Với những biểu hiện bệnh trên khoai mỡ như héo lá, héo đọt non được cho là khá lạ, ngành chuyên môn đã lấy mẫu khoai mỡ nhiễm bệnh để gởi kiểm định.
Với những biểu hiện bệnh trên khoai mỡ như héo lá, héo đọt non được cho là khá lạ, ngành chuyên môn đã lấy mẫu khoai mỡ nhiễm bệnh để gởi kiểm định.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra mẫu khoai mỡ nhiễm bệnh lạ. |
Sáng ngày 5/7/2017, đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh), Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít và xã Long Mỹ đã đến khảo sát tại một số ruộng khoai mỡ nhiễm bệnh lạ gây héo dây tại ấp Long Hòa 2.
Với những biểu hiện bệnh trên khoai được cho là khá lạ, chưa thể xác định. Ngành chuyên môn đã lấy mẫu khoai nhiễm bệnh để gởi kiểm định để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích trồng khoai mỡ ở ấp Long Hòa 2 nhiễm bệnh lạ khoảng 15,5 công với tỷ lệ nhiễm bệnh khác nhau. Toàn xã Long Mỹ hiện có tổng diện tích trồng khoai mỡ khoảng 40ha, chủ yếu ở 2 ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2, trong đó ấp Long Hòa 2 có đến 30ha.
Ông Nguyễn Văn Bồi (ngụ Mỹ An- Mang Thít) có 10 công khoai mỡ ở ấp Long Hòa 2 thì đã có một nửa diện tích nhiễm bệnh. Theo kinh nghiệm 40 năm của ông, đây là lần đầu tiên khoai mỡ bị bệnh nặng và khó phòng trị như vậy.
Thực tế cho thấy, khoai mỡ trắng nhiễm bệnh nhiều hơn khoai mỡ tím. Tuy nhiên, khoai mỡ trắng giống Thục Linh (nguồn gốc ở tỉnh Long An) thì không bị nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Văn Bồi: 40 năm nay, đây là lần đầu tiên khoai mỡ bị bệnh nặng và khó phòng trị. |
Do chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh cũng như xác định cụ thể là khoai đã bệnh gì nên nhiều hộ trồng khoai đã phun xịt nhiều loại thuốc khác nhau. Trong đó, có hộ phun xịt những loại thuốc trị nấm và có hộ phun thuốc trị vi khuẩn với số lần phun và liều lượng ngày một tăng.
Theo đó, khi thấy khoai chớm héo lá, nhiều người cho rằng khoai bệnh cháy lá thông thường như những vụ trước nên cứ mua thuốc về phun xịt. Có ruộng khoai có dấu hiệu phục hồi, phún đọt non nhưng cũng có ruộng càng phun xịt thì bệnh lại càng lây lan.
Cũng tại khu vực khoai nhiễm bệnh lạ, vẫn có một số ruộng khoai lân cận sử dụng cùng một loại giống nhưng vẫn xanh tốt và không có biểu hiện của bệnh lạ. Theo nhận định sơ bộ của ngành chuyên môn, việc chăm sóc tốt cũng đã giúp những ruộng khoai chống chọi với bệnh tốt hơn.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết qua khảo sát thực tế và lấy mẫu khoai mỡ nhiễm bệnh tại ruộng, hiện tượng héo lá, héo đọt non như trên là khá lạ, do đó cần lấy mẫu gởi kiểm định mới có thể biết được chính xác khoai nhiễm bệnh gì.
Mặc dù nằm kề với ruộng khoai mỡ nhiễm bệnh lạ nhưng ruộng khoai mỡ trắng giống Thục Linh của anh Nguyễn Văn Dũng lại xanh tốt, không bị nhiễm bệnh. |
Bệnh đốm lá trên khoai mỡ thì dễ nhận biết hơn với những biểu hiện đặc trưng là những đốm nâu xuất hiện trên lá. Khả năng tuyến trùng gây hại cũng không cao vì khi khoai mỡ bị tuyến trùng tấn công lá có màu úa vàng chứ không cháy đen như hiện tại.
Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cho rằng, bệnh do vi khuẩn thì bộc phát nhanh hơn so với bệnh do nấm, mà bệnh trên khoai mỡ hiện tại bộc phát khá nhanh thì nhiều khả năng do vi khuẩn gây hại.
Người dân trồng khoai nơi đây luân canh 1 vụ lúa 1 vụ khoai nên việc tồn lưu mầm bệnh trong đất là không cao nên không loại trừ khả năng mầm bệnh từ khâu chọn giống.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết thất thường, mưa nhiều cũng là điều rất đáng lo ngại. Do đó, người dân không nên chủ quan trong việc quản lý dịch hại.
Bởi khi khoai nhiễm bệnh thì cần thông báo kịp thời cho cán bộ kỹ thuật để được tư vấn hỗ trợ phòng trị hiệu quả chứ không nên sử dụng nhiều loại thuốc phun xịt mà công dụng của thuốc lại na ná nhau, vừa không đem lại hiệu quả phòng trị và gây lãng phí.
Để hỗ trợ người dân ứng phó với bệnh lạ xuất hiện trên khoai mỡ, ông Trương Tấn Được cho rằng cần chờ kết quả kiểm định để xác định được khoai mỡ nhiễm bệnh gì, từ đó mới có cơ sở tư vấn và hướng dẫn người dân cách phòng trị hiệu quả nhất.
Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết, việc sử dụng thuốc hóa học để trị bệnh cho khoai là cần thiết. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ khoai nhiễm sâu bệnh hại thì người dân cần chú trọng áp dụng các biện pháp canh tác tốt để phòng ngừa từ khâu làm đất, phải xử lý đất cho tốt để diệt mầm bệnh tồn lưu cũng như ngăn tuyến trùng gây hại. Kế đến là khâu chọn giống, bón phân hợp lý, ưu tiên sử dụng phân thuốc sinh học. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin