Khấm khá nhờ nuôi dê

12:07, 25/07/2017

20 năm gắn bó với nghề nuôi dê đã đem đến cho ông Trần Văn Hùm (ấp Thành Tiến (xã Thành Đông- Bình Tân) cuộc sống khấm khá nhờ tận dụng phế phẩm từ dây khoai lang và bã đậu nành.

20 năm gắn bó với nghề nuôi dê đã đem đến cho ông Trần Văn Hùm (ấp Thành Tiến (xã Thành Đông- Bình Tân) cuộc sống khấm khá nhờ tận dụng phế phẩm từ dây khoai lang và bã đậu nành.

Ông Trần Văn Hùm và đàn dê cho thu nhập hàng trăm triệu/năm.
Ông Trần Văn Hùm và đàn dê cho thu nhập hàng trăm triệu/năm.

Ông Trần Văn Hùm là một nông dân kiểu mới trên vùng đất nông thôn mới với sự thành công nổi bật từ mô hình nuôi dê. Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng, bộ quần áo tươm tất và trên cả là nét mặt hân hoan, đầy nghị lực, tự tin.

Từ 3 con dê nuôi ban đầu, đến nay đàn dê của ông Hùm phát triển với số lượng lớn, có thời điểm lên đến gần 200 con. Cứ mỗi 5 tháng dê sinh sản 1 lần, mỗi đợt đẻ từ 1- 4 con. Từ lúc sinh ra đến 8 tháng tuổi là dê có thể đạt trọng lượng khoảng 40kg- vừa tiêu chuẩn để xuất chuồng.

Ông Hùm vui mừng khoe: “Năm rồi, tôi xuất chuồng cả trăm con, mỗi con từ 35- 40kg, giá bán bình quân 110.000 đ/kg, trong khi chi phí bỏ ra chỉ khoảng 40.000 đ/ngày nên bỏ túi cũng được kha khá”.

Nuôi dê chủ yếu là lấy công làm lời, thức ăn cho dê chủ yếu là từ dây khoai lang có bao la ở xứ rẫy, hay phế phẩm bã đậu nành từ xóm làm tàu hủ ky ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh).

Ngoài ra, để vỗ béo cho dê, ông còn bổ sung thêm một ít thức ăn chăn nuôi. Ông Hùm cũng lưu ý là thức ăn chỉ bổ sung cho dê thịt, còn dê cái sinh sản thì tuyệt đối không dùng vì sợ dê mập dễ bị “nâng”.

Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân phối hợp tổ chức và đọc thêm sách báo để học hỏi khoa học kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi dê, nên đàn dê của ông Hùm khi xuất chuồng luôn có chất lượng hơn hẳn, thịt thơm, mềm nên các mối lái tới thu mua rất ổn định.

Trong khi nhiều hộ lân cận chỉ bán được với giá khoảng 80.000 đ/kg do dê ốm, thì dê của ông Hùm luôn bán được với mức giá trên 100.000 đ/kg. Hàng của ông tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

“Cho ăn bã đậu nành thì dê phát triển rất tốt, thịt mềm và ngon, mối lái rất thích cứ khen hoài. Chỗ của tôi vừa qua được chọn làm mô hình điểm tập huấn cách nuôi cho nông dân quanh vùng và đàn dê của tôi được chọn nuôi thử nghiệm bằng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn thiên nhiên đã cho kết quả rất tốt”- ông Hùm cho biết thêm.

Tuy đã lớn tuổi nhưng ông Hùm đang có ý định sẽ thu mua lại những đàn dê nuôi không đạt hiệu quả của người dân quanh vùng về chăm sóc lại.

“Tôi già rồi nên đã truyền nghề lại cho con cái. Năm vừa qua, con tôi làm cũng đạt hiệu quả lắm, đã dành dụm được cả trăm triệu một năm. Tôi mừng quá, vậy là tôi có thể an tâm lo làm công tác xã hội rồi”- ông Hùm chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Chí- cán bộ nông thôn mới xã Thành Đông- nhận định, hộ nuôi dê của ông Trần Văn Hùm là hộ nuôi thành công nhất vùng, đàn dê luôn đạt chất lượng cao bán giá cao, cung không đủ cầu, nhờ đó gia đình ông cũng vươn lên khá giàu ổn định.

Ngoài ra, ông còn tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con xung quanh để cùng nhau phát triển kinh tế”.

Người nông dân với nụ cười tươi rói với nhiều dự định, hoài bão khi còn trẻ và nhiều trăn trở, chăm lo cho người nghèo khi về già, vẫn còn rất hào sảng khi nói về những đổi thay trên mảnh đất quê hương mình đang ngày càng phát triển, cuộc sống người dân đã ngày càng cải thiện. Có chí thú học hỏi làm ăn thì không sợ đói nghèo.

Bài, ảnh: YẾN- TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh