Giải cứu thịt heo chỉ là tạm thời

05:06, 07/06/2017

Thực hiện chương trình giải cứu thịt heo, sau hơn 2 tuần tự mổ heo đem bán, nhiều chủ trang trại, hộ nuôi heo cho biết "rất đắt hàng". Người tiêu dùng nhiệt tình ủng hộ do giá thịt ở đây rẻ hơn rất nhiều so với giá thịt tại các chợ. 

Thực hiện chương trình giải cứu thịt heo, sau hơn 2 tuần tự mổ heo đem bán, nhiều chủ trang trại, hộ nuôi heo cho biết “rất đắt hàng”. Người tiêu dùng nhiệt tình ủng hộ do giá thịt ở đây rẻ hơn rất nhiều so với giá thịt tại các chợ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nếu không có một chiến lược, tầm nhìn và quy hoạch chặt chẽ sẽ rơi vào tình trạng hết đợt giải cứu này lại có thêm đợt giải cứu khác. 

Giá thịt được niêm yết tại các điểm bán bình ổn giá.
Giá thịt được niêm yết tại các điểm bán bình ổn giá.

Xuất hiện nhiều quầy thịt bình ổn giá

Sau khi mở một quầy thịt heo bình ổn giá bán khá chạy cách đây hơn 2 tuần trước cổng chính Siêu thị Co.opmart, mới đây bà Huỳnh Thị Nâu- chủ trang trại hơn 2.000 con heo ở ấp Phú Thạnh B (xã Nhơn Phú- Mang Thít) cho biết, vừa mở thêm một quầy trên đường Lê Thái Tổ (Phường 2- TP Vĩnh Long). Theo ghi nhận, tại 2 điểm bán này thu hút khá đông người tiêu dùng.

Nhiều người đã chờ đợi từ sớm để được mua thịt với giá rẻ trong chương trình “Giải cứu thịt heo”.

Bà Huỳnh Thị Nâu cho biết, trang trại hiện còn khoảng 600 con giai đoạn xuất chuồng chưa tiêu thụ được do giá quá thấp. Từ thời điểm mở quầy tự bán đến nay, đã giết mổ được khoảng 40 con.

“Trung bình mỗi ngày 2 điểm này mổ từ 4- 5 con tiêu thụ chỉ trong buổi sáng là hết sạch. Mấy hôm trước, tôi bán luôn cả buổi chiều nhưng do thiếu người, chủ yếu dân nhà vừa chở heo đi mổ vừa vận chuyển rồi đứng bán nên làm không nổi, gần đây chỉ bán buổi sáng”- bà Nâu cho biết.

Tương tự, cũng trên đường Lê Thái Tổ (gần cầu Lộ) mấy ngày gần đây cũng xuất hiện điểm bán thịt heo bình ổn giá.

Anh Nguyễn Thanh Phong (ấp Định Thới B- xã An Phước- Mang Thít) là chủ quầy thịt này cho biết, trang trại anh hiện còn 200 con heo chưa tiêu thụ được.

“Thương lái định giá chỉ 2 triệu đồng/tạ. Không bán được nên tôi đành đem heo đến lò thuê mổ, kiểm dịch rồi chở thịt lên đây bán mong gỡ gạc chút đỉnh”- anh Phong cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (Khóm 2, Phường 3- TP Vĩnh Long) là khách thường xuyên mua thịt tại các quầy thịt bình ổn giá cho biết rất bất ngờ với giá thịt heo bán tại đây.

“Tôi nghe thông tin thấy giá heo giảm sâu gần mấy tháng nay nhưng giá ở siêu thị, chợ không hiểu sao vẫn còn cao! Bởi vậy, khi nghe quầy thịt giảm giá là đến ủng hộ liền”- chị Thu nói.

Ngành chuyên môn hỗ trợ giải cứu

Những ngày qua, phong trào giải cứu heo cho người chăn nuôi được nhiều người hưởng ứng bằng nhiều cách khác nhau.

Ở nhiều địa phương, bà con hàng xóm mua hẳn một con heo giết mổ chia thịt, chế biến các món ăn hoặc để làm thực phẩm dự trữ ăn dần.

Nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể cũng đã vào cuộc để giải cứu đàn heo cho người chăn nuôi bằng cách tăng cường mua thịt. Thế nhưng, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Giá heo hơi giảm mạnh trong những tháng qua sẽ thêm bài học cho cách phát triển chăn nuôi ồ ạt mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế của thị trường.

Sau mỗi cuộc giải cứu, đều thấy chung một điểm là việc phát triển nuôi trồng các loại nông sản này đều “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối cung cầu.

Hiện trên địa bàn TP Vĩnh Long có 4 điểm bán thịt heo bình ổn giá. 2 điểm ở trước cổng Siêu thị Co.opmart và 2 điểm trên đường Lê Thái Tổ (Phường 2- TP Vĩnh Long). Trung bình mỗi ngày các điểm bán này giết mổ từ 6- 7 con heo, tiêu thụ khoảng 500kg thịt.

Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã cảnh báo các địa phương không tăng quy mô đàn heo, đồng thời phải thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường heo của Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt đầu tư xây chuồng trại tăng đàn heo vẫn diễn ra. Hệ quả tất yếu là thừa heo thịt.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- cho rằng, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng thịt heo hiện nay là do phía Trung Quốc ngừng mua.

Trong khi, từ trước đến nay, heo của Việt Nam chủ yếu được xuất sang nước này, nhưng cái khó là đến nay vẫn chưa thể xuất chính ngạch.

Chính kiểu mua bán không hợp đồng, không được đảm bảo này khiến mức độ rủi ro cao và nông dân luôn trong tình trạng bị động.

Ông Đoàn Quốc Thụy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết, hiện cả nước có 8 nhà máy giết mổ heo con xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hong Kong, Malaysia, Trung Quốc…

“Mặt hàng heo sống của Việt Nam từ trước đến nay không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Việc buôn bán, vận chuyển, xuất bán heo sống từ Việt Nam sang Trung Quốc là buôn bán tiểu ngạch, nhưng hiện nay cũng bị cấm”- ông Thụy cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần phải tham gia “chuỗi giá trị”, ký kết thỏa thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm, khi đó mới tiến hành nuôi.

Trước mắt người chăn nuôi đã tự giải cứu mình bằng cách mổ heo đem chợ bán. Sau hơn 2 tuần kinh doanh hình thức này, đã có hàng chục tạ heo của các hộ chăn nuôi đã được bán ra thị trường thông qua các quầy thịt giảm giá.

Tuy số lượng không nhiều so với những hộ nuôi lên đến hàng ngàn con như gia đình bà Nâu, anh Phong, nhưng cũng phần nào giúp hộ nuôi giảm bớt khó khăn giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- cho biết sẵn sàng hỗ trợ người chăn nuôi về khâu kiểm dịch nguồn thịt.

Đồng thời, khuyến khích giữa các doanh nghiệp với nhau chia sẻ mặt bằng, có thêm nhiều điểm phân phối bán thịt heo giải cứu hơn chứ hiện tại trên địa bàn còn quá ít.

Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự phối hợp từ Sở Công thương trong việc bố trí mặt bằng, quy định giá để người tiêu dùng cùng hưởng ứng.

“Việc mở các điểm bán thịt heo bình ổn giá nhằm kéo giá thịt heo xuống phù hợp với giá heo hơi hiện nay để bảo vệ người tiêu dùng; song song đó là kích thích thị trường, giải cứu lượng heo đang tồn đọng quá lớn trong dân, từng bước đẩy giá heo trở lại”- ông Nguyễn Thành Một nhận định.

Lý giải giá thịt heo tại siêu thị vẫn ở mức cao, ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho biết là do nguồn thịt heo mà siêu thị lấy bán từ hệ thống VISSAN (TP Hồ Chí Minh) được chăn nuôi, giết mổ kiểm soát theo quy trình an toàn, truy xuất nguồn gốc, vì vậy không thể giảm giá bán như các quầy thịt bình ổn giá.

Tuy vậy, để chung tay giải cứu người nuôi heo, hệ thống siêu thị cũng thường xuyên có những đợt khuyến mãi giảm giá thịt 5- 10%, đồng thời cho các hộ chăn nuôi tự mổ heo đem đến bán bên ngoài siêu thị mà không thu tiền mặt bằng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh