Sản xuất nông nghiệp- tìm cơ hội trong thách thức

11:11, 01/11/2016

Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tác động lớn đến sản xuất của ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL, kéo theo những hệ lụy lâu dài. ĐBSCL làm gì để tận dụng được các cơ hội từ những nguy cơ phải đối mặt trong điều kiện thay đổi hiện nay?

 

Xuất khẩu rau quả từ đầu năm 2016 đến nay đã vượt xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu rau quả từ đầu năm 2016 đến nay đã vượt xuất khẩu gạo.

Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tác động lớn đến sản xuất của ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL, kéo theo những hệ lụy lâu dài. ĐBSCL làm gì để tận dụng được các cơ hội từ những nguy cơ phải đối mặt trong điều kiện thay đổi hiện nay?

Vừa qua tại Cần Thơ, Diễn đàn Mekong Connect 2016 với tham vọng “Tìm Cơ trong Nguy- Đối mặt BĐKH, Vấn nạn môi trường và Thách thức hội nhập”, nhiều diễn giả và lãnh đạo địa phương đã gợi mở giải pháp đổi mới nông nghiệp.

Những thách thức trong nông nghiệp

Những tác động của BĐKH ngày càng biểu hiện rõ nét. Đỉnh điểm là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất đầu năm 2016 đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng trước hết là tài nguyên đất và nước trở nên khan hiếm hơn. Trước đây Việt Nam rất dồi dào về nước, thì hiện nay nước ngày càng cạn kiệt và trở thành câu chuyện thách thức không kém gì đất đai.

Đó vừa do tác động của BĐKH, thảm họa môi trường, nhưng cũng do chúng ta khai thác tài nguyên nước không hợp lý, nên việc khai thác phải được xem lại, nếu không nó là mối lo lớn cho nông nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường của sản phẩm nông nghiệp biến động và thách thức về cầu là một điều cần hết sức lưu ý và phải chuyển từ xuất khẩu nhiều, giá rẻ, dựa vào tự nhiên, sức lao động của con người cũng như đầu tư rất lớn về thủy lợi, vật tư nông nghiệp, sang xu hướng của thời đại mới là sản phẩm phải chất lượng, an toàn.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, Nhà nước đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp hơn số vốn đáng lẽ phải bỏ vào lĩnh vực này, ít nhất 10%/tổng giá trị sản lượng nông nghiệp (hiện nay đầu tư chỉ 6- 7%). Đó là điều không hợp lý.

Cùng với đó, liên kết giữa các ngành hay trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng rất kém và cần phải thúc đẩy hơn rất nhiều. Công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp yếu và điều này thể hiện khá rõ ở sự gắn kết giữa các ngành công nghiệp, dịch vụ và phục vụ lại cho nông nghiệp cũng còn hạn chế, chưa khai thác hết nông nghiệp như một nguồn cung đầu vào rất lớn cho ngành công nghiệp.

TS. Philip Zerrillo (ĐH Quản trị Singapore- SMU) cho biết:

“Tuần qua tôi có cuộc trò chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ông luôn nhấn mạnh rằng Việt Nam đang phải đương đầu với khó khăn lớn nhất là BĐKH. Khi ĐBSCL không còn đủ nước sạch để trồng lúa cũng là lúc Việt Nam phải chuyển đổi mô hình kinh tế, từ mô hình phụ thuộc vào nhân lực rẻ và tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tập trung vào công nghệ và nhân lực kỹ thuật”.

Trong khi việc “giữ nhân lực làm nông nghiệp” cũng là thách thức khác được các chuyên gia đưa ra. Trước thực trạng dân số làm nông nghiệp bị lão hóa và khó giữ tài năng trẻ làm trong nông nghiệp. Nông nghiệp phải chịu cạnh tranh của đô thị, của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong thu hút tài năng quản trị cũng như các nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tìm cơ hội trong thách thức

Thực tế ngành nông nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng âm do hạn hán, xâm nhập mặn. Điểm đáng chú ý là xuất khẩu rau quả từ đầu năm 2016 đến nay đã “vượt mặt” xuất khẩu gạo, xuất khẩu nông- lâm- thủy sản có dấu hiệu chững lại trong 2 năm trở lại đây với kim ngạch khoảng 30- 31 tỷ USD.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nếu chúng ta không chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, dinh dưỡng cần thiết thì rất khó cạnh tranh trực tiếp về nông nghiệp, dù có nhiều sản phẩm.

Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào thời kỳ của BĐKH, tương lai của nông sản vẫn là dấu hỏi lớn khi theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá trong thời gian tới.

Trước tình trạng sản xuất lúa “không cho đất nghỉ” ở ĐBSCL hiện nay, trao đổi với phóng viên bên lề diễn đàn, bà Phạm Chi Lan cho rằng để gia tăng năng suất lúa nông dân đã dùng quá nhiều hóa chất.

“Tăng trưởng xanh và bền vững là hướng thay đổi tốt mà ngành nông nghiệp cần hướng tới. Chúng ta có thể giảm 1/3 lượng lúa gạo nhưng vẫn đảm bảo thu nhập tốt của người nông dân.

Lâu dài ĐBSCL cần có những bài toán sản xuất khác ngoài lúa. Chẳng hạn những tháng đầu năm nay, khi xuất khẩu lúa gạo gặp khó thì các sản phẩm thủy sản, rau củ quả lại rất thành công, thì tại sao chỉ là lúa thôi”- bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.

Ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ- cho rằng trong khó khăn, không phải là không có lối ra nếu chúng ta cùng quyết tâm hành động.

Ông dẫn chứng, ngày 24/10 vừa qua, chiếc tàu đầu tiên chở hàng trăm container có trọng lượng gần 7.000 tấn lưu thông từ biển qua kinh Quan Chánh Bố vào sông Hậu để đến cảng Cái Cui (Cần Thơ). Sự kiện này mở ra hướng phát triển về giao thông vận tải cho khu vực, khiến cho hàng hóa được luân chuyển thuận lợi hơn.

Trong “cái khó ló cái khôn” như chia sẻ của ông Phan Văn Mãi- Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: “Vụ hạn mặn vừa rồi đã đem lại một tâm thế sẵn sàng đổi mới trong chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương.

Đồng thời việc chuyển đổi trong cơ cấu nông nghiệp tại địa phương cũng nhận được sự đồng thuận của người dân”. Mặt khác, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ), nhận định: “Dưới tác động của BĐKH, chúng ta- từ chính quyền trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân đều ý thức hơn về vấn đề này.

Những thay đổi trong việc lựa chọn công nghệ, năng lượng thân thiện với môi trường được quan tâm và thực hiện. Trên bình diện quốc tế, thế giới biết đến ĐBSCL nhiều hơn. Người ta xem đây là trường hợp điển hình cho cả thế giới. Nhờ đó ta có thể tiếp ứng và học được nhiều bài học trên thế giới".

Ngoài ra, theo ông Lê Anh Tuấn, nhiều báo cáo cho thấy trong tương lai sẽ có mùa khô kéo dài, nóng hơn. Điều này có thể tạo điều kiện cho ngành du lịch hoạt động dài hơn; nguồn năng lượng mặt trời nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi những thách thức xuất hiện, đó cũng là cơ hội kinh doanh và chắc chắn ĐBSCL sẽ xuất hiện những doanh nhân mới gắn liền với nông nghiệp trong thời đại mới. Quan trọng nhất, đó là một cơ hội để chúng ta nghiêm túc nhìn lại và đưa ra những thay đổi về chính sách điều hành, đặc biệt trong câu chuyện nông nghiệp.

 

Báo cáo phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng thế giới, nhận định rằng: sản lượng lúa của vùng ĐBSCL và cả nước phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô, ví dụ lượng tiêu dùng gạo trong nước và xuất khẩu. Mức tiêu thụ gạo trên đầu người tại Việt Nam dự kiến sẽ giảm 10- 30% trong 2 thập kỷ tới và nếu giảm 30% thì mức tiêu thụ Việt Nam sẽ bằng với Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc hiện nay.

Nếu tính thêm hiện tượng già hóa dân số và tốc độ tăng dân số giảm thì lượng tiêu thụ tuyệt đối của Việt Nam sẽ giảm. Hiện nay Việt Nam dư thừa rất nhiều gạo xuất khẩu, vì vậy trong vài thập kỷ tới BĐKH sẽ không đe dọa an ninh lương thực. Nếu đất lúa được chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì cả người dân, doanh nghiệp và xã hội nói chung đều được hưởng lợi.

™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh