Hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, có ít nhất 3ha mới có thể làm giàu, còn nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay thì khó thoát nghèo.
Nông dân có thể lấy ruộng đất góp cổ phần và làm cổ đông. |
Hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, có ít nhất 3ha mới có thể làm giàu, còn nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay thì khó thoát nghèo.
Nhận định này được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đưa ra tại hội thảo “Tích tụ, tập trung đất đai vùng ĐBSCL trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa” tại Cần Thơ mới đây.
Sản xuất nhỏ lẻ khó thoát nghèo
GIZ nhận định ĐBSCL là nơi có điều kiện ưu đãi nhất về sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo và có ít nhất 3ha mới đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình ở nông thôn. Do đó, nông hộ nhỏ lẻ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì muốn làm giàu, họ phải có trên 3ha.
Cũng theo đại diện GIZ, mô hình cánh đồng lớn, liên kết giữa “4 nhà” là một trong những hình thức tập trung diện tích đất để sản xuất lúa quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ và có chất lượng đồng nhất phục vụ xuất khẩu. Nhưng tính đến cuối năm 2015, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng.
Số liệu của GIZ cũng khá phù hợp với báo cáo của Bộ Nông nghiệp- PTNT là số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng chỉ vỏn vẹn 3.640 doanh nghiệp vào năm 2015, chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đáng chú ý trong số này có 85% là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nhà nước gần như vắng bóng.
Tại hội thảo, ông Trịnh Công Minh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng, khó khăn để thực hiện chủ trương lớn về tích tụ ruộng đất là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô hộ gia đình, với đặc trưng là đất hẹp, người đông.
Ông cho biết bình quân diện tích đất nông nghiệp/hộ của Tiền Giang là 0,57ha (bình quân toàn vùng ĐBSCL là 1,41 ha/hộ), sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Điều này đã cản trở việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ về quy trình sản xuất, chủng loại sản phẩm.
Còn theo ông Cao Văn Viết- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre, tích tụ ruộng đất quy mô lớn được coi là bước thứ hai sau dồn điền, đổi thửa nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất đang là “nút thắt” lớn nhất cản trở sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua, tích tụ tập trung đất ở ĐBSCL chủ yếu là liên kết sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn và đã đạt được một số thành công nhất định. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, phát triển kinh tế trang trại dù chậm, nhưng đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, tập trung nguồn lực thông qua quá trình tích tụ ruộng đất gắn liền thu hút lao động ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Doanh nghiệp doanh nhân phải là mũi nhọn
Ông Trần Hữu Tín- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, muốn có vùng sản xuất lớn hoặc nhỏ thì cần theo yêu cầu của doanh nhân chứ không thể quy hoạch hàng ngàn hecta, trong khi nhà đầu tư chưa cần đến vậy, cho nên có thể hình thành vùng sản xuất với quy mô phù hợp với khả năng của nhà đầu tư cụ thể.
Bên cạnh, doanh nhân đầu tư cần có sự hỗ trợ của Nhà nước như cơ chế chính sách thông thoáng, miễn, giảm thuế, ngân hàng cho vay lãi suất thấp, Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc là vay ưu đãi.
Nói như ông Nguyễn Minh Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Hãy làm kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng là bắt đầu từ con người, từ niềm tin chớ không phải từ đất- hạn điền, tiền vốn hay khoa học công nghệ nào khác. Phải bình đẳng và chân thành với nông dân và doanh nhân!”
Liên quan đến vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo trong thời gian tới, cần thúc đẩy chủ trương lớn này, tạo điều kiện để cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản đất đai.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lại các mô hình sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với trình độ của nền kinh tế và tình hình thực tế của địa phương; trong đó, cần chú ý vai trò chủ lực của doanh nghiệp để tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp.
UBND các tỉnh- thành đồng thời tổ chức công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Trên cơ sở đó, hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Về chính sách đất đai tích tụ ruộng đất, ông Trần Hữu Tín đề xuất giải pháp cho nông dân lấy ruộng đất góp cổ phần, nông dân là một cổ đông, hoặc nông dân cho thuê đất hay bán đất cho doanh nghiệp. Hạn điền thì không giới hạn, tùy theo quy mô đầu tư của từng doanh nghiệp. Muốn chuyển đổi cơ cấu phải tổ chức lại sản xuất và doanh nghiệp, doanh nhân là mũi nhọn, là người trực tiếp bắt tay vào sản xuất. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin