Làm giàu bằng cây màu trên đất ruộng

04:01, 31/01/2017

Chuyện chú Ba lời trăm triệu nhờ bán dưa leo, chị Hai "qua cái khổ" nhờ trồng 2 công khổ qua,… làm vui cả xóm làng. 

Chuyện chú Ba lời trăm triệu nhờ bán dưa leo, chị Hai “qua cái khổ” nhờ trồng 2 công khổ qua,… làm vui cả xóm làng.

Những cánh đồng dưa leo, bầu bí,… bát ngát xanh, xa xa có nụ cười giòn vì được mùa, được giá. Tam Bình đã bước đầu gặt hái thành công từ cơ cấu lại cây trồng theo hướng đưa cây màu xuống nền đất lúa.

Một công màu bằng… 5 công lúa!

Từ mờ sáng, chú Trần Văn Tần ở ấp An Hòa (xã Bình Ninh) cùng vợ và các con đã ra ruộng dưa leo cách nhà chừng 2km. Lội bộ qua cánh đồng lúa mênh mông, ruộng dưa của chú Tần với 1,6ha chia làm 3 thửa nằm xanh um giữa miên man lúa.

Con chú Lâm bên ruộng dưa leo nhà.
Con chú Lâm bên ruộng dưa leo nhà.

Chú Tần đang cắt dưa, cười tươi khi thấy khách: “Đợi chú cắt hết giồng này lên liền”. Tôi định chờ chú hái xong dưa thì chú cười: “Chú hái tới 2 giờ chiều mới xong à”.

Chú Tần trồng rẫy cách đây 30 năm, là một trong những nông dân mở đầu cho việc trồng màu ở xã. Chú cười tươi: “Ra riêng với 3 công lúa rồi mấy đứa con ra đời, không đủ sống nên chú quyết định lên luống trồng màu”.

 

Chú Tần nói, “hái dưa leo riết ghiền”.
Chú Tần nói, “hái dưa leo riết ghiền”.

Gần 30 năm gắn với cây màu, chú Tần đã tích lũy thêm 13 công đất ruộng trồng màu và xen cam. Chú vui vẻ: “Trồng màu lời gấp 5, gấp 7 lần làm ruộng”. Rồi chú nhẩm tính lợi nhuận mấy ngày nay “mỗi ngày 1,5 tấn dưa, nhân cho 9.000 đ/kg là được… gộp lại 4 công đang cho trái này lời 180 triệu”.

Ngoài ra, chú Tần còn xuống 8 công cam xen giữa giàn dưa leo. Chú nói: “Chú chuyển phân nửa đất sang trồng cam, bây giờ cam còn nhỏ thì lấy ngắn nuôi dài”. Tôi ra về, chú Tần còn mời “Chiều nào rảnh ghé nhà chú chơi, có đờn ca tài tử!”

Đối với chú Nguyễn Hoàng Lâm (ấp Bình Quí, xã Ngãi Tứ) thì cây màu với chú như một người bạn đã nuôi sống cả gia đình. Chỉ tay vào anh thanh niên đang làm cỏ ruộng dưa leo, chú Lâm vui vẻ nói: “Tui lên ruộng trồng màu hồi cái năm thằng Út nó mới biết bò, nay nó đã 30 tuổi rồi”.

Theo chú Lâm thì làm ruộng “chỉ lời được vài triệu mùa Đông Xuân, còn các mùa còn lại xem như kiếm gạo ăn”. Hiện tại, chú Lâm làm 6 công màu và 1,5 công lúa.

Giàn dưa leo của chú đặc biệt xanh mướt giữa cánh đồng màu Ngãi Tứ, chú vui vẻ: “Có khi trúng đậm, một công đất mỗi ngày tui cắt cụp cái 500kg dưa leo”.

Với giá cân cho lái 5.000 đ/kg như trước đây, chú Lâm nhẩm tính mỗi công dưa lời ít nhất 10 triệu đồng, còn với giá 9.000 đ/kg như hiện nay thì “quá ngon”. Chú cười giòn: “Vụ này kiếm bạc trăm triệu không khó”.

Cây màu xuống ruộng

Ông Nguyễn Văn Thả- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình cho biết: Năm 2016, toàn huyện có 2.233ha màu xuống ruộng đạt 101,5% kế hoạch năm. Trong đó, xã Bình Ninh và Ngãi Tứ chiếm diện tích màu xuống ruộng nhiều nhất huyện.

Giàn khổ qua của chị Tím đã giúp chị bước qua cảnh khổ.
Giàn khổ qua của chị Tím đã giúp chị bước qua cảnh khổ.

Nhờ chuyển đổi sang trồng màu, nhiều gia đình tăng thu nhập vượt khó khăn nuôi con ăn học thành tài. Cô Lê Thị Lan (ấp Bình Quí, xã Ngãi Tứ) đón chúng tôi trong căn nhà khang trang.

Cô Lan có 2 người con- 1 đã học xong đại học và có việc làm, con trai út đã trúng tuyển xuất khẩu lao động sang Nhật đang chờ ngày bay.

Gia đình cô Lan có 3 thế hệ với 6 người, tài sản duy nhất là 3 công đất ruộng. “Mần ruộng không đủ sống, mấy năm nay tui chuyển sang trồng màu, lời gấp 5 lần trồng lúa”- cô Lan nói.

Tuy nhiên, người trồng màu cần tốn công chăm sóc nhiều hơn. Cô Lan cho biết: “Mỗi năm, tôi làm 3 mùa dưa leo, 3 mùa đậu là… đủ sống”. Cứ mỗi khi dưa leo có trái vài ngày là cô Lan tỉa đậu gần gốc dưa, khi dưa tàn thì đậu cũng sắp có trái.

Những cánh đồng màu ở Tam Bình.
Những cánh đồng màu ở Tam Bình.

Hiểu được hiệu quả của cây màu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Tím (ấp An Phú, xã Bình Ninh) chuyển 2 công ruộng sang trồng khổ qua. Chị Tím vừa cân khổ qua cho lái xong với giá 13.500 đ/kg. Chị vui vẻ: “Giá này lời ngon, làm rẫy lời hơn ruộng nhiều lắm”.

Chị Tím vui vẻ: “Tôi còn 4 công lúa cũng muốn lên màu lắm mà còn sợ chăm sóc không nổi. Con còn nhỏ, chồng thì đi làm,… chứ làm màu riết ghiền lắm”.

Thấy được hiệu quả, huyện Tam Bình chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích nông dân trồng màu trên đất lúa. Kết quả là nhiều hộ vượt qua khó khăn, ăn nên làm ra nhờ cây màu. Mai này, có lẽ Tam Bình sẽ đưa cây cam xuống ruộng để gây dựng lại thương hiệu cam sành Tam Bình. 

Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình

Chuyển dịch cơ cấu lại nông nghiệp là mục tiêu của huyện. Trong đó, huyện tập trung đưa cây màu và cây cam xuống ruộng. Thực tế, thời gian qua cây màu xuống ruộng đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong năm mới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này và khôi phục vườn cam hiện có.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh