Triều cường, mưa dầm thời gian qua khiến nhiều ruộng lúa thất thu nặng. Không chỉ vậy, một số tuyến đê bao bị tràn, sạt lở cũng đã đe dọa nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái. Thời tiết bất lợi khiến nông dân (ND) gặp khó.
Mưa nhiều khiến việc thu hoạch lúa gặp nhiều khó khăn. |
Triều cường, mưa dầm thời gian qua khiến nhiều ruộng lúa thất thu nặng. Không chỉ vậy, một số tuyến đê bao bị tràn, sạt lở cũng đã đe dọa nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái. Thời tiết bất lợi khiến nông dân (ND) gặp khó.
Mưa dầm, lúa sập, thất thu
Nhiều ND lo lắng, thậm chí “khóc ròng” vì gần tới ngày thu hoạch nhưng do trời mưa dầm, lúa bị ngã rạp. Vì vậy, việc thu hoạch gặp khó khăn, tốn thêm chi phí và bị thất thoát nhiều, chất lượng hạt giảm, kéo theo giá giảm.
Trong khi đó, không ít ruộng lúa còn xanh nhưng cũng bị đổ ngã nên nhiều ND phải nhanh chóng cắt lúa.
Nhìn cánh đồng lúa sập nằm bẹp vì mưa kéo dài mấy ngày liền, chú Nguyễn Văn Nam (xã Tân Long- Mang Thít) than thở:
“Còn chừng 10 ngày nữa thu hoạch mà mưa hoài, lúa bị ngã hơn 40%. Nếu thời tiết thuận lợi, ước thu hoạch khoảng 800- 900kg lúa/công, nhưng giờ không biết còn được bao nhiêu, rầu quá. Nhà tôi có 4 công ruộng, vụ trước cắt máy hơn một giờ là xong, bán lúa tại ruộng luôn. Còn vụ này mưa quá nên cắt bằng tay, tôi phải thuê thêm người, tốn thêm chi phí nữa”.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hai (xã Bình Phước- Mang Thít) đang cắt lúa sập cho hay: “Lúa đang phát triển tốt, hơn 1 tuần nữa là thu hoạch nhưng giờ bị ngã nhiều quá.
Cả gia đình tôi chỉ còn cách gom lúa thành từng bó để dễ thu hoạch và hạn chế hao hụt nhưng vẫn không ăn thua gì. Lúa ngã mà tìm nhân công cắt cũng đỏ con mắt, giá tới 500.000 đ/công. Vụ này năng suất lúa giảm hơn 50%, lỗ là chắc”.
Thời tiết không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa của ND mà còn tác động đến giá lúa. Do mưa kéo dài, lúa không thể thu hoạch nên thương lái “ngán” mua làm giá lúa bị ảnh hưởng.
Trên nhiều thửa ruộng lúa bị sập, ND phải dùng dây cố định lúa thành từng bó nhằm hạn chế thiệt hại, tránh lúa bị ngập trong nước, chờ tới ngày thu hoạch.
Anh Hồ Văn Dũng- cán bộ nông nghiệp xã Bình Phước cho biết: Xã có hơn 100ha lúa bị sập, với mức độ sập từ 30- 50%. Một số lúa thu hoạch cách đây gần 2 tuần còn bị ảnh hưởng nặng hơn, năng suất chỉ chừng 15- 20 giạ/công.
Nhiều diện tích lúa ướt quá máy cắt không được, phải thuê cắt tay khiến chi phí đội lên khá nhiều. Trong khi đó, hiện giá lúa ướt bị sập bán tại ruộng còn khoảng 4.000 đ/kg, lúa ráo hơn thì được 4.500- 4.800 đ/kg, chủ yếu là các giống lúa tròn và OM 5451, OM 6976.
Năm nay thấy vụ lúa này không khả quan, dù có theo khuyến cáo né vụ nhưng thời tiết không thuận nên không thể tránh khỏi thiệt hại.
Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết: Hiện diện tích lúa sập tới trên 700ha, mức độ sập từ 10- 90%, ở hầu hết các xã: Chánh Hội, Nhơn Phú, Tân Long, Bình Phước, Tân An Hội, Hòa Tịnh.
Hiện công cắt lúa tay cũng ở mức cao, từ 500.000- 600.000 đ/công nhưng tìm nhân công cũng rất khó. Mưa nhiều, năng suất giảm, nhiều ruộng lúa không tuốt ra hạt, lên mộng, hao hụt cao từ 30- 40% năng suất, thêm vào đó, giá lúa không cao, ND cầm chắc lỗ. Toàn huyện có khoảng 20% lúa hiện bán không được, ND phải phơi để “chờ thời cơ”.
Triều cường gây tràn, sạt lở đê bao
Thời gian qua, triều cường đã làm sạt lở nhiều đoạn đê bao thuộc huyện Long Hồ, gây ngập úng hàng chục hec ta vườn cây ăn trái.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Long Hồ, triều cường đã làm sạt lở 20 đoạn đê bao, 11 đoạn bị nước tràn và 11 đoạn đê có nguy cơ sạt lở. Riêng xã Đồng Phú bị thiệt hại nhiều nhất với 10 đoạn đê bao bị sạt lở; 2 xã An Bình và Hòa Ninh mỗi địa phương cũng có 2 điểm bị sạt lở.
Tại huyện Bình Tân, triều cường đã làm sạt lở 2 đoạn bờ vùng gồm 1 đoạn dài 250m thuộc kinh Ông Báo (xã Tân Thành) và 1 đoạn thuộc kinh Lung Cái (xã Tân Hưng) dài 300m, 4 đập bị tràn, tổng chiều dài 60m tại các xã Tân An Thạnh, Tân Bình và Tân Thành.
Bên cạnh, đường đất bị tràn 12.900m chủ yếu tại 2 xã Tân Lược và Tân An Thạnh. Đặc biệt, có 6,75ha rau màu và 106ha vườn cây ăn trái bị ngập, tập trung tại các xã Tân Bình, Tân An Thạnh, Tân Lược.
Triều cường cùng với mưa lớn kéo dài cũng làm sạt lở nhiều đoạn đê bao tại xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), gây ảnh hưởng đến giao thông, thiệt hại nhiều diện tích màu, cây ăn trái. Tại ấp Long Thạnh, một đoạn đê bao dài khoảng 10m đã bị vỡ, làm cho hơn 4ha màu và cây ăn trái bị ngập, có khả năng ảnh hưởng lớn tới năng suất.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 24 đoạn bờ bao bị tràn, 28 bờ bao bị sạt lở với tổng chiều dài gần 70km. Trong đó, huyện Long Hồ nhiều nhất với 30 đoạn, kế đến là các huyện Mang Thít, Tam Bình, Bình Tân, Trà Ôn... Triều cường còn khiến cho 13 con đập ở huyện Bình Tân bị tràn và 4 đập ở huyện Long Hồ bị sạt lở, hư hỏng.
Đến nay, các địa phương đã khắc phục xong số đập bị tràn, gia cố các bờ bao tràn, bị vỡ ở các khu vực lúa Thu Đông chưa thu hoạch. Hiện Chi cục Thủy lợi (Sở Nông Nghiệp- PTNT) đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra đê bao các vùng xung yếu, nhất là các xã cù lao, vùng Bắc QL1 có giải pháp và ứng phó kịp thời để bảo vệ sản xuất.
|
Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít: Để hạn chế thiệt hại, địa phương đã triển khai cho ND rút nước để ruộng khô cho máy dễ cắt. Trước mùa mưa lũ cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật cho ND dùng phân Kali để lúa cứng cây, hạn chế phân đạm để tránh đổ ngã. Nhưng do lượng mưa quá lớn, kèm theo gió nên dẫn đến nhiều diện tích lúa thiệt hại nặng. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt triều vừa qua làm ngập 50ha lúa Đông Xuân ở TX Bình Minh, 16,45ha rau màu chủ yếu ở huyện Bình Tân, trên 151ha vườn cây ăn trái ở Long Hồ, Mang Thít, Bình Tân, TX Bình Minh. |
- Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin