Nông nghiệp 25 năm- Cơ cấu lại để đi tới

03:04, 28/04/2017

Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản trong các giai đoạn từ sau năm 2000 tăng khá cao.

Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản trong các giai đoạn từ sau năm 2000 tăng khá cao.

Tuy những năm gần đây tốc độ tăng có chậm hơn trước, nhưng chất lượng lại được nâng cao. Nông nghiệp từng bước được cơ cấu lại, phát triển theo chiều sâu, tăng năng suất và chất lượng.

Doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.
Doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

Hành trình cán mốc 1 triệu tấn lúa

Theo ông Trần Hữu Tín- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, nếu như tỉnh Cửu Long với thuận lợi là có đồng bằng, có biển, có rừng, điều kiện tự nhiên đem lại kinh tế tương đối toàn diện; thì thời điểm tách tỉnh, có thể nói, tỉnh Vĩnh Long thừa hưởng các công trình thủy lợi đã được đầu tư trước đó.

Nổi bật là đào lớn kinh 19 Tháng 5 nối sông Măng Thít với kinh Tiểu Cần- Trà Cú, đào kinh Thống Nhất (Vĩnh Long), nạo vét thêm các kinh cũ đã bị bồi lấp như Tầm Vu, Từ Tải, Trà Ngoa, Tổng Hưng,…

Các cống ngăn mặn, tiêu úng được xây dựng như La Ban, Bến Giá (Trà Vinh), mở rộng kinh Tiểu Cần- Trà Cú, đặc biệt là đắp đập ngăn mặn như Bến Giá, Giồng Trôm, La Ghì, 19 Tháng 5,…

Tiếp đó, các công trình đê ngăn mặn và cống đã được xây dựng như cống Nhà Thờ, Vàm Buôn, Trèm Trẹm, Thâu Râu, Chà Và, Bắc Trang, Bà Trâm, Diệp Thạch, La Ban,… Các kinh rạch trong khu ngọt hóa từ sông Măng Thít đến kinh Quan Chánh Bố đã cơ bản hoàn thành.

Sau khi tách tỉnh, thủy lợi được đầu tư trên 620 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước và nhân dân đóng góp, huy động hàng triệu công lao động thủ công làm thủy lợi, xây dựng, cải tạo nâng cấp trên 11.100 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho hầu hết diện tích canh tác trong tỉnh.

Nhờ đó, sản lượng lương thực năm 1998 đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn. Ngành nông nghiệp giữ vững vai trò then chốt, là nhân tố chính để duy trì, ổn định và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế.

So với thời điểm mới tách tỉnh, sản lượng lúa tăng từ 683.000 tấn năm 1992 lên gần 941.000 tấn năm 2016. Diện tích trồng màu cũng tăng từ 10.386ha lên 46.255ha.

Giá trị ngành chăn nuôi, thủy sản không ngừng tăng lên. Toàn tỉnh hiện có 935 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích nuôi thủy sản 2.396ha, với tổng sản lượng 112.281 tấn trong năm 2016.

Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như vùng chuyên canh nhãn, chôm chôm (Long Hồ), cam sành (Tam Bình và Trà Ôn), khoai lang (Bình Tân và Bình Minh), xà lách xoong, rau diếp cá (Bình Minh)… mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi hecta.

Cùng đó, chương trình giống nông nghiệp, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Thách thức trong tổ chức lại sản xuất

Bên cạnh những thành quả, ngành nông nghiệp tỉnh đang đứng trước thách thức trong việc chuyển đổi cơ cấu, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao giá trị, ứng dụng các quy trình sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủy lợi góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển nông nghiệp của tỉnh
Thủy lợi góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển nông nghiệp của tỉnh

Gần đây nhất, lúa Đông Xuân năm 2015- 2016 của tỉnh sản xuất trong điều kiện không có lũ và hạn, mặn, nắng nóng kéo dài.

Xâm nhập mặn đã đe dọa trực tiếp đến nhiều diện tích vườn cây ăn trái. Trong khi đó, lúa Hè Thu và Thu Đông lại chịu ảnh hưởng của giông lốc và mưa lớn làm đổ ngã ảnh hưởng năng suất.

Đánh giá của BCĐ Thực hiện đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, do chịu ảnh hưởng hạn, mặn nên năng suất và sản lượng của một số loại cây trồng chính như lúa, màu bị giảm.

Hạn, mặn cũng làm giảm sản lượng thu hoạch của một số diện tích vườn cây ăn trái. So với mục tiêu cơ cấu lại là giảm diện tích lúa kém hiệu quả chưa đạt yêu cầu, diện tích màu tăng không đạt kế hoạch, tổng sản lượng thấp hơn kế hoạch.

Diện tích cây ăn trái có tăng. Các hoạt động hỗ trợ khôi phục vườn chuyên canh cây ăn trái và phát triển các vườn chuyên canh mới đang phát huy hiệu quả.

Riêng việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi đang đúng hướng đề ra. Công tác giống được đầu tư như sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo, gia cầm giống mới đang được triển khai.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, việc chuyển đổi cơ cấu đang được tập trung ở vùng đất sản xuất kém hiệu quả, nhất là những nơi lúa đạt năng suất thấp.

Việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi được cân nhắc thích ứng với điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu cũng như phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, đồng thời quan tâm đến thị trường tiêu thụ, cân đối cung- cầu.

Ông Trần Hữu Tín cho rằng, đối với cây lúa, cần thiết tổ chức lại sản xuất từ việc chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa, sang 2 vụ ăn chắc để đất có thời gian ngơi nghỉ, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Bên cạnh đó, chất lượng lúa gạo cần có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành kỹ thuật, có xuất xứ, có quy trình sản xuất, muốn vậy thì không thể sản xuất riêng lẻ mà phải tổ chức sản xuất lại theo vùng, theo quy mô thích hợp yêu cầu của thị trường.

Cũng theo ông Trần Hữu Tín, hình thức hợp tác sản xuất- tiêu thụ ở lĩnh vực thủy sản, trái cây, rau quả rất đáng để quan tâm. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu, tìm thị trường xuất khẩu và đầu tư trở lại cho người nuôi, trồng.

Đó là mô hình chính để tổ chức lại sản xuất. Muốn chuyển đổi cơ cấu phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp, doanh nhân chính là mũi nhọn. Do đó, cần thu hút doanh nhân đầu tư nông nghiệp với cơ chế chính sách thông thoáng.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh