Năm nay, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (6 tháng đầu năm 2013 cũng giảm 1,82%). Trong khi đó, nông nghiệp vốn là chỗ dựa tin cậy của ngành kinh tế, là thu nhập chủ yếu của đa số người dân Vĩnh Long.
Năm nay, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (6 tháng đầu năm 2013 cũng giảm 1,82%). Trong khi đó, nông nghiệp vốn là chỗ dựa tin cậy của ngành kinh tế, là thu nhập chủ yếu của đa số người dân Vĩnh Long.
Điều này cho thấy, cơ cấu lại nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự va đập của kinh tế thị trường cũng như tác động không nhỏ từ biến đổi khí hậu, cần phải có sự đồng lòng, đồng bộ và “kiên cường” để vượt khó, phát triển bền vững.
Rau màu luân canh trên đất lúa cho giá trị kinh tế khá cao. |
Thiệt hại kép
Nếu đầu năm 2013, khô hạn đe dọa “vựa trái cây” đồng bằng thì năm 2016 “mặn chưa từng có” nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua lại bủa quây, mưa gió bất thường khiến sản xuất nông nghiệp cực khó.
Riêng Vĩnh Long, chỉ trong 1 tháng, hạn mặn đã làm hơn 23.000ha cây trồng chịu ảnh hưởng; trên 3.950ha lúa Hè Thu bị đổ ngã do mưa lớn kéo dài,… ước tổng thiệt hại là 252 tỷ đồng.
Diện tích sản xuất lúa, màu, cây ăn trái đều giảm về năng suất và sản lượng. Khi đó tại các cuộc họp khẩn tìm giải pháp ứng phó, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT phải thốt lên: “Ngành nông nghiệp của tỉnh đang hứng chịu thiệt hại kép từ hạn, mặn”.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong tìm giải pháp phục hồi, nhưng bởi tác động thiên tai thời gian qua quá nặng nề cùng ảnh hưởng yếu tố thị trường, giá cả nhiều nông sản xuống thấp nên cuối năm nông nghiệp tiếp tục chịu tác động.
Ước giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,84%, so năm 2015, trong đó nông nghiệp giảm 3,4%. Ngoài cây lúa, ngành trồng trọt cũng “lâm nguy” với diện tích trồng màu cả năm 46.225ha, giảm 1,02%; còn ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cá tra lại “một năm mất giá”, nhiều hộ phải treo ao…
Ông Nguyễn Minh Tho còn cho rằng, tất cả những điều nói trên không chỉ do thiên tai mà nhân tai cũng là tác nhân cộng hưởng khiến chúng ta buộc phải chứng kiến tình trạng tăng trưởng âm trong năm nay.
Với một tỉnh mà phần lớn dân cư sống ở khu vực nông thôn như Vĩnh Long, tăng trưởng âm của khu vực nông nghiệp có nghĩa là nguồn thu nhập rất quan trọng của bộ phận dân cư này đã giảm.
Song, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc sản xuất nông nghiệp chịu tác động của thiên tai đã được cảnh báo từ lâu và ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để chủ động thích ứng.
Đáng tiếc là nông nghiệp vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, chưa tự vượt qua được những hạn chế, yếu kém. Đó là khả năng cạnh tranh của một số ngành hàng nông sản xuất khẩu vốn được coi là thế mạnh như gạo, thủy sản,… không mạnh, so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Trong khi đó, công tác đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm. Các hình thức hợp tác và liên kết sản xuất mới chỉ tập trung nhiều ở lĩnh vực trồng trọt, các lĩnh vực khác còn rất ít và hiệu quả chưa ổn định.
Quyết liệt vực dậy nông nghiệp
Nói về giải pháp vực dậy nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tho cho biết, đã quyết liệt thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó chú trọng đưa cây màu xuống ruộng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Ngành đã tổ chức đánh giá bổ sung lịch thời vụ cũng như cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hiện nay… Tỉnh cũng tăng diện tích lúa Thu Đông ở những vùng phù hợp, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, bù lại sản lượng lúa Hè Thu bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng, nhất là các loại có hiệu quả kinh tế cao như khoai lang, bắp…; tổ chức chăm sóc tốt các vườn cây ăn trái ở những vùng không bị ảnh hưởng mặn như huyện Bình Tân, Mang Thít, Long Hồ để tăng năng suất.
Còn theo Ths. Nguyễn Văn Liêm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất là ưu tiên thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.
Hiện hầu hết các huyện đều xây dựng cánh đồng mẫu lớn kết hợp liên kết bao tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp. |
Ngành đã hình thành các mô hình kiểu mẫu như cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 11.000ha tại 7 huyện, sản xuất từ 1- 2 giống chất lượng cao và đã có 5 mô hình đạt chứng nhận VietGAP với trên 180ha.
Bên cạnh, nhiều chính sách tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nông sản.
Trên cây lâu năm, đã hình thành vùng sản xuất lớn có thương hiệu và phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực như bưởi Năm Roi (Bình Minh), cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Thiện (Trà Ôn). Vùng rau màu khuyến khích sản xuất mô hình chuyên canh, luân canh theo hướng an toàn cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại lợi nhuận cao gấp 2- 3 lần trồng lúa.
Đáng chú ý, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, với 100% khâu thu hoạch và hơn 96% khâu làm đất. Nhiều giống cây trồng- vật nuôi mới đưa vào sản xuất, từng bước đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, có thực tế đáng lo ngại là giá trị sản xuất ngành tăng trưởng nhưng với chiều hướng chậm lại.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.
|
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Vĩnh Long cần bỏ tư duy “chị nuôi” đứng ở cửa sau đảm bảo bếp ăn cho mọi người, mà cần phải tiến lên cửa trước, trở thành một “tiểu thương” chuyên nghiệp. Nghĩa là phải nâng tầm nông nghiệp từ sản xuất thô sơ đi vào công nghiệp hóa nông nghiệp.
Điều này sẽ trở thành hiện thực, chẳng hạn như hồi đầu năm 2016, Công ty CP Kushima Aoi Farm (Nhật Bản) đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án sản xuất, chế biến và kinh doanh khoai lang. Cùng với đó là dự án Nhà máy đóng hộp rau, củ, quả Sông Hậu theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc đã được khởi công tại TX Bình Minh.
Tất cả những nhân tố này sẽ góp phần từng bước cơ cấu lại nền nông nghiệp, đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, sẵn sàng hội nhập.
- Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin