Quản lý bệnh Phytophthora hại sầu riêng

08:06, 13/06/2017

Tôi có lên liếp 3 công đất ruộng để trồng sầu riêng. Gần đây, tôi nghe đến bệnh thối vỏ chảy nhựa trên cây sầu riêng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bạn Nhà nông có thể hướng dẫn tôi cách phòng trị bệnh này?

 

Tôi có lên liếp 3 công đất ruộng để trồng sầu riêng. Gần đây, tôi nghe đến bệnh thối vỏ chảy nhựa trên cây sầu riêng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bạn Nhà nông có thể hướng dẫn tôi cách phòng trị bệnh này?

Lê Văn Phong

(Chánh An- Mang Thít)

Anh Phong mến! Bệnh thối vỏ chảy nhựa trên cây sầu riêng là do nấm Phytophthora gây ra. Bệnh thường được gọi dưới nhiều tên khác nhau tùy bộ phận bị hại như bệnh thối rễ, nứt thân, nứt trái, xì mủ, chảy nhựa... Nấm Phytophthora thường lưu tồn trong đất. Sợi nấm và bào tử còn lưu tồn trong các vết bệnh trên thân, trên cành, trên lá, trái bị bệnh… khi gặp điều kiện thuận lợi như gió lớn, mưa nhiều nấm sẽ lây lan, phát triển rất mạnh. Vườn bị ngập úng nước càng lâu thì áp lực bệnh càng lớn.

Các biện pháp quản lý bệnh như sau:

+ Biện pháp canh tác:

- Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa: tạo rãnh thoát nước không để nước ứ đọng lâu ngày ở gốc cây sầu riêng.

- Trồng cây với mật độ vừa phải giúp vườn thông thoáng, có ánh nắng xuyên vào vườn.

- Bón phân NPK cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học.

- Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh thu gom tàn dư cây bị bệnh đem tiêu hủy; cắt tỉa các cành nhánh gần mặt đất.

- Trước khi vào mùa mưa rắc vôi bột khử trùng bề mặt vườn, rãnh thoát.

+ Biện pháp sinh học:

Phòng bệnh và tăng cường sức đề kháng cho cây sầu riêng bằng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces,... kết hợp với các lần bón phân.

+ Biện pháp hóa học:

- Quét gốc: hàng năm quét vôi nước hoặc dung dịch Bordeaux 1% quanh gốc vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, độ cao 0,7- 1m tính từ mặt đất.

- Bôi thuốc: Đối với những cây có vết bệnh còn nhỏ thâm đen và chảy gôm trên thân, cành dùng dao cạo bỏ phần mô chết, bôi thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, thuốc gốc đồng,... lên mặt cắt và xung quanh. Nồng độ thuốc theo khuyến cáo. Tiến hành cạo và bôi thuốc trong thời gian khô ráo.

- Phun thuốc: khi điều kiện thời tiết thuận lợi, có nguy cơ bệnh phát sinh gây hại nặng cần phòng trừ bệnh bằng các thuốc có hoạt chất Fosetyl- aluminium, Cymoxanil, Propamocarb, Mancozeb, Metalaxyl, thuốc gốc đồng...

Trong những đợt mưa kéo dài, ẩm độ cao có thể xử lý thuốc bảo vệ thực vật phòng bệnh lần 2 sau lần 1 từ 5- 7 ngày.

BẠN NHÀ NÔNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh