Mấy năm gần đây, cây thanh long trồng trên đất Tiền Giang, Long An đã góp phần giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhờ đó mà diện tích trồng thanh long luôn được mở rộng. Thanh long được giá cao nên càng kích thích người dân ĐBSCL bỏ lúa, bỏ các loại cây khác… để chuyển sang trồng thanh long.
Mấy năm gần đây, cây thanh long trồng trên đất Tiền Giang, Long An đã góp phần giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhờ đó mà diện tích trồng thanh long luôn được mở rộng. Thanh long được giá cao nên càng kích thích người dân ĐBSCL bỏ lúa, bỏ các loại cây khác… để chuyển sang trồng thanh long.
Phát triển “nóng”
Có thể khẳng định trong mấy năm qua, chưa có loại cây trồng nào đem lại cho nông dân lợi nhuận nhiều bằng cây thanh long. Cứ mỗi một héc-ta, trung bình cho lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng. Còn nếu trồng thanh long ruột đỏ, trúng giá có thể lợi nhuận lên đến cả tỷ đồng.
Có lẽ vậy mà mấy năm gần đây, người dân mạnh dạn bỏ lúa để trồng thanh long. Tại huyện Châu Thành (Long An), nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có khoảng 1.000ha thanh long thì nay diện tích thanh long đã đạt gần 8.000ha.
Trung bình mỗi năm người dân bỏ gần 1.000ha lúa để trồng thanh long. Chưa hết, chủ trương của huyện Châu Thành là sẽ tiếp tục vận động nông dân “triệt” cây lúa vào cuối năm 2017, để tập trung dành đất cho cây thanh long và con tôm (khoảng 1.000ha).
Theo kế hoạch, huyện Châu Thành sẽ đạt diện tích từ hơn 7.000ha vào năm 2017, sau đó nâng lên 8.000ha vào năm 2020, trong số này có 2.000ha đạt chuẩn VietGap. Thế nhưng hiện nay, người dân đã “chạy trước” kế hoạch của huyện gần 4 năm (đã đạt gần 8.000ha).
Thanh long giúp nhiều nông dân làm giàu |
Chỉ tính riêng năm 2016, hàng chục ngàn lao động tại huyện Châu Thành đã có được việc làm nhờ vào cây thanh long.
Chỉ cần một người đi vuốt ngoe, cắt chèo, hái trái thanh long… có thể kiếm được khoảng 400.000 đồng/ngày, cao hơn so với người đi làm thợ hồ chỉ có 180.000-200.000 đồng/ngày.
Chưa hết, cũng nhờ vào cây thanh long, mà năm 2016, đã có hơn 1.500 hộ dân ở đây thoát được nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Theo nguồn tin từ một cơ quan chức năng của tỉnh Long An, năm 2016, có hơn 300 chiếc xe ô tô các loại được “rinh” về huyện Châu Thành, mà tiền để mua xe phần nhiều là do cây thanh long đóng góp.
Còn ở Tiền Giang, diện tích trồng thanh long cũng được người dân nhanh chóng mở rộng. Như tại huyện Chợ Gạo, năm 2010, cây thanh long chỉ hơn 2.000ha, nay đã lên trên 6.000ha; trong đó riêng năm 2016 có khoảng 500ha thanh long được trồng mới. Theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, cây thanh long là một trong những cây được ưu tiên phát triển. Kế hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng thanh long của tỉnh phải đạt hơn 8.000ha; đến năm 2025 đạt khoảng 10.000ha…
Nhiều người ở huyện Chợ Gạo đã giàu có lên nhờ vào cây thanh long. Cho nên, dự báo thời gian tới người dân sẽ bỏ các loại rau màu, cây ăn trái khác để ùn ùn chuyển sang trồng thanh long.
Ông Trần Văn Hòa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo, nhìn nhận: “Cứ bình quân 1ha thanh long, một năm cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm lúa, thì sắp tới diện tích trồng lúa của huyện có thể bị thay thế bằng thanh long. Đó là chưa nói đến việc dân cũng thường chạy theo “phong trào” đốn bỏ thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ, vì giá cao hơn”.
Cần bền vững
Vấn đề đáng quan tâm là liệu cây thanh long thật sự là cây có thể tiếp tục giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, hay chỉ là nhất thời, ăn may... Nguyên nhân là do mấy năm qua, cũng có những lúc thanh long rớt giá, người trồng mấy bận thua lỗ, lao đao.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, vấn đề đầu ra và giữ giá thanh long ổn định đang là chuyện lo lắng hiện nay. Để giải bài toán này, trước tiên là phải tổ chức lại sản xuất hợp lý, khuyến cáo và hỗ trợ nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng chuyên canh thanh long để tìm đầu ra cho thanh long; nhất là xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…
Cùng quan điểm này, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho rằng: “Hạn chế hiện nay là thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu thị trường này gặp trở ngại là người trồng sẽ khó khăn.
Để trái thanh long “dễ thở”, người dân phải từng bước trồng thanh long theo hướng sạch. Có như thế thì thanh long mới có thể có “đủ tư cách” xâm nhập vào các thị trường mới, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Đây cũng là định hướng mà Long An và Tiền Giang đã bàn tính và quyết tâm thực hiện để giúp cho trái thanh long đứng vững trên thị trường, giúp người trồng thanh long có lời, an tâm sản xuất…”.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin