuốc phòng trị rầy nâu, ngoài việc chú ý nguyên tắc “4 đúng”, người dân cần chú ý béc phun và số lượng béc phù hợp.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin